Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại: Thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu bền vững

(Banker.vn) Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm đổi mới phương thức xúc tiến thương mại.
Một năm sôi động và hiệu quả của xúc tiến thương mại Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia: Khẳng định vai trò tiên phong phát triển thị trường

Xây dựng Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số

Trong bối cảnh hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số không còn là xu hướng mà trở thành hướng đi bắt buộc. Trước xu hướng này, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại.

Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại: Thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu bền vững
Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai các khóa tập huấn với các nội dung đa dạng, cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã. Ảnh: Cục XTTM

Trong năm 2023, theo Cục Xúc tiến thương mại, nhằm đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại để thích ứng và tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra hiện nay, Cục Xúc tiến thương mại đã và đang triển khai xây dựng Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số (DECOBIZ).

Cục Xúc tiến thương mại cho biết, Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số (DECOBIZ) là nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại gồm nhiều cấu phần nhằm nâng cao hiệu quả, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm thông tin, đối tác kinh doanh trên môi trường số.

Trong đó, một số cấu phần đã phát triển và triển khai như: Hệ thống thống quản trị thông tin điều hành xúc tiến thương mại; hệ thống đào tạo trực tuyến (E-learning) với một số mô-đun cơ bản, tích hợp các kho học liệu nhằm nâng cao năng lực xúc tiến thương mại; hệ thống truy xuất nguồn gốc xúc tiến thương mại (iTrace247); nền tảng bản đồ xúc tiến thương mại sản phẩn nông sản có tiềm năng xuất khẩu; nền tảng hội chợ, triển lãm… cùng một số cấu phần khác đang được nghiên cứu, phát triển và lên kế hoạch triển khai thực hiện.

Ông Nguyễn Thành Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại cho biết, trong Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, Cục triển khai xây dựng những nền tảng số tương ứng đối với hoạt động xúc tiến thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã hộ nông dân có cơ hội xúc tiến thương mại trên môi trường số.

Theo đó, tham gia Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, doanh nghiệp không chỉ được hưởng lợi đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại mà còn được hỗ trợ thông tin thị trường, huấn luyện và tư vấn trực tiếp tại chỗ, marketing và xây dựng thương hiệu. Cùng với đó, hệ sinh thái xúc tiến thương mại số còn giúp các tổ chức xúc tiến thương mại có công cụ hỗ trợ doanh nghiệp, tự quản lý công cụ và nền tảng dùng chung.

Với ý tác động tích cực đó, việc triển khai xây dựng Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, Cục Xúc tiến thương mại kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp vươn xa hơn ra thị trường thế giới, cắt giảm chi phí mà vẫn đảm bảo hiệu quả cho các hoạt động xúc tiến thương mại.

Nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã

Thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại đã và đang tăng cường hợp tác với sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước, ví dụ như sàn thương mại điện tử Alibaba, Amazon, Tiki, Shopee, Lazada và Voso để xây dựng những gian hàng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm khách hàng mới, thị trường mới, thúc đẩy giao dịch hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu.

Cục Xúc tiến thương mại cũng đang triển khai phối hợp chặt chẽ với sàn thương mại điện tử Alibaba xây dựng và phát triển Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavilion. Mục đích để có thể giới thiệu, quảng bá những sản phẩm của Việt Nam tới những khách hàng quốc tế cũng như thúc đẩy xuất khẩu những sản phẩm Việt Nam tới toàn thế giới.

Đặc biệt, nhằm nâng cao năng lực thực hiện công tác xúc tiến thương mại trên các nền tảng số, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai các khóa tập huấn với các nội dung đa dạng, cung cấp các kiến thức, kỹ năng cho các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã trên nhiều lĩnh vực thu hút sự tham gia của đông đảo học viên từ các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã của các địa phương.

Trong năm 2023, Cục Xúc tiến thương mại đã tổ chức một số hoạt động nổi bật như: Tổ chức 10 khóa tập huấn về nội dung hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp đẩy mạnh thương mại qua nền tảng số, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn thông qua phương thức, kỹ năng livestream bán hàng trên nền tảng số hoặc các ứng dụng, mạng xã hội (Tiktok, Facebook,…) tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Quảng Bình, Tây Ninh, Bình Thuận, Cà Mau, Đắk Nông,….

Tổ chức các 7 khóa “Tập huấn nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại” cho đội ngũ cán bộ làm việc tại cơ quan, tổ chức xúc tiến thương mại tại các địa phương như: Bạc Liêu, Bình Phước, Nghệ An, Hưng Yên... Tổ chức 7 khóa “Tập huấn áp dụng truy xuất nguồn gốc hỗ trợ xúc tiến thương mại cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” tại các địa phương như Bắc Kạn, Đắk Lắk,...

Thời gian tới, theo ông Nguyễn Thành Dương, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục tổ chức những hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh tại các địa phương trên toàn quốc để họ có thể hiểu rõ hơn về cách thức để có thể kinh doanh trên môi trường số, những phương thức chuyển đổi số trong hoạt động mà xúc tiến thương mại, những kỹ năng kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.

Năm 2024, Cục Xúc tiến thương mại tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh triển khai đa dạng, linh hoạt các hình thức xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tập trung khai thác, vận dụng và phát huy có hiệu quả, thực chất các Hiệp định thương mại tự do. Trong đó, chuyển đổi số phải gắn với chuyển đổi xanh trong xúc tiến thương mại một cách tích cực nhằm thúc đẩy sản xuất và phát triển ngoại thương bền vững.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương