Chứng khoán ngành Công Thương: Cổ phiếu STK của Sợi Thế Kỷ sẽ "tươi sáng" hơn vào nửa sau năm 2023?

(Banker.vn) Lợi nhuận ròng của Sợi Thế Kỷ được kỳ vọng phục hồi từ qúy III/2023 nhờ mức nền thấp nửa cuối 2022 và khách hàng tăng hàng tồn kho để sản xuất cho qúy I/2024.
Sợi Thế Kỷ và KPF được chấp thuận niêm yết trên sàn HSX Sợi Thế Kỷ đưa nhà máy Trảng Bàng 3 vào hoạt động

Giá vốn tăng cao và lỗ tỷ giá khiến lãi ròng giảm

Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (địa chỉ tại B1-1 Khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh) được thành lập vào ngày 1/6/2000.

Theo giới thiệu của Sợi Thế Kỷ, doanh nghiệp này đang sản xuất và kinh doanh các loại sợi xơ dài chất lượng cao như sợi POY (Partially Oriented Yarn), DTY (Drawn Texturized Yarn) và FDY (Fully Drawn Yarn). Sản phẩm của Sợi Thế Kỷ là nguồn nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy dệt sản xuất ra vải để phục vụ cho các đơn vị sản xuất hàng thể thao cao cấp.

Sản phẩm của công ty được xuất khẩu chủ yếu sang châu Âu (Thổ Nhĩ Kỳ), châu Á và một số thị trường khác.

Ngày 11/4/2005, Công ty TNHH Sợi Thế Kỷ chính thức được chuyển đổi thành Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ. Ngày 30/9/2015, cổ phiếu của công ty chính thức được niêm yết tại HOSE với mã STK.

Chứng khoán ngành Công Thương: Cổ phiếu STK của Sợi Thế Kỷ sẽ
Công ty Cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) được kỳ vọng sẽ tươi sáng hơn vào nửa sau năm 2023

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Sợi Thế Kỷ có doanh thu thuần 430 tỷ đồng (giảm 13% so với cùng kỳ năm trước), lãi ròng đạt 43 tỷ đồng (giảm 43%). Nguyên nhân trong quý IV/2021, công ty được hồi tố thuế thu nhập cá nhân ưu đãi từ các năm trước theo Nghị định 57 năm 2021 của Chính phủ.

Luỹ kế cả năm 2022, Sợi Thế Kỷ ghi nhận doanh thu đạt 2.115 tỷ đồng, tăng 4%. Tuy nhiên, khoản lỗ tỷ giá hơn 39 tỷ đồng đã khiến chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng lên mức 48 tỷ đồng so với 9 tỷ đồng của năm trước. Giá vốn tăng cao cùng khoản lỗ tỷ giá khiến lãi ròng còn 240 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2021.

Được biết, trong năm 2022, Sợi Thế Kỷ lên kế hoạch doanh thu gần 2.606 tỷ đồng và lãi ròng 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty này mới thực hiện được 81% chỉ tiêu doanh thu và 80% mục tiêu lợi nhuận năm.

Cuối quý IV/2022, doanh nghiệp có tổng tài sản 2.123 tỷ đồng (tăng 7,7% so với đầu năm). Công ty có 415 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngắn hạn, đem về gần 18 tỷ đồng tiền lãi trong năm 2022. Hàng tồn kho của doanh nghiệp ghi nhận 466 tỷ đồng.

Tại ngày 31/12/2022, Sợi Thế Kỷ có 584 tỷ đồng nợ phải trả, giảm 128 tỷ đồng so với đầu năm. Doanh nghiệp vay ngắn hạn 308 tỷ đồng và không có khoản vay dài hạn.

Tại thời điểm cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Sợi Thế Kỷ là 1.539 tỷ đồng, gồm 696 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Lưu chuyển tiền thuần cả năm của doanh nghiệp ghi nhận 50 tỷ đồng với dòng tiền hoạt động kinh doanh 71 tỷ đồng, tài chính gần 10 tỷ đồng và đầu tư âm 31 tỷ đồng.

Sợi Thế Kỷ sẽ hồi phục từ quý III/2023

Mới đây, Chứng khoán VNDrect (VND) đã cập nhật, phân tích những luận điểm có thể tác động đến hoạt động kinh doanh của Sợi Thế Kỷ cũng như thị giá cổ phiếu STK.

Trong khoảng thời gian đầu, hoạt động kinh doanh của Sợi Thế Kỷ cũng sẽ chịu ảnh hưởng của một số yếu tố. Kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam bắt đầu chậm lại trong qúy IV/2022 (-12,1% so với cùng kỳ) do lạm phát cao và suy thoái kinh tế ở các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ và châu Âu. Do đó, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sẽ vẫn giảm vào năm 2023. Các nhà xuất khẩu Việt Nam đến thị trường Mỹ đã giảm đơn đặt hàng kể từ tháng 7/2022 do hàng tồn kho cao, ví như hàng tồn kho của H&M và Nike đã tăng mạnh 44% và 13,9% so với cùng kỳ trong qúy IV/2022 do nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Được biết, trong tháng 10/2022, STK đã đóng cửa nhà máy Củ Chi (chiếm 30% năng lực sản xuất của STK) do nhu cầu suy yếu.

VND cho rằng, khoảng thời gian khó khăn này của STK sẽ tiếp diễn trong 6 tháng của năm 2023 với sản lượng bán hàng dự kiến sẽ giảm 25% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, nhìn trên bình diện tổng thể, phân tích các yếu tố khách quan và chủ quan, VND vẫn có những góc nhìn lạc quan hơn cho STK từ quý III/2023.

Theo VND, giá dầu có giảm nhưng vẫn ở nền cao trong năm 2023 (trung bình khoảng 85 USD/thùng) do lệnh cấm vận EU sẽ khiến sản xuất dầu của Nga giảm và OPEC+ báo hiệu sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ giá dầu. Do đó, VND dự báo rằng giá chip PET (nguyên vật liệu đầu vào chính của STK) sẽ giảm 5%-8% vào năm 2023 nhờ giá dầu giảm.

Bên cạnh đó, giá bán trung bình của STK kỳ vọng sẽ cải thiện vào năm 2023 do tận dụng lợi thế từ sự phục hồi trong sản lượng bán hàng từ mức nền thấp vào năm 2022 và chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc.

Theo Ban lãnh đạo của STK, khách hàng lớn nhất của họ đã chia sẻ rằng mặc dù có kế hoạch giảm các đơn đặt hàng toàn cầu vào năm 2023 nhưng tỷ lệ đơn đặt hàng được phân bổ cho Việt Nam sẽ tăng 15% so với cùng kỳ nhờ chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc. VND dự phóng biên lợi nhuận gộp của STK sẽ tăng 1,3% so với cùng kỳ trong 2023.

Đáng chú ý, STK đã hoàn thành phần móng và bắt đầu xây dựng nhà máy Unitex kể từ tháng 1/2023. Giai đoạn 1 của nhà máy Unitex sẽ được vận hành thương mại từ qúy I/2024 (chậm 3 tháng so với kỳ vọng). Do đó, VND giảm lợi nhuận ròng năm 2023 của STK xuống 30,8% so với dự phóng trước đó.

Chứng khoán ngành Công Thương: Cổ phiếu STK của Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ sẽ tươi sáng hơn vào nửa sau năm 2023?
Kết quả kinh doanh của STK từ năm 2017-2022 và dự báo trong năm 2023, 2024

Theo kỳ vọng của VND, giai đoạn 1 của nhà máy Unitex sẽ hoạt động với 30% công suất trong 2024 với sản lượng 9.600 tấn, nâng tổng sản lượng tăng 20% trong 2024. Lợi nhuận ròng có khả năng tăng trưởng trở lại kể từ qúy III/2023.

Theo VND, áp lực lạm phát toàn cầu sẽ hạ nhiệt kể từ quý III/2023, điều này có thể thôi thúc các nhà sản xuất hàng dệt may/giày dép tăng khối lượng đặt hàng cho vụ xuân 2024. Do đó, sản lượng tiêu thụ của STK nửa cuối 2023 có thể tăng 40% so với cùng kỳ, kéo mức tăng trưởng lợi nhuận ròng 2023 trở lại mức 2 con số.

VND kỳ vọng lượng đơn hàng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023. Chỉ số niềm tin của người tiêu dung Mỹ trong tháng 1/2023 giảm 1,2 điểm so với tháng trước nhưng cao hơn 6,9 điểm so với tháng 11/2022. Hơn nữa, tỷ lệ lạm phát ở Mỹ đã chậm lại tháng thứ sáu liên tiếp xuống còn 6,5% trong tháng 12/2022, thấp nhất kể từ tháng 10/2022, phù hợp với dự báo thị trường. VND cho rằng lạm phát hạ nhiệt và sự lạc quan hơn về triển vọng kinh tế đối với người tiêu dùng Mỹ sẽ hỗ trợ các đơn đặt hàng của STK cải thiện dần trong năm 2023.

Ngoài ra, là một nhà sản xuất nguyên liệu thô, STK bị ảnh hưởng sớm hơn so với các công ty hạ nguồn vì các khách hàng lớn giảm hàng tồn kho trong bối cảnh nhu cầu từ khách hàng cuối cùng sụt giảm. Do đó, VND tin rằng STK sẽ có dấu hiệu phục hồi sớm hơn so với các nhà sản xuất hàng may mặc.

Trong quá khứ STK cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn trong 2016-2017 do nhu cầu toàn cầu suy yếu. STK đã mất 3 quý để phục hồi hoàn toàn trong qúy IV/2017.

Do đó, VND khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu STK ở mức giá mục tiêu là 37.700 đồng/cổ phiếu. VND tin rằng, kết quả kinh doanh quý IV/2022 kém khả quan là yếu tố có thể mang đến cơ hội tích lũy cổ phiếu khi nếu lợi nhuận ròng có thể tăng trưởng trở lại kể từ qúy III/2023.

Thêm vào đó định giá hiện tại của STK là tương đối hấp dẫn đối với một nhà sản xuất sợi hàng đầu. Khi dự án Unitex hoàn thành, STK trở thành nhà sản xuất sợi lớn thứ hai tại Việt Nam vào năm 2025. Động lực tăng giá là sản lượng sợi tái chế cao hơn dự kiến.

Tuy nhiên, cổ phiếu STK có thể đối diện với những rủi ro giảm giá nếu chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố như lạm phát cao hơn dự kiến tại thị trường xuất khẩu chính của STK và thời gian xây dựng của nhà máy Unitex dài hơn dự kiến.

PV

Theo: Báo Công Thương