Chuẩn bị đấu giá nhập khẩu 119.000 tấn đường năm 2023

(Banker.vn) Lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan (Mã HS 17.01) được phân giao theo phương thức đấu giá năm 2023 là 119.000 tấn, theo cam kết với WTO.

Ngày 6/10, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định về lượng, phương thức phân giao hạn ngạch nhập khẩu đường năm 2023 và việc thành lập Hội đồng phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2023 theo phương thức đấu giá.

Cụ thể, lượng đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan (Mã HS 17.01) được phân giao theo phương thức đấu giá năm 2023 là 119.000 tấn, theo cam kết với WTO.

Thời điểm đấu giá sẽ được Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thống nhất. Sau đó, thông tin phiên đấu giá sẽ được công bố công khai tới các hiệp hội, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có liên quan.

Cuối tháng 12/2022 là lần đấu giá phân giao gần đây nhất, với lượng đường nhập khẩu bổ sung là 200.000 tấn cho niên vụ 2021/22, bao gồm 160.000 tấn đường thô, 40.000 tấn đường tinh luyện. Cuối cùng, có 7 doanh nghiệp được phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 125.000 tấn đường bổ sung niên vụ 2021/22.

Đối với đường thô, có 5 doanh nghiệp Việt Nam được phân giao 100.000 tấn bổ sung, mỗi doanh nghiệp nhập 20.000 tấn, gồm CTCP Đường Việt Nam, CTCP Thành Thành Công Biên Hòa, CPTP Hàng tiêu dùng Biên Hòa, Công ty TNHH MTV Đường Biên Hòa - Ninh Hòa, CTCP Đường Quảng Ngãi.

Ngoài ra, với đường tinh luyện, có hai doanh nghiệp khác được phân giao 25.000 tấn bổ sung, bao gồm công ty TNHH Nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam với 20.000 tấn, công ty TNHH Nước giải khát Cocacola Việt Nam khoảng 5.000 tấn.

Chuẩn bị đấu giá nhập khẩu 119.000 tấn đường năm 2023

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, lượng đường lỏng sirô ngô (HFCS) nhập khẩu cao gấp đôi so với cả năm 2022 ở mức hơn 123.000 tấn. Dự kiến cả năm 2023, con số này có thể nâng lên 309.000 tấn.

Theo số liệu của Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), ước tính năm 2023, tổng nguồn cung đường có thể đạt hơn 2,86 triệu tấn; mức tiêu thụ khoảng 2,43 triệu tấn (trong đó tiêu thụ nội địa là 2,3 triệu tấn, xuất khẩu 147 nghìn tấn). Như vậy, nguồn cung đường có thể dư thừa 417.321 tấn, cao hơn so với mức 395.000 tấn của năm 2022.

Gần đây, VSSA cũng khuyến cáo các doanh nghiệp hội viên sản xuất tham gia bình ổn thị trường bằng cách đưa đường ra thị trường theo yêu cầu sử dụng, tuyệt đối không tiếp tay hành vi găm hàng, đẩy giá.

Hiệp hội cũng khuyến nghị các doanh nghiệp giữ giá bán đường như hiện nay, không để giá tăng thêm nữa. Bởi, theo VSSA mức giá hiện tại là hợp lý, đảm bảo được mục tiêu hài hoà lợi ích giữa các bên.

Đối với cơ quan quản lý Nhà nước, VSSA kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh các quy định đấu thầu hạn ngạch thuế quan để ngăn cản các hành vi bắt tay vô hiệu hoá hình thức đấu giá, đảm bảo kết quả đấu giá phân giao phù hợp với quy định. Không quy định tỷ lệ lượng đường thô và đường tinh luyện nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan 2023, đồng thời mở rộng đối tượng tham gia đấu giá là thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất, thương nhân sản xuất mía đường và thương nhân kinh doanh thương mại đường.

Ngành đường Ấn Độ trải qua tháng 8 khô hạn nhất trong hơn một thế kỷ

Vụ mía đường của Ấn Độ không nhận được lượng mưa dồi dào trong giai đoạn tăng trưởng quan trọng của năm nay, khiến triển ...

Xuất khẩu đường của Ấn Độ mùa vụ 2023/24 có thể giảm một nửa

Ngành đường Ấn Độ có thể ghi nhận sản lượng giảm trong niên vụ tới do thời tiết không thuận lợi và ảnh hưởng tới ...

Thị trường hàng hóa hôm nay 7/10: Giá gạo và kim loại quý tăng mạnh, xăng dầu hồi phục ngược chiều nông sản

Trên thị trường hàng hóa trong phiên hôm qua, nhóm kim loại quý và xăng dầu lấy lại sắc xanh khi đồng đô la suy ...

Mộc Trà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán