Chuyện room ngoại giữa VSD và Sacombank: Cần con số chính xác về tỉ lệ giới hạn sở hữu NĐT nước ngoài

(Banker.vn) Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát Tuân thủ Công ty CP Chứng khoán SSI cho rằng, VSD và Sacombank cần làm việc với nhau để đưa ra con số chính xác về tỉ lệ giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

Bài học lớn từ vụ FLC bị hủy niêm yết: Đầu tư cổ phiếu phải tìm hiểu ý thức tuân thủ pháp luật của người đứng đầu doanh nghiệp

Thời gian qua nổi lên câu chuyện room ngoại tại ngân hàng Sacombank thu hút đông đảo sự quan tâm của dư luận, nhiều thắc mắc liên quan đến room ngoại tại ngân hàng được đặt ra.

Tạp chí Điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Kim Long – Giám đốc Luật và Kiểm soát Tuân thủ Công ty CP Chứng khoán SSI về vấn đề này.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

PV: Xin ông cho biết tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam theo pháp luật hiện hành được quy định như thế nào?

Ông Nguyễn Kim Long: Liên quan tỷ lệ sở hữu vốn của nhà đầu tư nước ngoài, tại Điểm b Khoản 1 Điều 139 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 (“Nghị định 155”) quy định “Công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh mà pháp luật liên quan có quy định về sở hữu nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại pháp luật đó.”

Các ngân hàng thương mại tại Việt Nam sẽ tuân thủ quy định về sở hữu nước ngoài theo quy định tại Khoản 5 Điều 7 Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014, theo đó tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

PV: Việc Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) cập nhật tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng được thực hiện như thế nào, dựa theo những căn cứ gì? Mục đích việc thông báo là gì?

Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát Tuân thủ Công ty CP Chứng khoán SSI
Ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát Tuân thủ Công ty CP Chứng khoán SSI

Ông Nguyễn Kim Long: Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSD) (tên gọi trước đây là Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) thực hiện cập nhật, điều chỉnh trên hệ thống về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng sau khi nhận được văn bản thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khoản 4 Điều 142 Nghị định 155.

Công ty đại chúng thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hoặc thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa sẽ gửi hồ sơ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có văn bản thông báo về việc nhận đầy đủ hồ sơ thông báo tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa hoặc thông báo thay đổi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng, đồng thời gửi VSD.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, VSD thực hiện cập nhật, điều chỉnh trên hệ thống về tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng.

Tỷ lệ sở hữu nước ngoài do VSD thông báo chính là căn cứ để Sở Giao dịch chứng khoán kiểm soát giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài hàng ngày như quy định tại khoản 4 Điều 27 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết của VNX ban hành ngày 31/3/2022.

Chúng ta có thể thấy mỗi ngày HOSE cũng có thông báo về số liệu sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên website của họ, các công ty chứng khoán như chúng tôi cũng nhận được thông báo này qua email đăng ký với Sở giao dịch hàng ngày cho mục đích tuân thủ quy định về giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài.

PV: Thưa ông, theo quy định hiện hành, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại STB là bao nhiêu %? Việc STB khẳng định ngân hàng chưa có bất kỳ văn bản nào đề nghị VSD tăng tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 23,63% lên 30% và yêu cầu VDS khắc phục đưa room ngoại cổ phiếu STB về mức cũ có đúng không?

Ông Nguyễn Kim Long: Theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 139 Nghị định Nghị định 155 thì trường hợp công ty đại chúng quyết định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa thấp hơn tỷ lệ quy định pháp luật thì tỷ lệ cụ thể phải được Đại hội đồng cổ đông thông qua và quy định tại Điều lệ công ty và phải thông báo cho các cơ quan liên quan theo thủ tục như đã nói ở trên.

Trong trường hợp của STB, do giới hạn về thông tin có thể kiểm chứng, chúng tôi không thể khẳng định tỷ lệ nào là đúng. Hiện nay chúng tôi thấy rằng HOSE vẫn đang áp dụng con số do VSD cung cấp.

PV: Theo Lãnh đạo VSD, VSD đã có văn bản nới room cho ngân hàng VietBank, nhưng do sự nhầm lẫn nên đã điều chỉnh với cổ phiếu STB của Sacombank. Việc VSD công bố nhầm tỷ lệ của STB ảnh hưởng như thế nào đối với thị trường chứng khoán, doanh nghiệp và nhà đầu tư nước, thưa ông?

Ông Nguyễn Kim Long: Tính đến ngày 21/02/2023 theo thông báo của HOSE thì tại STB, nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu đến 29,27%, như vậy nếu giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại STB là 23,63% như ý kiến của STB, thì nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu vượt giới hạn 5,64% vốn điều lệ của STB.

Khoản 5 Điều 139 Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định “5. Trường hợp công ty đại chúng có tỷ lệ sở hữu nước ngoài vượt quá tỷ lệ quy định tại khoản 1 Điều này, công ty đại chúng phải bảo đảm không làm tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty. Trường hợp pháp luật liên quan không có quy định khác, các cổ đông của công ty đại chúng là nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ chỉ được phép bán ra cổ phiếu cho đến khi tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại công ty đại chúng tuân thủ quy định tại khoản 1 Điều này, ngoại trừ việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu hoặc mua cổ phiếu trong đợt phát hành thêm cho cổ đông hiện hữu.” Việc xử lý hậu quả của phần cổ phiếu đã được mua vượt room 5,64% này sẽ là vấn đề phức tạp.

Chúng tôi mong là VSD và STB sẽ làm việc với nhau để đưa ra con số chính xác về tỉ lệ giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài.

PV: Theo ông, thời gian tới các ngân hàng cần lưu ý gì khi quản lý cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài?

Ông Nguyễn Kim Long: Không riêng các ngân hàng, mà tất cả công ty đại chúng nói chung đều cần phải nắm rất chính xác giới hạn tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp của mình hàng ngày cho mục đích tuân thủ và bảo đảm quyền lợi của cổ đông là nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tỉ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại doanh nghiệp không chỉ ảnh hưởng đến cổ đông, hay giao dịch chứng khoán, mà ảnh hưởng đến cả chính doanh nghiệp.

Doanh nghiệp trong nước cũng có thể phải tuân thủ các quy định áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 143 Nghị định 155/2020/NĐ-CP “Tổ chức kinh tế là công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ đầu tư chứng khoán dạng đóng và các tổ chức kinh tế khác có vốn đầu tư nước ngoài phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, trình tự, thủ tục đầu tư trên thị trường chứng khoán như nhà đầu tư nước ngoài khi có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.”

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán