Chuyển đổi số mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

(Banker.vn) Những lợi ích dễ nhận biết của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn…
CMC Cloud thế hệ mới đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số GIZ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số

Báo cáo từ Sách Trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2022, hiện số doanh nghiệp đang hoạt động là 857.551, trong đó các doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tới hơn 62%, doanh nghiệp nhỏ chiếm 31,20% thị trường. Điều này cho thấy, để chuyển đổi số toàn diện, việc quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chuyển đổi số sẽ thúc đẩy bức tranh tổng thể trong chuyển đổi số ở các doanh nghiệp tại nước ta.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, chuyển đổi số đang ngày một thay đổi nhận thức của những nhà lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của tổ chức. Những lợi ích dễ nhận biết nhất của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên… Những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Tại Việt Nam, các mô hình chuyển đổi số cũng đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh của nền kinh tế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Tuy nhiên, hiện nhiều “điểm nghẽn” trong thực thi chuyển đổi số cũng là vấn đề nhiều doanh nghiệp SMEs quan tâm như: Chi phí về đầu tư công nghệ, hạ tầng, đội ngũ nhân sự hay chi phí rủi ro. Bên cạnh đó, chuyển đổi số phải xuất phát từ yếu tố con người và cách mà các doanh nghiệp tiếp cận với giải pháp phù hợp trong bối cảnh có quá nhiều giải pháp chuyển đổi số. Điều này dễ khiến các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể gặp lúng túng trong quá trình triển khai chuyển đổi số tại doanh nghiệp mình.

Các chuyên gia cho rằng, chuyển đổi số đang ngày càng tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên khắp thế giới và trở thành một xu hướng không thể tránh khỏi. Để trở thành một doanh nghiệp số, và để tận dụng được những cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cần không ngừng thay đổi và sáng tạo.

Ở giai đoạn đầu tiên, doanh nghiệp cần chuyển đổi dữ liệu sang dạng số (số hóa), sau đó, ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất sản phẩm của doanh nghiệp. Từ đây, doanh nghiệp có thể ứng dụng dữ liệu số tạo ra mô hình kinh doanh và các giá trị mới.

Bài viết được hỗ trợ thực hiện bởi Kế hoạch “Hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025” do UBND thành phố Hà Nội ban hành tại Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/9/2022.

Ngọc Trang

Theo: Báo Công Thương