Cơ hội cho hàng Việt

(Banker.vn) Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 20/12/2015, không chỉ tạo ra cơ hội lớn cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập thị trường này mà còn tạo hành lang pháp lý để thu hút doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam.
Cơ hội cho hàng Việt
Xuất khẩu đồ gỗ vào Hàn Quốc sẽ tăng mạnh

Đa dạng hóa nguyên liệu sản xuất

Theo cam kết, Hàn Quốc sẽ tự do hóa 97,2% giá trị nhập khẩu (NK), chiếm 95,4% số dòng thuế cho Việt Nam, trong đó có các nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, đồ gỗ, dệt may, cơ khí. Riêng thủy sản, theo ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), Hàn Quốc dành cho các nước ASEAN hạn ngạch 5.000 tấn tôm/năm theo Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Hàn Quốc (AKFTA). Riêng Việt Nam, quốc gia này sẽ miễn thuế cho Việt Nam với lượng hạn ngạch 10.000 tấn/năm và tăng dần trong 5 năm đến mức 15.000 tấn/năm. Sau năm thứ 6, số lượng trong hạn ngạch sẽ duy trì ở mức 15.000 tấn/năm. Hơn nữa, Việt Nam vẫn tiếp tục được tận dụng số hạn ngạch trong khuôn khổ AKFTA.

Đặc biệt, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được Hàn Quốc mở cửa đối với các mặt hàng mật ong, tỏi, ớt, gừng, khoai lang… Hiện tại, các mặt hàng này đang chịu thuế xuất khẩu (XK) rất cao từ 241-420%. Ông Sơn cho biết, Hàn Quốc là nước tiêu thụ rất nhiều tỏi. Hàng năm, quốc gia này NK hàng triệu USD tỏi từ Trung Quốc. Bởi vậy, VKFTA sẽ mang lại lợi ích lớn cho sản phẩm tỏi của Việt Nam.

Trong khi đó, Việt Nam cam kết mở cửa đối với 200 mặt hàng, trong đó có 31 dòng nguyên phụ liệu dệt may, da giày; 33 dòng động cơ, linh kiện, phụ tùng ôtô… Khi VKFTA có hiệu lực, Việt Nam có thể tiếp tục nhập siêu từ Hàn Quốc nhưng phần lớn là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất. Do đó, hiệp định này còn giúp Việt Nam tránh phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu từ Trung Quốc.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Hongsun - Tổng thư ký Phòng Thương mại Hàn Quốc tại Việt Nam - cho biết: Để đón đầu cơ hội từ VKFTA, Hàn Quốc đang chờ Việt Nam phê duyệt dự án chợ đầu mối nông, lâm, thủy sản tại Hà Nội. Dự án này được đặt tại khu vực phía bắc huyện Thường Tín với diện tích 310 ha. Tại đây, Hàn Quốc sẽ xây dựng chợ theo mô hình một trung tâm giao dịch lớn, hiện đại, đi kèm với công nghệ kỹ thuật, viễn thông.

Tạo hành lang pháp lý thuận lợi

Theo nội dung hiệp định, các cam kết về đầu tư trong VKFTA có phạm vi áp dụng sâu rộng hơn Hiệp định Khuyến khích và bảo hộ đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc và AKFTA. VKFTA có các cam kết về quy định đối xử quốc gia (NT); tối huệ quốc (MFN); nhân sự quản lý cao cấp… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 7/2015, tổng vốn đầu tư đăng ký của Hàn Quốc tại Việt Nam đã đạt 39,5 tỷ USD với 4.555 dự án còn hiệu lực. Nếu tính cả các dự án của Samsung, Hongsun và một số tập đoàn khác đầu tư qua nước thứ 3, con số này có thể lên tới 50 tỷ USD, chiếm khoảng 18,9% tổng vốn FDI vào Việt Nam.

Mặt khác, theo nội dung hiệp định, hai nước đã cam kết sẽ mở cửa thị trường dịch vụ trong một số lĩnh vực cho nhau. Doanh nghiệp Hàn Quốc được phép mở công ty hoạt động liên quan đến lập quy hoạch, kiến trúc và cho thuê máy móc, thiết bị; công ty luật của Việt Nam giờ đã có thể mở được văn phòng pháp lý tại Hàn Quốc.

Khi VKFTA có hiệu lực, Việt Nam có thể tiếp tục nhập siêu từ Hàn Quốc nhưng phần lớn là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Nguyễn Phượng

Theo: Báo Công Thương