Cổ phiếu VNZ "quay xe" giảm mạnh, lãnh đạo VNG đăng ký "thoát hàng"

(Banker.vn) Sau khi niêm yết ngày 5/1 với giá tham chiếu 240.000 đồng/cp, cổ phiếu VNZ suốt nhiều phiên không có thanh khoản. Tuy nhiên, từ ngày 31/1 đến ngày 15/2, cổ phiếu VNZ tăng 466% từ 240.000 đồng lên 1.358.700 đồng/cp và sau đó giảm trở lại. Chốt phiên 21/2, cổ phiếu VNZ đang đứng tại mức 913.000 đồng/cp

Bà Trương Thị Thanh, thành viên Ban kiểm soát Công ty CP VNG (UPCoM: VNZ) đăng ký giao dịch cổ phiếu VNZ. Cụ thể, bà Trương Thị Thanh đăng ký bán 2.000 cổ phiếu VNZ theo phương thức thỏa thuận. Thời gian dự kiến giao dịch từ ngày 23/2 đến ngày 23/3.

Cổ phiếu VNZ
Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 21/2 là 913.000 đồng/cp, ước tính giá trị 2.000 cổ phiếu VNZ là gần 1,83 tỷ đồng. Hình minh họa

Hiện nay, bà Thanh đang sở hữu 36.283 cổ phiếu VNZ, tương ứng 0,101 vốn điều lệ. Nếu giao dịch diễn ra thành công, số cổ phiếu bà Thanh sở hữu sẽ còn 34.283 cổ phiếu, tương đương 0,096% vốn điều lệ.

Nếu tính theo giá đóng cửa ngày 21/2 là 913.000 đồng/cp, ước tính giá trị 2.000 cổ phiếu VNZ là gần 1,83 tỷ đồng, một giá trị tương đối lớn. Trong khi đó, cũng với 2.000 cổ phiếu này nếu tính giá chào sàn chỉ là 480 triệu đồng.

Được biết, sau khi niêm yết ngày 5/1/2023 với giá tham chiếu 240.000 đồng/cp, cổ phiếu VNZ không có thanh khoản. Tuy nhiên, từ ngày 31/1 đến ngày 15/2, cổ phiếu VNZ tăng 466% từ 240.000 đồng lên 1.358.700 đồng/cp và sau đó giảm trở lại. Thậm chí từng có thời điểm cổ phiếu VNZ lên tới 1.562.500 đồng/cp trước khi quay đầu giảm trong phiên 16/2. Sau đó, cổ phiếu VNZ đã giảm sàn 2 phiên liên tiếp.

Thị giá VNZ chốt phiên 21/2 với giá 913.000 đồng/cp, hiện đang thấp hơn 32,8% so với đỉnh ngày 15/2 và đồng thời vẫn cao hơn 280% so với đáy ngày 31/1.

Trước khi có pha “quay xe”, VNZ công bố văn bản giải trình lần 2 (vào ngày 15/2) với “văn mẫu” việc giá cổ phiếu tăng trần liên tiếp hoàn toàn phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường chứng khoán, thị hiếu, nhu cầu, đánh giá của nhà đầu tư. VNZ khẳng định không có bất kỳ can thiệp nào và hoạt động côngty vẫn diễn ra bình thường, không có bất kỳ biến động nào từ việc tăng giá cổ phiếu.

Hầu hết những phiên tăng trần của VNZ đều có chung “kịch bản” chỉ có 100-300 đơn vị được giao dịch, bởi lượng lớn cổ phiếu đang nằm trong tay các cổ đông nước ngoài cũng như các lãnh đạo cao cấp, dẫn tới tỷ lệ freefloat (cổ phiếu trôi nổi tự do) của VNZ tương đối thấp, thanh khoản gần như rất hiếm.

Tuy nhiên, khối lượng giao dịch của VNZ tăng dần qua 4 phiên gần đây, đều trên dưới 6.000 đơn vị/phiên. Việc cổ phiếu đang trong xu hướng tăng, nhưng đột ngột có phiên diễn biến không đồng thuận giữa giá và khối lượng giao dịch khiến giới đầu tư lo ngại về hiện tượng “phân phối đỉnh”.

Theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Chứng khoán Yuanta, bản chất thị trường chứng khoán là cung cầu, phản ánh vào thanh khoản. Với VNZ, cổ phiếu đi lên không có thanh khoản, thì rủi ro cho người mua là không biết bán cho ai.

“Nếu cổ phiếu cứ giảm giá mà thanh khoản không có, mẫu hình cây thông sẽ xuất hiện. Đây là mẫu hình đã xuất hiện ở nhiều cổ phiếu từng "làm mưa, làm gió" trên thị trường. Đến giai đoạn phân phối tạo đỉnh, người mua lướt sóng vội vàng bán ra thì không có thanh khoản”, ông Minh nói.

Đáng chú ý, trong quá khứ một số tổ chức đã từng lỗ rất lớn khi mua cổ phiếu VNZ (so với giá mới lên sàn). Cụ thể, năm 2021, Công ty Quản lý quỹ Mirae Asset đã chi 1.228 tỷ đồng để mua cổ phiếu VNG với mức giá 1,7 triệu đồng/cp. Trước đó năm 2019, quỹ Temasek (Singapore) thậm chí đã mua 355.820 cổ phiếu VNG với giá 1.861.800 đồng/cổ phiếu - tương ứng khoản tiền bỏ ra gần 662 tỷ.

Về kết quả kinh doanh, lũy kế cả năm năm 2022, VNG lỗ trước thuế 943 tỷ đồng, lỗ sau thuế 1.315 tỷ đồng, lỗ sau thuế cổ đông công ty mẹ 858 tỷ đồng. Đây không những là số lỗ kỷ lục mà còn là lần đầu tiên cả 3 chỉ tiêu này đều ở mức âm trong lịch sử hoạt động của VNG. Đây cũng là năm đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp lợi nhuận của doanh nghiệp giảm sút.

Trước đó, từ năm 2018, do đầu tư vào Tiki và ZaloPay, giá vốn hàng bán và chi phí quản lý tăng mạnh khiến tỷ suất lợi nhuận gộp, tỷ suất lợi nhuận trước thuế và tỷ suất EBITDA giảm xuống.

Nhóm quỹ thuộc VinaCapital tiếp tục gom cổ phiếu PVS

Từ đầu tháng 2, cổ phiếu PVS liên tiếp giảm điểm, đến ngày 7/2 cổ phiếu PVS mới “quay xe” tăng trở lại. Chốt kết ...

BaF Việt Nam muốn phát hành 900 tỷ đồng trái phiếu cho Tổ chức tài chính quốc tế (IFC)

Công ty CP Nông nghiệp BaF Việt Nam (HOSE: BAF) thông qua việc phát hành 900 tỷ đồng trái phiếu cho Tổ chức tài chính ...

Tin tức chứng khoán 9h00' hôm nay 22/2/2023: CCI, KPF, TVP, DXL, VPB

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam cập nhật và gửi đến quý độc giả những tin tức chứng khoán mới nhất ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán