Cổ phiếu HAH phản ứng tích cực trước diễn biến giá cước vận tải tăng nóng

(Banker.vn) Trong bối cảnh giá cước ngành đang leo thang, nhóm cổ phiếu vận tải biển - cảng biển cũng không ngừng tăng nóng. Đặc biệt, cổ phiếu đầu tầu như HAH đang có mức tăng ấn tượng cùng với thanh khoản bùng nổ.

Cổ phiếu HAH của Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An đã có phiên tăng phi mã khi tăng hết biên độ (tương ứng mức tăng 6,89%) lên 47.300 đồng/cp, mức cao nhất trong vòng 2 năm qua. Cùng với đó thanh khoản cổ phiếu này tăng vọt lên mức hơn 11,1 triệu đơn vị.

Trước đó, trong phiên 7/6, nhờ lực cầu sôi động, cổ phiếu HAH cũng tăng 3,7% cùng thanh khoản đạt hơn 12,6 triệu đơn vị - tăng gấp 3 lần so với khối lượng giao dịch trung bình 10 ngày. Nhìn rộng ra, đà tăng của cổ phiếu HAH đã kéo dài hơn 1 tháng qua. Sau khi điều chỉnh về mức 38.050 đồng/cp (phiên 19/4), đến nay thị giá HAH này đã tăng 24,3%. Đây cũng là một trong những mã giao dịch tích cực nhất trong nhóm cổ phiếu ngành cảng biển.

diễn biến giá cổ phiếu HAH thời gian qua.
diễn biến giá cổ phiếu HAH thời gian qua.

Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) tiền thân là Công ty TNHH Vận tải và Xếp dỡ Hải An được thành lập năm 2009. Công ty hoạt động chính trên lĩnh khai thác cảng và vận tải. Công ty hiện đang sở hữu đội tàu với sức chứa gần 16.000 TEUs. Địa bàn kinh doanh của công ty bao gồm các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bà Rịa- Vũng Tàu. Cảng Hải An được đánh giá là có lợi thế cạnh tranh do vị trí của cảng nằm ở hạ lưu sông Cấm, mớn nước sâu hơn, nên đường vào cảng rất rộng, mực nước sâu nên có lợi thế trong việc đón các tàu có trọng tải lớn lên tới 20.000 DWT. Năm 2015, công ty chính thức được niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE).

Mới đây, HĐQT HAH vừa có thông báo về việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM. Theo đó, HAH sẽ phát hành 15,8 triệu cổ phiếu HAH để trả cổ tức cho cổ đông theo tỷ lệ phát hành là 15%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu HAH sẽ được nhận về 15 cổ phiếu mới. Nguồn phát hành từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2023.

Ngày đăng ký cuối cùng để chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức là 24/6/2024. Nếu kế hoạch trên được triển khai thành công, vốn điều lệ của Xếp dỡ Hải An sẽ tăng tương ứng từ 1.055 tỷ đồng lên 1.213 tỷ đồng.

Hưởng lợi từ giá cước tàu tăng chóng mặt

Trong tuần qua (ngày 3 - 9/6), giá cước vận chuyển container toàn cầu đã tăng thêm 12%, lên cao nhất trong vòng 20 tháng ở mức 4.716 USD/ container 40 feet (FEU), tương đương mức tăng mạnh 73% trong một tháng và tăng 181% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các tuyến như Trung Quốc đến Los Angeles (Mỹ) giá cước tăng 11% và Trung Quốc đến Rotterdam (Hà Lan) tăng 14,5%.

Trong khi đó, chỉ số vận tải container Thượng Hải (SCFI) vào ngày 7/6 ghi nhận ở mức 3.184,87 điểm và đạt mức chưa từng thấy kể từ tháng 8/2022.

Nguyên nhân giá cước liên tục tăng cao do tác động dây chuyền từ cuộc khủng hoảng hàng hải ở khu vực Biển Đỏ thời gian qua, buộc các hãng tàu conatiner phải thay đổi lịch trình. Ngoài ra, nhiều chủ hàng cũng đang gấp rút vận chuyển hàng hoá đến Mỹ do lo ngại rủi ro đình công vào tháng 9/2024 khi các cuộc đàm phán tiền lương của công nhân ngành cảng biển ở khu vực Bờ Đông của nước Mỹ diễn ra không suôn sẻ.

Do đó, lượng tàu dồn về Cảng Singapore ngày một lớn, đây là cảng container lớn thứ hai thế giới và là đầu mối trung chuyển hàng, kết nối đến hơn 600 cảng khác trên toàn cầu. Tình trạng tắc nghẽn đột biến đã xảy ra với mức độ nghiêm trọng hơn cả thời điểm đại dịch Covid-19.

Giá cước giá cước vận chuyển container tăng nóng cũng đến từ việc Mỹ có kế hoạch áp mạnh thuế lên nhiều loại hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc từ đầu tháng 8 tới khiến các nhà sản xuất của nước này muốn đẩy nhanh việc xuất nhập khẩu trước tháng 8 để né thuế. Các công ty Trung Quốc sẵn sàng trả cước vận tải cao hơn để giữ chỗ, chiếm container trước.

Ông Nguyễn Lý Trường An - Phó Giám đốc Công ty Global SeaAir, nói hiện chỉ số tắc nghẽn cảng toàn cầu đã chạm mốc 2 triệu TEU, tương đương gần 7% tổng sức chở toàn cầu, trong khi bình thường chỉ ở mức 2 - 4%. "Hiện khách hàng phía Trung Quốc đang đẩy mạnh việc nắm giữ container và đặt giữ chỗ, đẩy giá cước lên cao. Chỉ số vận chuyển container Thượng Hải đã tăng đến 42% trong hơn 1 tháng qua. Đây là chỉ số rất lớn trong nhóm các cảng lớn trên toàn cầu. Chỉ số container toàn cầu là đại diện cho giá cước vận tải container giao ngay trên các tuyến vận tải quốc tế lớn, nay đã quay về vùng đỉnh của thời dịch Covid-19".

Lợi nhuận dự báo tăng mạnh từ quý 2/2024

Chứng khoán TPS dự báo năm 2024 thị trường vận tải container toàn cầu sẽ đón nhận thêm 478 tàu mới, tương đương 3,1 triệu TEU (+41% so với cùng kỳ), trong khi đó, công suất tàu phá dỡ dự kiến sẽ chậm lại do nhu cầu vận tải phục hồi và xung đột tại biển Đỏ. Do đó, tổng công suất toàn cầu dự kiến sẽ tăng thêm 10% trong 2024.

Xung đột tại biển Đỏ đã khiến cho tuyến đường đi qua Suez gặp nhiều rủi ro, do đó các hãng tàu đã phải lựa chọn đi vòng qua Mũi Hảo Vọng khiến cho tuyến đường vận chuyển từ Châu Á – EU dài hơn, do đó để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa được dự kiến tăng cao trong mùa cao điểm, các hãng tàu sẽ phải cần thêm nhiều tàu hàng hơn. Dù trong năm nay thị trường dự kiến sẽ đón lượng cung tàu cao kỷ lục, song TPS cho rằng tình trạng dư cung có thể chưa quá nghiêm trọng cho đến khi tình trạng xung đột tại biển Đỏ được giải quyết.

TPS nhận thấy nhiều yếu tố giúp giá cước vận tải duy trì ở ngưỡng cao. (1) Xung đột khu vực biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi lực lượng Houthi trong thời gian gần đây liên tục tuyên bố mở rộng phạm vi tấn công ra khu vực biển Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải. Điều này tiếp tục gây thêm áp lực cho ngành vận tải biển. (2) Nhu cầu hàng hóa phục hồi, giá cước thường có xu hướng tăng trong mùa cao điểm quý 3 và quý 4. (3) Đang có dấu hiệu thiếu container tại các cảng xuất lớn, điều này sẽ gây áp lực mạnh lên giá cước khi bước vào mùa cao điểm. Việc giá cước neo cao sẽ tác động tích cực đến các doanh nghiệp vận tải biển có hoạt động cho thuê tàu như HAH

Trong quý 1/2024, HAH tiếp tục bị ảnh hưởng của chu kỳ đi xuống của ngành container từ năm 2023. Công ty ghi nhận 704 tỷ đồng doanh thu, tăng 7 % so với cùng kỳ, nhưng lợi nhuận ròng của cổ đông công ty mẹ giảm tới 57%, còn 51 tỷ đồng. Ngoài sự đóng góp từ tàu mới trọng tải 1.780 TEU từ đầu năm 2024, sản lượng vận tải tăng mạnh đóng vai trò quan trọng trong việc đảo chiều thành xu hướng tăng trưởng doanh thu của HAH.

SSI Research cho rằng điều này có thể là đến từ việc giá trị xuất khẩu của Trung Quốc phục hồi mạnh với giá trị tăng 22% svck. Sự phục hồi này cũng được thể hiện rõ ràng trong sản lượng vận tải quốc tế tại cụm cảng Hải Phòng, với mức độ phục hồi mạnh hơn so với nhu cầu vận chuyển của thị trường nội địa.

Đánh giá về triển vọng của HAH, mặc dù SSI Research dự báo xu hướng phục hồi từ quý 2 đến quý 3, nhưng dữ liệu xuất nhập khẩu tính đến thời điểm hiện tại cho thấy sự phục hồi về sản lượng hoạt động có thể sẽ vượt kỳ vọng. Trong khi đó, giá cước vận tải tàu container toàn cầu tiếp tục duy trì ổn định ở cả thị trường giao ngay và cho thuê tàu định hạn. Đáng chú ý là chỉ số container toàn cầu, đại diện cho giá cước vận tải container giao ngay cho các tuyến vận tải quốc tế lớn đã quay về vùng của dịch Covid, trong khi giá thuê tàu định hạn trọng tải 1.700 TEU đã tăng 65% so với đầu năm.

Về hoạt động kinh doanh của HAH, việc giá cước neo cao trong thời gian dài hơn sẽ ảnh hưởng tích cực các hợp đồng cho thuê tàu định hạn sẽ hết hạn hợp đồng từ quý 4/2024 trở đi, cũng như giá cước giao ngay trên các tuyến nội địa vẫn chưa phục hồi mạnh kể từ đầu năm 2024.

CTCK dự báo doanh thu và lợi nhuận năm 2024 của HAH lần lượt đạt 3.000 tỷ đồng (+15% svck) và 377 tỷ đồng (-2,1% svck). Lợi nhuận HAH sẽ phục hồi so với quý trước từ quý 2/2024, do môi trường giá cước thuận lợi và tăng trưởng nhu cầu gần đây được phản ánh trong dữ liệu xuất nhập khẩu tháng 4 và giữa tháng 5.

Container Việt Nam tăng sở hữu tại Vận tải và Xếp dỡ Hải An

Container Việt Nam vừa gia tăng đáng kể tỷ lệ sở hữu tại Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An, hướng đến ...

Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HAH) mất 2 cổ đông lớn trong một tháng

Tương tự động thái của Container Việt Nam (Viconship), Đầu tư Sao Á D.C tiếp tục bán thêm 1,1 triệu cổ phiếu Công ty CP ...

Khối ngoại tiếp tục bán ròng trên HOSE, ngược dòng gom mua cổ phiếu HAH

Thị trường có phiên tăng điểm trong bối cảnh dòng tiền suy yếu. Khối ngoại hôm nay tiếp đà bán ròng trên HOSE, trong khi ...

Đức Anh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán