Chuỗi nhà sách Fahasa đã hoàn thành 94% kế hoạch lợi nhuận 2023

(Banker.vn) Kết thúc 9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận sau thuế của Fahasa đạt 37 tỷ đồng, hoàn thành 94% kế hoạch cả năm. Đáng chú ý, con số này có sự đóng góp của hơn 17 tỷ đồng lãi tiền gửi ngân hàng.
Chuỗi nhà sách Fahasa đã hoàn thành 94% kế hoạch lợi nhuận 2023
Fahasa mới đây đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023

Mới đây, Công ty CP Phát hành sách Thành phố Hồ Chí Minh (Fahasa, HOSE: FHS) đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2023 với kết quả không mấy sáng sủa với doanh thu đi ngang còn lợi nhuận sụt giảm mạnh.

Cụ thể, doanh thu thuần của chuỗi nhà sách lớn nhất cả nước đạt gần 1.432 tỷ đồng, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn hàng bán giảm không đáng kể, ghi nhận ở mức 1.088 tỷ đồng. Dù vậy, những biến động này vẫn đủ khiến cho lợi nhuận gộp tăng gần 8%, lên mức 344 tỷ đồng. Theo đó, biên lợi nhuận gộp đạt gần 24%.

Trong khi doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ trong kỳ không mấy nổi bật thì hoạt động tài chính lại trở thành một điểm sáng trong báo cáo tài chính của Fahasa. Cụ thể, doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên mức 7 tỷ đồng. Toàn bộ số tiền này đến từ lãi tiền gửi ngân hàng và lãi cho vay. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm mạnh tới 64%, xuống còn 50 tỷ đồng.

Quý III/2023, mặc dù chi phí quản lý doanh nghiệp giảm nhẹ, ghi nhận ở mức gần 35 tỷ đồng nhưng chi phí bán hàng của Fahasa lại tăng tới 13%, lên gần 298 tỷ đồng, “ngốn” gần hết lợi nhuận của doanh nghiệp này.

Kết quả, lợi nhuận trước thuế quý III chỉ đạt gần 19 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng giảm tương ứng về mức 15 tỷ đồng.

Chuỗi nhà sách Fahasa đã hoàn thành 94% kế hoạch lợi nhuận 2023
Lợi nhuận sau thuế quý III/2023 của Fahasa "đi lùi" so với cùng kỳ

Dù vậy, luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Fahasa vẫn tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ, đạt 3.258 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế tăng tới gần 21%, lên mức 47 tỷ đồng. Khấu trừ các chi phí thuế, kết thúc 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt hơn 37 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.

Cần lưu ý, sự tăng trưởng lợi nhuận này có sự đóng góp không nhỏ từ hoạt động tài chính, khi mà Fahasa đang gửi ngân hàng trăm tỷ đồng tiết kiệm lấy lãi. Cụ thể, doanh thu từ hoạt động tài chính trong 9 tháng đầu năm lên tới 17 tỷ đồng, chiếm non nửa lợi nhuận sau thuế.

Được biết, năm 2022, Fahasa đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 50 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, kết thúc 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp đã thực hiện được 82% mục tiêu doanh thu và 94% mục tiêu lợi nhuận.

9 tháng đầu năm 2023 chứng kiến sự mở rộng nhanh chóng về quy mô tài sản của Fahasa. Tổng tài sản của doanh nghiệp đạt gần 1.745 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm. Đáng chú ý, động lực của sự tăng trưởng này nằm ở các khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu của khách hàng và hàng tồn kho.

Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chứng kiến mức tăng trưởng đột biến, tăng tới 157% so với cùng kỳ, lêm mức 319 tỷ đồng.

Theo sau là các khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn với mức tăng 32%. Cuối kỳ, giá trị đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận ở mức 460 tỷ đồng. Theo thuyết minh bảng cân đối kế toán, toàn bộ các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn này nằm ở tiền gửi ngân hàng.

Về hàng tồn kho, khoản mục này tăng 18%, lên mức 698 tỷ đồng.

Đáng nói, trong khi nhiều doanh nghiệp đang khát tiền mặt thì tại Fahasa, tổng lượng tiền và tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn lên tới 514 tỷ đồng, chiếm đến 30% tổng tài sản, có thể nói là khá dồi dào.

Cuối tháng 9, nợ phải trả của Fahasa hơn 1.561 tỷ đồng, chiếm phần lớn nguồn vốn, chủ yếu đến từ phải trả cho người bán ngắn hạn là 1.335 tỷ đồng, tăng 30% so với đầu năm. Đáng nói, trong khoản mục nợ phải trả, không ghi nhận các khoản vay và nợ thuê tài chính.

Dường như doanh nghiệp này vẫn đang duy trì chính sách kinh doanh thận trọng khi không nợ vay tài chính kể từ khi phải công khai báo cáo tài chính cho đến nay.

Quý thứ năm liên tiếp Gang thép Thái Nguyên thua lỗ

Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (UPCoM: TIS) lỗ thêm gần 60 tỷ đồng trong quý III, tăng gấp 3 lần so với cùng ...

9 tháng, chủ cảng Phước An quy mô 17.000 tỷ “trắng” doanh thu, lỗ 5 tỷ đồng

Chủ sở hữu cảng Phước An - PAP không có chuyển biến trong 9 tháng đầu năm 2023, tiếp tục trạng thái "ngủ đông" tương ...

Một cảng biển thuộc VIMC báo lợi nhuận 205 tỷ đồng sau 3 quý đầu năm

Trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 hồi tháng 4, cổ đông Cảng Đà Nẵng (CDN) đã thông qua việc đầu tư xây dựng bến ...

Hà Lê

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán