Cổ đông là 'tay to', Lạc Hồng Phúc có cơ trúng dự án lớn tại Hưng Yên

(Banker.vn) Mới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên đã mở hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở liền kề để bán đô thị xanh - Green City, thuộc địa bàn phường Bần Yên Nhân, thị xã Mỹ Hào.
Lạc Hồng Phúc -
Phối cảnh Dự án Khu đô thị Lạc Hồng Phúc tại Hưng Yên.

Kết quả cho thấy, chỉ có duy nhất 1 nhà đầu tư nộp hồ sơ đăng ký thực hiện Dự án, đó là Công ty CP Đầu tư phát triển Lạc Hồng Phúc (viết tắt là Lạc Hồng Phúc).

Được biết, Dự án Khu nhà ở Green City có diện tích đất khoảng 8,92 ha, quy mô dân số trên dưới 1.400 người; dự kiến cung cấp ra thị trường 312 căn nhà ở liền kề, 38 căn nhà ở biệt thự và một khu dịch vụ thương mại, với diện tích trên 8.433 m2.

Hiện trạng khu đất chưa giải phóng mặt bằng. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện hơn 935 tỷ đồng.

Thời hạn hoạt động của Dự án là 50 năm, tính từ ngày nhà đầu tư trúng đấu thầu được cấp văn bản chấp thuận nhà đầu tư. Tiến độ đầu tư hoàn thành Dự án trong thời hạn 36 tháng (3 năm).

Nhà đầu tư Lạc Hồng Phúc là ai?

Đối với người dân Hưng Yên, Lạc Hồng Phúc không phải cái tên quá xa lạ. Đây là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Lạc Hồng Phúc (tên pháp lý là Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại Lạc Hồng Phúc), quy mô gần 16 ha, nằm trên khu vực đẹp nhất của huyện Mỹ Hào, chiếm giữ vị trí thuận lợi, nhiều tiện ích.

Dự án khởi công từ tháng 10/2017, đang tiếp tục được xây dựng và đã đưa một phần vào sử dụng.

Về lịch sử hoạt động, Lạc Hồng Phúc thành lập từ tháng 7/2016 với vốn sáng lập 125 tỷ đồng, là đơn vị thành viên của Công ty CP Đầu tư Đô thị Phúc Thành (Công ty Phúc Thành) - pháp nhân sở hữu 99,8% vốn điều lệ.

Lượng cổ phần ít ỏi sót lại chia đều cho 2 tổ chức khác, là Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng (Công ty Lạc Hồng) và Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tân Hải Đăng Hưng Yên.

Trong đó, Công ty Phúc Thành bước chân vào thị trường bất động sản vào tháng 4/2010, nổi danh là nhà phát triển bất động sản lớn của tỉnh Hưng Yên, trong đó dự án tiêu biểu phải nói tới là Khu nhà ở liền kể để bán Phúc Thành, cũng ở khu trung tâm Mỹ Hào.

Hồi tháng 4/2016, cơ cấu cổ đông của Công ty Phúc Thành chính thức được hé lộ trên truyền thông, toàn bộ là cá nhân thường trú tại Hưng Yên. Nhóm góp 160 tỷ đồng vốn điều lệ dẫn đầu bởi bà Phạm Thị Nhật - người nắm giữ 62,5% cổ phần; theo sau là ông Nguyễn Hải Hòa (30,625% cổ phần) và ông Phạm Văn Tiệp (6,875% cổ phần).

Đến nay, trải qua nhiều đợt tăng vốn, quy mô vốn điều lệ của Công ty Phúc Thành đã lên tới 1.200 tỷ đồng. Đồng thời, doanh nghiệp đổi tên thành Công ty CP Tập đoàn Đô thị Phúc Thành. Người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Nhật, Tổng giám đốc doanh nghiệp.

Theo số liệu tài chính mới nhất, Công ty Phúc Thành vừa gặt hái 2 năm khởi sắc về doanh thu thuần, với 73,3 tỷ đồng (2020) và 82,3 tỷ đồng (2021), trong khi năm 2019 chỉ đạt 5,8 tỷ đồng. Diễn biến cùng chiều, doanh nghiệp cũng thoát khỏi tình trạng liên tục thua lỗ, chính thức có lãi từ năm 2020 (357 triệu đồng), và duy trì đến năm 2021 (6,6 tỷ đồng). Tuy vậy, kết thúc năm ngoái, Công ty Phúc Thành vẫn chưa xóa được lỗ lũy kế (hơn 20 tỷ đồng).

Trở lại với Lạc Hồng Phúc, đến thời điểm hiện tại cũng đã tiến hành tăng vốn lên 600 tỷ đồng. Cùng với đó, ghế giám đốc của công ty này liên tục đổi chủ, lần lượt do bà Phạm Thị Nhật, ông Mai Duy Phan, ông Nguyễn Bá Hải, và hiện nay là bà Nguyễn Thị Thuý Nga đảm nhiệm.

Sinh năm 1976, bà Nguyễn Thị Thúy Nga còn là giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Thương mại du lịch sinh thái Sen Hồ (Sen Hồ). Doanh nghiệp này được Công ty Phúc Thành, bà Phạm Thị Nguyệt và bà Nguyễn Thị Thuý Nga sáng lập vào tháng 4/2021.

Ít tháng sau khi đi vào hoạt động, Sen Hồ đã đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn chấp thuận việc khảo sát, lập quy hoạch chi tiết và chủ trương phê duyệt dự án "Khu nhà ở sinh thái" tại thôn Nà Mò, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng.

Trong khi đó, ông Nguyễn Bá Hải và bà Phạm Thị Nhật là những cổ đông sáng lập của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Green Sea City (Green Sea City).

Doanh nghiệp này từng đề xuất khảo sát, lập quy hoạch chi tiết dự án Trung tâm thương mại quốc tế hữu nghị Việt – Trung tại thôn Cốc Lĩnh và thôn Hợp Nhất, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn.

Tháng 7/2021, Green Sea City đã có văn bản gửi UBND tỉnh Lạng Sơn đề xuất điều chỉnh tên và mục tiêu dự án thành: Nhà máy chế biến nông sản và các sản phẩm khác, quy mô 43 ha, tổng mức đầu tư 650 tỷ đồng; và Khu nhà ở hỗn hợp sinh thái, quy mô 55 ha, tổng mức đầu tư 750 tỷ đồng.

Lạc Hồng Phúc -

Khách sạn Lâu đài Tam Đảo gây xôn xao dư luận một thời

'Ông chủ' Khách sạn Lâu đài Tam Đảo gây xôn xao dư luận

Tương tự, Công ty Lạc Hồng - đối tác của Công ty Phúc Thành tại Lạc Hồng Phúc vốn là thương hiệu có danh. Thành lập năm 2003, Công ty Lạc Hồng từng là đơn vị thành viên thuộc Tổng công ty Xây dựng Hà Nội - Hancorp.

Hiện nay, "ông chủ" của Công ty Lạc Hồng là doanh nhân Lê Xuân Trường, sinh năm 1970, người đứng sau loạt dự án một thời gây sốt cộng đồng mạng, điển hình như tòa lâu tráng lệ trên đỉnh núi Tam Đảo và dự án SerenaValley Thanh Lanh Vĩnh Phúc, nằm trong tổng thể dự án khu sinh thái Nam Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tính đến cuối năm 2021, tổng tài sản của Công ty Lạc Hồng đã cán mốc 3.380 tỷ đồng. Trên website của mình, trong lĩnh vực xây dựng, Công ty Lạc Hồng giới thiệu là đơn vị tham gia xây dựng các công trình quy mô lớn, tiêu biểu là phòng họp chính - Tòa nhà Quốc hội; trụ sở Bộ Công an, Bộ Ngoại giao; trung tâm Thông tấn xã Việt Nam; chung cư Viglacera Tower; trụ sở Công ty Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex); tòa nhà Viettel Vĩnh Phúc; tòa nhà Geleximco...

Tại Hà Nội, Công ty Lạc Hồng là chủ đầu tư một số dự án chung cư, gồm có Lạc Hồng Lotus - N01.T1, Lạc Hồng Lotus - N01.T5 tại khu Ngoại giao đoàn; Lạc Hồng West Lake (khu đô thị Nam Thăng Long); dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở cho người có thu nhập thấp, dịch vụ công cộng, văn phòng cho thuê kết hợp nhà ở để bán tại quận Nam Từ Liêm...

Bên cạnh các dự án kể trên, Lạc Hồng cũng là chủ đầu tư các dự án khu nghỉ dưỡng khoáng nóng Serena Resort Kim Bôi Hòa Bình, khu nghỉ dưỡng - du lịch sinh thái hồ Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình); khu đô thị Chùa Hà Tiên (tỉnh Vĩnh Phúc); Hạ Long Bay View (tỉnh Quảng Ninh); khách sạn 4 sao tại thị trấn Sa Pa (tỉnh Lào Cai)...

Ngày 24/10/2018, theo Quyết định số 1369/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng, Công ty Lạc Hồng là một trong số doanh nghiệp sẽ bị thanh tra chuyên ngành về hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện các quy định của pháp luật về nhà ở trong năm 2019.

Các dự án của Công ty Lạc Hồng bị rơi vào “tầm ngắm” của Thanh tra Bộ Xây dựng là khá nhiều, trải dài từ Hà Nội cho tới Hòa Bình, Quảng Ninh và phần lớn ở tỉnh Vĩnh Phúc...

Hệ sinh thái của Công ty Lạc Hồng còn có Công ty CP Thương mại du lịch Lạc Hồng, Công ty CP Lạc Hồng - Tây Thiên, Công ty CP Dịch vụ du lịch Tam Đảo, Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng - Sapa...

Trong đó, Công ty CP Thương mại du lịch Lạc Hồng từng là "cú bắt tay" giữa Công ty Lạc Hồng với Công ty TNHH Xuân Cầu của ông Tô Dũng, song tới nay đơn vị này đã thoái toàn bộ vốn khỏi doanh nghiệp.

Vân Oanh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán