Chuyên gia SSI: Thông tư 02 mang đến nhiều điểm tích cực cho ngành ngân hàng

(Banker.vn) Ông Trương Minh Phương Duy - Chuyên gia Phân tích ngành ngân hàng từ SSI Research cho biết, chưa năm nào Chính phủ và NHNN ban hành nhiều Thông tư và Nghị định đến vậy. Ông Duy nhìn nhận Thông tư 02 được NHNN ban hành hồi tháng 4 vừa rồi đóng vai trò rất quan trọng cho triển vọng nền kinh tế cũng như triển vọng ngành ngân hàng trong thời gian tới,

NIM co lại và nợ xấu đang phình ra

Trong chương trình Gõ cửa tháng mới của Chứng khoán SSI, các chuyên gia của SSI đã có những chia sẻ xoay quanh câu chuyện lợi nhuận của ngành ngân hàng cũng như triển triển vọng của ngành này trong thời gian tới.

Chuyên gia SSI: Thông tư 02 mang đến nhiều điểm tích cực cho ngành ngân hàng

Với tình hình kết quả kinh doanh các ngân hàng Việt Nam đã công bố, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Trung tâm phân tích đầu tư Công ty Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết, tăng trưởng tín dụng quý 1/2023 của các ngân hàng SSI theo dõi chỉ ở mức 4,2% kể từ cuối 2022, cùng kỳ năm trước là 7,2%.

“Điều này cũng không có gì ngạc nhiên khi nhìn vào con số lợi nhuận trước thuế mà các ngân hàng công bố trong nhóm chúng tôi theo dõi, có sự phân hóa rất rõ. Nhóm Big4 ngân hàng, lợi nhuận trước thuế của các ngân hàng này tăng trưởng tích cực 19% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhóm TMCP tư nhân lại có bức tranh khác là giảm 14,3%.

Có một lý do ở đây là do liên quan đến trường hợp Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (HOSE: VPB). Quý 1/2022, VPB có ghi nhận khoản lợi nhuận bất thường từ phí nhận trước của bancassurance. Nếu loại bỏ ảnh hưởng của khoản này đi, thì lợi nhuận của các Ngân hàng TMCP tư nhân chỉ giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ”.

Còn theo ông Trương Minh Phương Duy - Chuyên gia Phân tích ngành ngân hàng từ SSI Research đánh giá, bức tranh chung của các ngân hàng quý 1/2022 là NIM co lại và nợ xấu đang tăng lên.

Cụ thể, NIM đã giảm khoảng 18 điểm cơ bản so với quý 4/2022, trong khi đó nợ xấu và nợ nhóm 2 tăng lần lượt 24% và 41% so với cuối năm 2022. Việc nợ xấu tăng lên đã được dự báo trước, khi lãi suất cho vay vẫn còn neo ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của người đi vay.

Tuy nhiên, các ngân hàng trong quý 1 chưa trích dự phòng tương xứng với mức tăng của tỷ lệ nợ xấu, nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện tại giảm mạnh so với cuối năm 2022. Trong nửa cuối 2023, kỳ vọng tình hình sẽ được cải thiện.

Chúng ta cũng không nên quá bi quan với tình hình hiện tại, chúng tôi tin rằng NHNN và Chính phủ sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt hơn và đưa mặt bằng lãi suất cho vay về mức hấp dẫn hơn, hỗ trợ các doanh nghiệp phục vụ mục đích sản xuất kinh doanh. Kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc hơn nửa cuối 2023, làm NIM sinh lời và chất lượng tài sản ổn định hơn.

Cuối cùng, bà Phương “chẩn đoán” sức khỏe các ngân hàng hiện tại vẫn còn khá tốt. Đối với 15 ngân hàng niêm yết, bao gồm TMCP nhà nước và TMCP tư nhân, lợi nhuận trước thuế quý 1 giảm 3,7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhìn toàn bộ trên HOSE thì mức giảm lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng công bố (tính đến 9/5) có mức giảm 18%.

Thông tư 02 mang đến nhiều điểm tích cực cho các ngân hàng

Ông Duy cho biết, chưa năm nào Chính phủ và NHNN ban hành nhiều Thông tư và Nghị định đến vậy. Ông Duy nhìn nhận Thông tư 02 được NHNN ban hành hồi tháng 4 vừa rồi đóng vai trò rất quan trọng cho triển vọng nền kinh tế cũng như triển vọng ngành ngân hàng trong thời gian tới, vì giúp cho ngân hàng và doanh nghiệp tìm được tiếng nói chung trong việc đưa ra lịch trình trả nợ phù hợp trong tình hình kinh tế hiện tại.

Đánh giá về tác động, ông Duy nhận thấy Thông tư 02 mang hơi hướng như các thông tư được ban hành trong thời kỳ COVID-19 là cơ cấu nợ nhưng giữ nguyên nhóm nợ, nhưng các ngân hàng phải trích lập dự phòng cho các khoản nợ này.

Bên cạnh đó, Thông tư 02 sẽ giúp cho doanh nghiệp và người đi vay nói chung có thêm thời gian chờ đợi nền kinh tế phục hồi cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, cải thiện dòng tiền, sau đó trả nợ cho ngân hàng sau.

Còn đối với ngân hàng, Thông tư 02 sẽ giúp ngân hàng giảm áp lực lên bảng cân đối kế toán bằng cách trì hoãn sự tăng lên của tỷ lệ nợ xấu và giảm bớt áp lực trích lập dự phòng. Những điểm tích cực này có thể kéo dài sang nửa cuối năm 2024.

Đánh giá trong ngắn hạn, bà Phương cho biết trong quý 2 kết quả kinh doanh các ngân hàng vẫn còn có thể tiếp tục gặp những khó khăn như NIM co hẹp, trích lập dự phòng nợ xấu có thể tăng, nhưng có thể kỳ vọng một vài quý sau nợ xấu dần ổn định trở lại.

Còn theo Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đánh giá, Thông tư 02 là một chính sách rất kịp thời, có tác dụng hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay còn đang gặp nhiều khó khăn do tác động của nền kinh tế thế giới, cung ứng nguồn hàng, việc tiêu thụ sản phẩm đình trệ.

Bên cạnh đó, với việc tạo điều kiện kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng, Thông tư 02/2023/TT-NHNN sẽ giúp giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp tục quay vòng nguồn vốn và tiếp cận vốn vay mới để phục vụ sản xuất – kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tại Hội nghị về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN (ngày 25/4), NHNN đã chỉ đạo một cách toàn diện tất cả các NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và hệ thống các tổ chức tín dụng tập trung coi đây là một chính sách quan trọng. NHNN cũng đã yêu cầu các Ngân hàng Thương mại cần có các hướng dẫn nội bộ, quy trình thủ tục đơn giản, dễ hiểu, dễ làm và coi việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng yếu lúc này.

Bên cạnh đó, việc thực thi chính sách cũng cần phải đảm bảo công khai minh bạch, tránh trục lợi, lợi dụng chính sách để che giấu nợ xấu.

“Có thể nói với sự chỉ đạo của NHNN và sự triển khai của các Ngân hàng thương mại, chúng tôi tin tưởng Thông tư 02/2023/TT-NHNN thực sự đi vào cuộc sống, là một trong những giải pháp chính sách hết sức thiết thực, kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay.”, Phó Thống đốc cho biết.

Điểm khác biệt lớn tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN là khoản nợ cơ cấu lại bao gồm cả các khoản vay tiêu dùng. Theo đó, Phó Thống đốc cho biết đánh giá từ thực tế nền kinh tế cũng như lắng nghe các nhà quản lý lãnh đạo, NHNN thấy rằng không chỉ riêng sản xuất kinh doanh, vấn đề tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân cũng đang gặp khó khăn, nguồn thu nhập của họ bị sụt giảm, chưa có điều kiện để trả nợ lúc này.

Chính vì thế, NHNN bổ sung khoản nợ tiêu dùng phục vụ đời sống của người dân vào đối tượng được hoãn giãn nợ lên đến 1 năm. Điều này sẽ tạo thuận lợi trực tiếp cho người dân có khoản nợ chưa trả được.

Có thể nói, đối tượng điều chỉnh tại chính sách này rộng khắp mọi lĩnh vực cả sản xuất kinh doanh và tiêu dùng phục vụ đời sống.

Bảng xếp hạng lợi nhuận ngân hàng quý 1/2023: Quán quân năm trước bất ngờ rơi 10 bậc

Kết thúc quý 1/2023, nhóm các ngân hàng quốc doanh vẫn giữ những vị trí đầu bảng về lợi nhuận trước thuế, tuy nhiên quân ...

Lãi suất điều hành có thể tiếp tục giảm

Các chuyên gia cho rằng với bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể tiếp ...

Những yếu tố vĩ mô tác động tới cổ phiếu ngân hàng trong năm 2023

Ngành ngân hàng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với kinh tế thế giới nói chung và kinh tế Việt Nam nói riêng. ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục