Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, sản phẩm tài chính số, ngân hàng số đã đến với người nông dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đối tượng thu nhập thấp.
Covid-19 thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng nhanh hơn 3-5 năm Làng thông minh - Xã kết nối: Hướng đi mới của nông thôn mới Ngày 13/10: Báo Công Thương tổ chức Tọa đàm Chuyển đổi số trong nông thôn mới gắn với thương mại điện tử

Sáng 13/10, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân”.

Hội thảo nằm trong chuỗi Chương trình Tự hào nông dân Việt Nam năm 2023 và sự kiện Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân lần thứ 5 năm 2023. Hội thảo diễn ra vào dịp kỷ niệm 93 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2023) và kỷ niệm Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10/2023.

Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân
Hội thảo “Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân”. Ảnh: Viết Niệm

Người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số nông nghiệp

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, cách mạng công nghiệp, công nghệ lần thứ 4 gắn liền với chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chính phủ số đã và đang trở thành động lực chính dẫn dắt xu thế phát triển kinh tế giới và mỗi quốc gia.

Ông Lương Quốc Đoàn cho rằng, Văn kiện Đại hội 13 của Đảng Chiến lược kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2021 - 2030 đều nhấn mạnh, phải đổi mới tư duy hành động, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển xã hội số, kinh tế số, coi đây là nhân tố quyết định nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh.

Một trong những sứ mệnh lớn lao của chuyển đổi số là phổ cập, cá nhân hóa dịch vụ số như giáo dục, y tế, ngân hàng tới người dân. Từ đó, từ nông thôn, vùng sâu, vùng xa... đều có thể tiếp cận được dịch vụ trực tuyến một cách công bằng, văn minh và hiện đại.

Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân
Ông Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho hay, việc tham gia chuyển đổi số của nông dân góp phần không nhỏ cho thành công của chương trình chuyển đổi số quốc gia. “Chuyển đổi số trong nông nghiệp là 1 trong những 8 lĩnh vực ưu tiên trong chuyển đổi số, trong đó, người nông dân là trung tâm của chuyển đổi số” - ông Đoàn nhấn mạnh.

Những năm qua, Hội Nông dân Việt Nam đã hỗ trợ cho người dân như hỗ trợ vốn vay đầu tư sản xuất, cung ứng đầu tư đầu vào. Đồng thời, tích cực hỗ trợ nông dân tham gia vào chuyển đổi số thông qua tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân.

Hội Nông dân Việt Nam đã kết nối với các chuyên trang về chuyển đổi số, kinh tế số trên Cổng thông tin, Fanpage của các cấp hội, phối hợp với các bộ, ngành, xây dựng app nông dân, tích hợp tiện ích để hỗ trợ cho nông dân như xây dựng bài giảng mẫu, video thuyết trình, phổ biến kỹ năng số cơ bản cho nông dân bao gồm: Truy cập Internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, ứng dụng công nghệ số trong kinh doanh...

“App nông dân dự kiến ngày 15/12 sẽ chính thức ra mắt để hỗ trợ tốt nhất cho người dân” - ông Đoàn tiết lộ.

Sản phẩm tài chính số đã đến với người nông dân ở vùng sâu, vùng xa

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Anh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, hiện vấn đề chuyển đổi số đang nhận được sự quan tâm rất nhiều từ Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan.

“Đầu tiên là Cuộc cách mạng số 4.0, tiếp đó là các Quyết định, Nghị quyết của Chính phủ, trong đó phải kể đến là Nghị quyết 50 của Chính phủ để triển khai Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, Quyết định 749 của Thủ tướng, Quyết định 1813 của Thủ tướng về không dùng tiền mặt… Bên cạnh đó là các quyết định liên quan đến các dự án như Đề án 06 để tạo điều kiện xây dựng kho dữ liệu quốc gia về dân cư giúp cho các Bộ, ngành liên quan có thể khai thác kho dữ liệu để phục vụ phát triển kinh tế, trong đó, có ngân hàng. Ngoài ra, Quyết định 149 của Thủ tướng về chiến lược tài chính toàn diện, trong đó, với mục tiêu ứng dụng công nghệ số thúc đẩy đổi mới sáng tạo để sản xuất sản phẩm phù hợp với nhu cầu, cũng như khả năng chi trả của nông dân. Đặc biệt, với người dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo, đối tượng thu nhập thấp” - ông Tuấn cho hay.

Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân
Ông Phạm Anh Tuấn - Vụ Trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh Viết Niệm

Lãnh đạo Vụ Thanh toán cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng ban hành Quyết định 810 về kế hoạch chuyển đổi số với các định lượng để yêu cầu tất cả các tổ chức tín dụng ứng dụng khoa học công nghệ 4.0. Trong đó, xác định lấy dữ liệu là trung tâm, là nguyên liệu là nền tảng triển khai và là giải pháp để thúc đẩy chuyển đổi số.

Ngành ngân hàng đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt được 50% triển khai trên môi trường số, 75% thực hiện đến năm 2030. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước phấn đấu, 50% người dân sử dụng dịch vụ trên môi trường điện tử, đến năm 2025 có 50% quyết định cho vay nhỏ lẻ...

“Với chỉ tiêu trên, chúng tôi hướng đến cung cấp các dịch vụ, sản phẩm số đến người dân, đặc biệt, người nông dân ở vùng sâu, vùng xa. Về pháp lý, Ngân hàng Nhà nước đã và đang triển khai nhiều nội dung hỗ trợ công tác này để đảm bảo các hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán để triển khai cung cấp dịch vụ tới người dân” - ông Tuấn nói.

Lãnh đạo Vụ Thanh toán cũng cho hay, về hạ tầng, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức tín dụng, đến nay đã có 124 tổ chức tín dụng; 1.179 Quỹ tín dụng nhân dân, 4 tổ chức tài chính vi mô; 16 công ty tài chính; trên 21 nghìn cây ATM và trên 490 nghìn máy POS. Tỷ lệ bao phủ cũng đã tăng trưởng mạnh với tỷ lệ xã/thị trấn có điểm cung ứng dịch vụ tài chính trên tổng số xã/thị trấn trên toàn quốc đạt 32,60% (năm 2022); Internet Banking đã có 82 ngân hàng, Mobile Banking có 52 ngân hàng; 51 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán được cấp phép; có 3 doanh nghiệp viễn thông thí điểm cung ứng dịch vụ…

Về sản phẩm dịch vụ phục vụ khu vực nông thôn, theo ông Tuấn, đã có gần 5,2 triệu tài khoản được mở, trong đó gần 3,6 triệu tài khoản được đăng ký và sử dụng ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; 11,67 nghìn điểm kinh doanh và hơn 172,83 nghìn đơn vị chấp nhận thanh toán; hơn 41,8 triệu giao dịch qua tài khoản với gần 2.200 tỷ đồng giá trị giao dịch.

Bên cạnh đó, toàn ngành ngân hàng đã triển khai trên 92.000 điểm giao dịch, trong đó số điểm ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa chiếm trên 62%. Số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ đạt 13,9 triệu; số lượng giao dịch đạt 25,63 triệu với giá trị đạt hơn 183.000 tỷ đồng. Đồng thời, trên ứng dụng mobile banking cho phép người nông dân đăng ký, sử dụng các dịch vụ ngân hàng (tiền gửi, thanh toán, vay...) không cần đến phòng giao dịch, chi nhánh. Ngoài ra, đã có 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC và 27 triệu tài khoản mở bằng eKYC (đến tháng 6/2023). Nhiều dịch vụ thanh toán mới, hiện đại (thẻ ngân hàng, QR code, Ví điện tử...) được các ngân hàng, trung gian thanh toán triển khai, cung ứng…

Về chính sách hỗ trợ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn, ngành ngân hàng đã có các chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ như cho vay đóng mới, nâng cấp tàu; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, cho vay nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp... Cho vay góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: Dư nợ tín dụng trên địa bàn các xã toàn quốc tính đến 30/6/2023 đạt trên 1,7 triệu tỷ đồng, tăng 5,58% so với cuối năm 2022.

Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương