Cổ đông tăng sức ép: Tiếp tục lộ lọt nhiều vấn đề tại Địa ốc Hoàng Quân (HQC)

(Banker.vn) Nhóm cổ đông lớn nắm giữ 8,26% cổ phần HQC (được cho là có liên quan đến họ doanh nghiệp Louis) đã cùng ký vào văn bản mới gửi thêm các nội dung chất vấn đến HĐQT và Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân (HQC) - Trương Anh Tuấn.

Những vấn đề liên quan đến ĐHCĐ thường niên 2022 của CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân (HOSE: HQC) nửa tháng trở lại đây vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi mới đây nhóm cổ đông lớn nắm giữ 8,26% cổ phần HQC (được cho là có liên quan đến họ doanh nghiệp Louis) đã cùng ký vào văn bản mới gửi thêm các nội dung chất vấn đến HĐQT và Chủ tịch Trương Anh Tuấn.

Nội dung chất vấn lần này tập trung làm rõ các thông tin số liệu trong báo cáo tài chính 2021 đã kiểm toán có liên quan đến nội dung đề xuất phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ trong kỳ họp ĐHCĐ 2022 sắp tới.

Cụ thể, nhóm cổ đông đề nghị công ty làm rõ khoản nợ hơn 1.166 tỷ đồng của Chủ tịch HĐQT Trương Anh Tuấn và vợ là bà Nguyễn Thị Diệu Phương cho HQC vay. Nhóm này đặt vấn đề nguồn tiền từ đâu mà có trong khi công ty kinh doanh bết bát; liệu đây có phải chiêu trò sang tay tiền của công ty sang tiền túi cá nhân? Hiện giờ, khoản tiền đó đang sử dụng vào mục đích gì và trạng thái như thế nào?

Một vấn đề khác là việc công ty phát sinh khoản công nợ rất lớn liên quan đến các cá nhân với giá trị hơn 1.300 tỷ gồm trong đó Nguyễn Thị Như Hiền 335 tỷ đồng, bà Nguyễn Trần Thùy Trang 335 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Điểm 300 tỷ đồng và ông Hoàng Minh Đức 337 tỷ đồng.

Theo nhóm cổ đông trên, rõ ràng các cá nhân này không phát sinh bất kỳ công nợ nào với công ty trước đó nhưng lại cho công ty vay với số tiền rất lớn trong quý IV/2021. Do đó, nhóm cổ đông này đề nghị công ty làm rõ mối quan hệ với các cá nhân này và mục đích cho vay để làm gì? Khoản tiền vay này đã được sử dụng như thế nào đồng thời nhấn mạnh không thể phát hành cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ ngay trong quý I/2022.

“Phải chăng đây là những người thân của Ban lãnh đạo? Cho mượn tiền để rút ruột công ty và hoán đổi cổ phần để gia tăng tỷ lệ sở hữu khi ban lãnh đạo không còn nắm nhiều cổ phiếu”, nhóm cổ đông nêu nghi vấn.

Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021, tỷ lệ sở hữu của vợ chồng ông Tuấn và cá nhân, công ty liên quan tại HQC là gần 18,6% - còn lại 81,4% là do cổ đông bên khác sở hữu.

Để bảo về quyền lợi cho các cổ đông và làm rõ nguồn gốc dòng tiền cũng như đảm bảo tính minh bạch của các khoản trên, nhóm cổ đông đề nghị HĐQT ngay lập tức tiếp đón một đoàn Kiểm toán độc lập mà bên nhóm cổ đông thuê và chi trả mọi chi phí phát sinh.

Ngoài ra, nhóm cổ đông này cũng đề nghị công ty thay đổi đơn vị kiểm toán hiện tại sang 1 trong 4 công ty kiểm toán Big Four (Deloitte, PWC, KPMG, E&Y) từ năm 2022 để tăng uy tín và tính minh bạch của số liệu báo cáo tài chính vào những đợt kế tiếp. Nhóm này đề nghị công ty đưa nội dung này bổ sung vào nội dung họp ĐHCĐ thường niên sắp tới để Đại hội thông qua.

Liên quan đến những lùm xùm tại HQC, nhóm cổ đông trên cũng đã gửi đơn thắc mắc với nhiều luận điểm đáng chú ý như:

Tại sao lãi của công ty chỉ luôn quanh mức 1 tỷ trong khi vốn điều lệ của công ty là 4.766 tỷ đồng? Rất nhiều công ty kinh doanh bất động sản đều có mức doanh thu và lợi nhuận hợp lý những năm qua. Là cổ đông của công ty có vốn điều lệ lớn nhưng mức lãi của Quý Công ty cứ kiểu 1 tỷ đồng hàng quý khiến chúng tôi cảm thấy khó hiểu.

Tại sao HQC lại chỉ sở hữu tỷ lệ thấp ở các dự án bất động sản qua công ty con? Có dự án chỉ 10% hoặc 20%. Ai là những người sở hữu còn lại? Có phải chính cổ đông nội bộ công ty hay không? Vấn đề các cổ đông sở hữu vốn còn lại xin ban lãnh đạo công khai.

Gần đây khi có thông tin nhóm cổ đông khác vào giúp sức công ty thì cổ phiếu HQC lại tăng ngay? Phải chăng việc có thêm cổ đông bên ngoài vào là có lợi cho doanh nghiệp?

Trần Trung

Nguồn Kiến thức Đầu tư - Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán