Chứng khoán Mỹ chốt tháng 2 giảm hơn 4%

(Banker.vn) Chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên 28/2 để khép lại một tháng đầy khó khăn đối với thị trường chứng khoán. Dow Jones hiện nay đã xuống thấp hơn mức đầu năm 2023.

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (28/2), dưới sức ép của lạm phát dai dẳng và kỳ vọng rằng các ngân hàng trung ương sẽ duy trì việc tăng lãi suất lâu hơn. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 232 điểm, tức 0,7%, và kết phiên cuối tháng 2 ở gần 32.657 điểm. Chỉ số S&P 500 mất 0,3% còn 3.970,15 điểm và chỉ số Nasdaq Composite lùi 0,1% xuống 11.455,54 điểm.

Chứng khoán Mỹ chốt tháng 2 giảm hơn 4%

Mặc dù có khởi đầu năm đầy mạnh mẽ, tất cả 3 chỉ số chính đều ghi nhận tháng sụt giảm thứ 2 trong 3 tháng. Dow Jones mất 4,2% trong tháng qua và giảm 1,48% so với đầu năm. S&P 500 và Nasdaq Composite đi xuống lần lượt 2,6% và 1,1% trong tháng 2 nhưng hiện vẫn cao hơn đầu năm.

Trước đó vào tháng 1, chứng khoán Mỹ giảm điểm sau khởi đầu năm đầy mạnh mẽ, S&P 500 đã vọt hơn 6%. Tuy nhiên, đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu Mỹ trong tháng này đã ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư đối với cổ phiếu, vì nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn.

Trong một báo cáo ngày 28/2, BofA Global Research cho rằng Fed có thể tăng lãi suất lên gần 6%, vì nhu cầu tiêu dùng ở Mỹ vẫn mạnh và thị trường lao động vẫn thắt chặt buộc ngân hàng trung ương này phải kéo dài cuộc chiến chống lạm phát. Trên thị trường lãi suất tương lai, nhà đầu tư đang đặt cược chủ yếu vào khả năng Fed tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 3, còn khả năng tăng 0,5 điểm phần trăm là 20%.

Kỳ vọng lãi suất ở châu Âu cũng tăng lên. Thị trường tiền tệ của khu vực này dự báo lãi suất điều hành của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ tăng lên mức 3,795% trước cuối năm nay, từ mức dự báo 3,77% đưa ra vào tuần trước.

Trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters, chuyên gia kinh tế trưởng Philip Lane của ECB nói rằng áp lực lạm phát ở khu vực Eurozone đã bắt đầu yếu đi, nhưng ECB sẽ không dừng tăng lãi suất cho tới khi thực sự tin tưởng rằng tốc độ lạm phát đang giảm về ngưỡng 2%.

Nhận định về Fed, một báo cáo của Citi cho rằng “giới chức Fed đang chờ các đợt tăng lãi suất đã có khiến cho nền kinh tế giảm tốc, nhưng khả năng cao là hiệu ứng tối đa của việc thắt chặt đó đã qua mất rồi”.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 0,5 điểm phần trăm trong tháng 2, tháng tăng mạnh nhất kể từ tháng 9, chốt ở 3,932%. Lợi suất trái phiếu Đức kỳ hạn 10 năm - mốc tham chiếu của thị trường trái phiếu Eurozone, chốt tháng 2 ở mức 2,639%, cao nhất kể từ tháng .

Nhận định chứng khoán ngày 1/3/2023: Xu hướng thị trường phái sinh

Các chuyên gia phân tích và công ty chứng khoán đưa ra nhận định về thị trường phái sinh cho ngày giao dịch 1/3/2023. Tạp ...

Điểm danh 8 lỗi sai mà nhà đầu tư nào cũng từng mắc phải và cách khắc phục

Trong quá trình đầu tư thì người chơi nào cũng đã từng mắc sai lầm. Biết về các sai lầm thông thường và cách phòng ...

Thị trường chứng khoán ngày 1/3/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Phiên giao dịch ngày 28/2, VN-Index đóng cửa ở mốc 1.024,68 điểm, tăng nhẹ 3,43 điểm (+0,34%); Cổ phiếu FLC lên sàn UpCoM từ 3/3; ...

Khánh Vân (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán