Cổ phiếu NVL chưa ngừng “rơi” khi loạt công ty con làm ăn "bết bát"

(Banker.vn) Sau nhịp điều chỉnh giảm cuối tháng 8 vừa qua, cổ phiếu VNL có nhịp hồi tích cực trong những phiên đầu tháng 9. Tuy nhiên, những thông tin kém tích cực liên quan đến các công ty con của Novaland đã khiến thị giá NVL quay đầu điều chỉnh.

Chốt phiên 19/9, chỉ số VN-Index giảm nhẹ 0,31 điểm, tương ứng 0,03%, xuống 1.211,5 điểm. Trong phiên hôm nay, đã có lúc VN-Index thủng mốc 1.200 điểm. Giá trị giao dịch trên cả ba sàn đạt mức 26.121 tỷ đồng với 1,15 tỷ cổ phiếu sang tay.

Đáng chú ý trong phiên hôm nay, cổ phiếu NVL của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) tiếp tục là tâm điểm chú ý của thị trường khi mã này tiếp tục lao dốc. Cụ thể, sau nhịp điều chỉnh giảm cuối tháng 8 vừa qua, cổ phiếu VNL có nhịp hồi tích cực trong những phiên đầu tháng 9.

Tuy nhiên, những thông tin kém tích cực liên quan đến các công ty con của Novaland được cho là nguyên nhân khiến thị giá NVL quay đầu điều chỉnh. Từ mức 22.000 đồng /cp (phiên 8/9), cổ phiếu NVL giảm hơn 21% về mức 17.300 đồng/cp (chốt phiên 19/9), khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên gần nhất đạt hơn 53,5 triệu đơn vị.

Diễn biến giá cổ phiếu VND
Diễn biến giá cổ phiếu NVL

Nhìn về quá khứ, cách đây không lâu, trong phiên 24/7, cổ phiếu NVL bất ngờ “hút tiền” với thanh khoản tăng nhanh ngay từ đầu giờ giao dịch. Cổ phiếu này khớp lệnh chóng mặt và kết phiên với khối lượng giao dịch lên đến gần 96 triệu đơn vị, tương đương 4,92% tổng lượng cổ phiếu lưu hành. Thị giá cổ phiếu tăng kịch trần ngay đầu phiên sáng và đóng cửa phiên 24/7 ở mức 16.200 đồng/cp.

Khối lượng khớp lệnh trên là phiên giao dịch lớn thứ 3 trong lịch sử niêm yết của cổ phiếu NVL kể từ khi cổ phiếu này chính thức được giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HoSE) vào tháng 12/2016. Trước đó, phiên 22/11/2022 với 128,5 triệu đơn vị và 28/11/2022 với 104,25 triệu đơn vị). Thời điểm đó cổ phiếu này bắt đầu có dòng tiền bắt đáy vào giải cứu sau nhịp rơi tự do với nhiều phiên giảm sản “tắt” thanh khoản liên tiếp.

Aqua City nợ thuế 62 tỷ đồng

Mới đây, Cục thuế tỉnh Đồng Nai công bố danh sách 115 doanh nghiệp nợ thuế tính đến ngày 31/8. Số tiền mà các công ty này nợ thuế mà tỉnh này phải truy thu lên đến gần 776 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong danh sách nợ thuế mà Cục thuế tỉnh Đồng Nai nêu tên có Công ty TNHH Thành phố Aqua (Aqua City) với số nợ hơn 62 tỷ đồng. Được biết, công ty này là chủ đầu tư Dự án Aqua City quy mô 1.000ha. Aqua City là một công ty con thuộc Tập đoàn Novaland do ông Bùi Đạt Chương - em trai ông Bùi Thành Nhơn là người đại diện theo pháp luật.

Cổ phiếu NVL chưa ngừng “rơi” khi loạt công ty con làm ăn
Aqua City là một công ty con thuộc tập đoàn Novaland do ông Bùi Đạt Chương, em trai ông Bùi Thành Nhơn là người đại diện theo pháp luật.

Trước đó, ngày 19/7 Aqua City công bố thông tin tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu định kỳ. Thông tin cho biết, ngày 22/6 vừa qua công ty đã tất toán lô trái phiếu 600 tỷ đồng theo kế hoạch phát hành.

Trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 6/2023, Aqua City phải chi khoảng 170 tỷ đồng để trả lãi trái phiếu. Các lô trái phiếu liên quan có TPACH2124002; TPACH2125001; TPACH2025004; TPACH2023002 và TPACH2023002. Trong đó lô trái phiếu TPACH2023002 trị giá 600 tỷ đồng đã được tất toán vào ngày 22/6.

Như vậy tính đến 19/7/2023 AquaCity vẫn còn lưu nợ trái phiếu 2.400 tỷ đồng.

Tình hình kinh doanh, Aqua City chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023, tuy vậy kết quả kinh doanh năm 2022 đã công bố và không khả quan. Báo cáo ghi nhận năm 2022 Aqua City lỗ gần 136 tỷ đồng – trong khi năm 2021 ghi nhận lãi sau thuế hơn 731 tỷ đồng.

Bức tranh tài chính của Aqua City mới đáng chú ý khi nợ phải trả tính đến 31/12/2022 gấp gần 8 lần vốn chủ sở hữu, lên mức 11.856 tỷ đồng, tăng 1.800 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Nợ trái phiếu cũng đã giảm từ 4.600 tỷ đồng đầu năm 2022 xuống còn 3.000 tỷ đồng cuối năm và hiện tại còn 2.400 tỷ đồng. Dư nợ trái phiếu đang gấp đôi vốn chủ sở hữu (tính đến 31/12/2022) và gấp 3,5 lần so với quy mô vốn điều lệ 845 tỷ đồng. Còn cập nhật đến hiện tại, dư nợ trái phiếu vẫn đang gần gấp 3 lần vốn điều lệ.

Unity nối dài chuỗi ngày không lợi nhuận

Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), 6 tháng đầu năm 2023, Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Unity (Unity), công ty con của Novaland lỗ thêm 15 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, qua đó nâng mức lỗ lên con số hơn 80 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) âm 2,44%.

Đáng chú ý, đây là lần thứ ba liên tiếp, Bất động sản Unity thua lỗ trong kỳ bán niên. Trước đó, nửa đầu năm 2022, công ty lỗ sau thuế 65 tỷ đồng; nửa cuối năm 2022 lỗ tiếp 59 tỷ đồng. Tính cả năm 2022, Bất động sản Unity lỗ sau thuế 124 tỷ đồng, ROE -4,02%. Kết quả này rất đáng thất vọng so với năm 2021 khi công ty báo lãi tới 587 tỷ đồng.

Tính đến cuối tháng 6/2023, vốn chủ sở hữu của Unity hơn 3.000 tỷ đồng; tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 1,5 lần, tương ứng nợ phải trả hơn 4.544 tỷ đồng. Tỷ lệ dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu hơn 0,3 lần, tương ứng dư nợ trái phiếu của Unity hiện tại khoảng hơn 993 tỷ đồng.

Cổ phiếu NVL tiếp tục “rơi” khi công ty con "bết bát"
Các chỉ tiêu tài chính cơ bản của Unity trong bán niên 2023

Được biết, Bất động sản Unity thành lập vào tháng 9/2016. Vốn điều lệ hiện tại 2.150 tỷ đồng, hoạt động chính trong lĩnh vực bất động sản. Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm người đại diện pháp luật là ông Bùi Đạt Chương.

Theo số liệu trên báo cáo tài chính bán niên 2023, Novaland đang là công ty mẹ nắm 99,98% vốn điều lệ Unity. Trước đó, ngày 7/12/2021, HĐQT Novaland đã phê duyệt việc nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại Unity với tổng giá trị phần vốn góp là 2.150 tỷ đồng. Tại thời điểm đó, các công ty bao gồm Unity, Du lịch Bình An, Đà Lạt Lake và Hoàn Vũ là nhóm công ty có liên quan mật thiết đến nhau. Cụ thể, Unity sở hữu lần lượt 99,99% vốn Du lịch Bình An và 99,98% vốn Đà Lạt Lake, trong khi Đà Lạt Lake sở hữu 99,98% vốn Hoàn Vũ. Như vậy, thông qua việc mua lại Unity, Novaland cũng đồng kiểm soát Du lịch Bình An, Đà Lạt Lake và Hoàn Vũ.

Một công ty con khác của Novaland là công ty Bất động sản Đà Lạt Valley cũng vừa tiếp tục báo lỗ sau thuế hơn 76 tỷ đồng, gấp ba lần so với số lỗ gần 22 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ 3 Đà Lat Valley liên tục thua lỗ, theo số liệu công bố lên HNX. Trong đó, Công ty lỗ sau thuế hơn 93 tỷ đồng năm 2022 và lỗ sau thuế hơn 0,6 tỷ đồng năm 2021.

Hay Công ty TNHH Bất động sản Gia Đức, 6 tháng đầu năm năm 2023 cũng lỗ sau thuế 89,5 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty này lỗ 61,2 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/6, vốn chủ sở hữu của Gia Đức đạt 3.344 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 2,32 lần, tương ứng số nợ phải trả là 7.758 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu là hơn 1.300 tỷ đồng. Như vậy, tổng tài sản của doanh nghiệp này đạt 11.100 tỷ đồng.

Novaland chậm trả hơn 1.000 tỷ đồng gốc và trái phiếu

Về Novaland, kết thúc quý 2/2023, công ty ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn 1.040 tỷ đồng và lợi nhuận âm 201 tỷ đồng, lần lượt tăng 72% và cải thiện mức âm 51% so với quý 1 (-410 tỷ đồng).

6 tháng cuối năm 2023, Novaland tiếp tục tập trung phát triển và bàn giao theo đúng cam kết với người mua nhà các dự án Saigon Royal Residence, Grand Manhattan, Palm City, Aqua City, Aqua Riverside City và Aqua Waterfront City, Novaworld Phan Thiết, Novaworld Hồ Tràm. Dự kiến trong quý 3 và 4/2023, NVL sẽ ghi nhận lãi sau thuế trở lại với con số lần lượt là 310 tỷ đồng và 515 tỷ đồng.

Trong báo cáo phân tích mới nhất được Công ty Chứng khoán VNDirect công bố, trong tháng 9/2023 sẽ có khoảng hơn 25.800 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đáo hạn. Trong số này, nhóm doanh nghiệp Novaland sẽ phải thanh toán khoảng 2.200 tỷ đồng trái phiếu đến hạn bao gồm lô trái phiếu mã NSRCH2223001 trị giá 1.000 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư Địa ốc Nova Saigon Royal.

Đáng nói thời gian gần đây, một số doanh nghiệp nhóm Novaland đã công bố thông tin chậm thanh toán lãi, gốc trái phiếu với giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Bản thân Novaland cũng chậm thanh toán lãi/gốc trái phiếu - số tiền 5.900 tỷ đồng cho kỳ thanh toán từ ngày 1/1 - 30/6/2023.

Mới đây, Novaland vừa công bố thông tin bất thường về việc thanh toán gốc và lãi lô trái phiếu NVLH2123011. Cụ thể, trong ngày 1/9, công ty này phải trả 1.008 tỷ đồng dư nợ của lô trái phiếu trên, trong đó có 50,7 tỷ tiền lãi và 957,8 tỷ đồng nợ gốc. Tuy vậy đến hạn thanh toán ngày 1/9, tập đoàn mới chỉ thanh toán được 2,2 triệu đồng tiền lãi và gần 11 tỷ đồng tiền gốc với nguyên nhân được lý giải là do chưa thu xếp đủ nguồn thanh toán.

Tại báo cáo tài chính hợp nhất soát xét bán niên 2023, Novaland bị công ty kiểm toán PWC nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục liên quan đến các vấn đề về khả năng thanh toán hoặc tái cấu trúc các khoản nợ vay cũng như trái phiếu đáo hạn.

Tính đến ngày 30/6, Novaland chỉ còn hơn 4.000 tỷ đồng tiền mặt. Trong khi đó, giá trị hàng tồn kho tăng lên mức gần 139.000 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả gần như đi ngang mức 213.000 tỷ đồng (gấp 5 lần vốn chủ sở hữu) trong đó gần 61.600 tỷ là vay nợ tài chính. Dư nợ trái phiếu của Tập đoàn ghi nhận hơn 42.000 tỷ đồng bao gồm hơn 14.100 tỷ đồng ngắn hạn và gần 29.000 tỷ đồng dài hạn.

Điểm sáng là nhiều trái chủ đồng ý cho Novaland gia hạn thanh toán trái phiếu. Hoạt động đàm phán thay đổi điều khoản và điều kiện trái phiếu giữa các tổ chức phát hành và các trái chủ khác cũng diễn ra tích cực trong tháng 8/2023.

Novagroup canh bán thêm 43 triệu cổ phiếu NVL khi thị giá neo vùng đỉnh

Công ty CP Novagroup vừa đăng ký bán ra 44 triệu cổ phiếu NVL của Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland) trong ...

Báo lỗ 483 tỉ đồng sau soát xét, cổ phiếu NVL bị bán mạnh

Tập đoàn Novaland vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 với khoản lỗ thêm hàng trăm tỷ đồng, qua đó ...

Cổ phiếu Novaland "sàn cứng" trong bối cảnh lượng lớn trái phiếu sắp tới kỳ đáo hạn

Theo cập nhật mới nhất, trong quý cuối năm 2023, có tới hơn 65.000 tỉ đồng trái phiếu đến thời điểm đáo hạn, đáng chú ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục