Chuyên gia: Ngân hàng Nhà nước thận trọng giữ room tín dụng ở mức 14% là phù hợp

(Banker.vn) Trong bối cảnh dòng tiền tắc nghẽn do thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị tê liệt, thị trường chứng khoán nhiều phiên giảm điểm, nhiều đề xuất được đưa ra nhằm giải bài toán nghẽn vốn, trong đó có giải pháp nới thêm room tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước thận trọng giữ room tín dụng ở mức 14% là phù hợp. Ảnh minh họa
Ngân hàng Nhà nước thận trọng giữ room tín dụng ở mức 14% là phù hợp. Ảnh minh họa

Theo TS. Võ Trí Thành, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, thời điểm này việc nới room không còn nhiều ý nghĩa. Dư địa tín dụng từ nay đến cuối năm vẫn còn khoảng 2%, tương đương còn hơn 230.000 tỷ đồng sẽ được bơm ra nền kinh tế. Vì vậy, theo ông, điều quan trọng là đưa dòng vốn này đến đúng địa chỉ.

TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh con số tăng trưởng tín dụng 14% năm nay là hợp lý, có thể xem xét mức tương đương trong năm 2023. Ông lý giải, dư địa chính sách tiền tệ rất hạn hẹp khi phải xử lý cùng lúc nhiều vấn đề ổn định vĩ mô, an toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải cân đối các yếu tố trên, nên việc thận trọng giữ room tín dụng ở mức 14% là phù hợp.

Trong dài hạn, khi hệ thống ngân hàng và các công cụ tiền tệ tốt hơn, biện pháp áp trần tín dụng có thể xem xét bỏ.

Nêu quan điểm về nới thêm room tín dụng, TS.Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia bày tỏ lo ngại vì nếu vốn chảy không đúng chỗ thì tình hình sẽ càng thêm khó khăn.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cũng nhắc lại năm nay Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng là 14%. Mức này cao hơn so với năm 2020 - 2021 ghi nhận lần lượt là 12,17% và 13,61%. Như thế, lượng tiền vào nền kinh tế vẫn tương đương với mọi năm và thậm chí còn nhỉnh hơn.

Ông Thịnh cũng cảnh báo không nên tăng hạn mức tín dụng để tránh trường hợp rủi ro vỡ nợ tín dụng. Hiện tại thì dư nợ tín dụng/ GDP của Việt Nam cũng đang ở mức 124% thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Chính vì thế mà mục tiêu cần được ưu tiên lúc này chính là đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính, tiền tệ và kìm lạm phát.

“Việt Nam thuộc trong nhóm quốc gia vay nợ nhiều nhất - điều này cũng đồng nghĩa với việc phải lường trước nguy cơ mất an toàn hệ thống tài chính ngân hàng. Quỹ tiền tệ (IMF), WB, Ngân hàng châu Á (ADB) cũng đều có khuyến nghị Việt Nam cần tìm cách giảm tỷ lệ tín dụng/GDP.”, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói thêm.

Vào hồi tháng 9, ở phiên thảo luận tổng thể thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế xã hội 2022, Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc NHNN đã nhấn mạnh rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% trong năm nay bởi vì nới thêm sẽ ảnh hưởng đến thanh khoản của hệ thống và mặt bằng lãi suất cũng tăng.

Phó Thống đốc cũng thông tin rằng, hệ số sử dụng vốn của hệ thống ngân hàng hiện đang ở mức cao, khoảng 100% - nghĩa là đã dùng hết vốn huy động để cho vay. Nếu như nâng cao mức tăng trưởng tín dụng thêm vài phần trăm thì nguy cơ rất lớn sẽ có ảnh hưởng đến thanh khoản hệ thống, mặt bằng lãi suất cũng lập tức sẽ dâng lên.

Thời gian gần đây, Moody’s cũng đã có năng hạng tín nhiệm của Việt Nam và đi kèm đó là cảnh báo vì tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam ở mức 124%. Tỷ lệ tổng tài sản của tổ chức tín dụng Việt Nam ở trên tổng GDP là 187% - tức là đòn bẩy rất lớn, chính vì thế mà nếu như nới thêm tín dụng sẽ ảnh hưởng đến rủi ro an toàn tài chính ở trong tương lai.

Ngân hàng nỗ lực hút vốn nước ngoài

Việc hút thêm vốn nước ngoài sẽ giúp các ngân hàng nâng cao năng lực tài chính và sức cạnh tranh trên thị trường.

Thách thức với ngành ngân hàng vẫn còn phía trước

Theo chuyên gia của Chứng khoán BSC, ngành ngân hàng vẫn có triển vọng khả quan với mức định giá thấp trong khi sức khoẻ ...

Hàng loạt ngân hàng nâng lãi suất huy động lên 10%/năm

Theo khảo sát mới nhất, hàng loạt ngân hàng đã tăng thêm lãi suất huy động. Mức lãi suất huy động cao nhất đã lên ...

Hoàng Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán