Chủ tịch DIC Corp lại bị bán giải chấp 9,4 triệu cổ phiếu DIG chỉ sau 4 phiên giao dịch

(Banker.vn) Ông Nguyễn Thiện Tuấn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, HOSE: DIG) tiếp tục báo cáo về việc bị bán giải chấp hàng triệu cổ phiếu.

Chuyên gia nói gì giữa “làn sóng” bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo doanh nghiệp

Theo đó, ông Nguyễn Thiện Tuấn đã bị Công ty chứng khoán bán giải chấp tổng cộng 9,4 triệu cổ phiếu DIG. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu DIC Corp của vị Chủ tịch còn 8,04% vốn điều lệ, tương đương với 49 triệu cổ phiếu. Giao dịch được thực hiện trong 4 phiên ngày 4/11, 7/11, 8/11 và 9/11 thông qua khớp lệnh trên sàn.

Chủ tịch DIC Corp lại bị bán giải chấp 9,4 triệu cổ phiếu DIG chỉ sau 4 phiên giao dịch
Gia đình ông Nguyễn Thiện Tuấn bị bán giải chấp hơn 16,3 triệu cổ phiếu DIG. Hình minh họa

Trước đó, từ ngày 27/10 đến 28/10, ông Nguyễn Thiện Tuấn và con trai là Nguyễn Hùng Cường cũng đã bị bán giải chấp hơn 4,4 triệu cổ phiếu DIG.

Như vậy, theo thông báo từ DIC Corp tới ngày 10/11, ông Nguyễn Thiện Tuấn và con trai Nguyễn Hùng Cường đã bị bán giải chấp hơn 13,8 triệu cổ phiếu DIG, tương ứng 2,27% vốn điều lệ.

Điểm đáng lưu ý, tại ĐHCĐ bất thường ngày 12/10/2022, ông Nguyễn Thiện Tuấn đã tỏ ra bất ngờ khi giá cổ phiếu DIG liên tục giảm trong thời gian qua. Ông Tuấn cho biết, con gái ông (Nguyễn Thị Thanh Huyền) đã đăng ký mua vào 20 triệu cổ phiếu và khẳng định nếu giá cổ phiếu DIG sau ngày 30/10 vẫn dưới 30.000 đồng/cp, bản thân ông sẽ đăng ký mua thêm 10 triệu cổ phiếu.

Tuy nhiên, tính tới ngày 10/11, vẫn chưa có động thái đăng ký mua như lời hứa của ông Nguyễn Thiện Tuấn ngày 12/10/2022 với cổ đông. Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Thiện Tuấn liên tục bị bán giải chấp cổ phiếu DIG.

Cụ thể, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền chỉ mua được hơn 4,5 triệu cổ phiếu trong tổng đăng ký 20 triệu cổ phiếu, tỷ lệ mua so với đăng ký là 22,9%, thời gian giao dịch từ ngày 7/10 đến 4/11. Như vậy, sau giao dịch bà Huyền nâng sở hữu từ 3,61% lên 4,36% vốn điều lệ. Lý do được đưa ra là không thu xếp kịp tài chính.

Thực tế, từ đầu năm tới nay, ông Nguyễn Hùng Cường, anh trai bà Nguyễn Thị Thanh Huyền liên tục đăng ký mua nhưng chỉ mua với tỷ lệ rất nhỏ hoặc không mua vào cổ phiếu với lý do "giá thị trường không phù hợp" hoặc "không thu xếp kịp tài chính".

Gia đình ông Nguyễn Thiện Tuấn bị bán giải chấp hơn 16,3 triệu cổ phiếu DIG

Theo nguồn tin từ các Công ty chứng khoán, gia đình ông Nguyễn Thiện Tuấn, Nguyễn Hùng Cường (con trai) và Nguyễn Thị Thanh Huyền (con gái) liên tục bị bán giải chấp.

Cụ thể, ngày 7/11, Chứng khoán Yuanta Việt Nam dự kiến sẽ bán giải chấp hơn 2,1 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn; dự kiến giải chấp 1,4 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Hùng Cường; và bán giải chấp 1,4 triệu cổ phiếu DIG của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền.

Như vậy, ước tính Chứng khoán Yuanta Việt Nam sẽ bắt đầu bán khoảng 5 triệu cổ phiếu DIG của ông Tuấn và hai người con trong ngày 7/11.

Cũng trong ngày 7/11, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết sẽ bán giải chấp 2,8 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn.

Ngày 8/11, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cho biết sẽ bán giải chấp 3,9 triệu cổ phiếu của ông Nguyễn Thiện Tuấn và sẽ bán 2,1 triệu cổ phiếu DIG của bà Nguyễn Thị Thanh Huyền. Như vậy, ước tính Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) sẽ phải bán 6 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Thiện Tuấn và con gái từ ngày 8/11.

Ngày 9/11, Chứng khoán ACBS cho biết sẽ bán giải chấp 1,4 triệu cổ phiếu DIG của ông Nguyễn Hùng Cường và hơn 1 triệu cổ phiếu cổ đông Nguyễn Thiện Tuấn. Như vậy, ước tính Chứng khoán ACBS sẽ bán tổng cộng khoảng 2,4 triệu cổ phiếu DIG.

Nếu tính theo thông báo của các Công ty chứng khoán (chưa đầy đủ), ước tính gia đình ông Nguyễn Thiện Tuấn sẽ bị bán giải chấp hơn 16,3 triệu cổ phiếu DIG, chiếm 2,68% vốn điều lệ tại DIC Corp và cao hơn thông báo từ phía DIC Corp là 2,4 triệu cổ phiếu.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/11, cổ phiếu DIG giảm sàn 900 đồng về 12.500 đồng/cp, thanh khoản duy trì ở mức cao với khối lượng khớp lệnh hàng chục triệu cổ phiếu trung bình trong 5 phiên gần đây và đây là phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp.

Ngoài ra, nếu tính tới ngày 11/1 đến ngày 10/11, cổ phiếu DIG đã giảm 87,3% từ 98.200 đồng/cp. Vốn hóa thị trường cũng theo đó bị thổi bay gần gần 68.000 tỷ đồng (~2,8 tỷ USD), còn hơn 7.600 tỷ đồng.

Diễn biến giá cổ phiếu TAR thời gian gần đây. Nguồn: TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu DIG. Nguồn: TradingView

Về kết quả kinh doanh quý 3/2022, DIG ghi nhận doanh thu thuần sụt giảm 21% so với cùng kỳ xuống còn 424 tỷ đồng. Kết quả lợi nhuận sau thuế quý 3 ghi nhận âm gần 1 tỷ đồng – đánh dấu quý đầu tiên DIC Corp báo lỗ kể từ quý 1/2017; cùng kỳ năm 2021 vẫn đang lãi tới 42 tỷ đồng.

Thị giá liên tục trượt dốc, DIC Corp (DIG) phải bổ sung TSBĐ cho lô trái phiếu 3.500 tỷ đồng

Hệ lụy từ làn sóng bán giải chấp cổ phiếu

Bán giải chấp cổ phiếu là công cụ được các Công ty chứng khoán (CTCK) thực hiện để bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư, nhằm hạ tỉ lệ nợ về mức an toàn theo quy định, giao dịch xảy ra khi nhà đầu tư vi phạm tỷ lệ ký quỹ (margin). Thông thường, CTCK sẽ thông báo trước để khắc phục và chỉ bán sau khi các nhà đầu tư vẫn chưa khắc phục. Tuy nhiên chưa khi nào việc lãnh đạo cũng như cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp bị bán giải chấp cổ phiếu nhiều như ở thời điểm hiện tại.

Làn sóng bán giải chấp cổ phiếu lãnh đạo diễn ra chủ yếu ở các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng. Nguyên nhân do thị giá cổ phiếu bất động sản giảm mạnh trong hai tháng gần đây hệ lụy của áp lực đáo hạn trái phiếu tăng lên và những thông tin một số lãnh đạo tập đoàn lớn như Vạn Thịnh Phát, Tân Hoàng Minh bị bắt thời gian qua cũng ảnh hưởng lớn đến tâm lý nhà đầu tư. Các kênh huy động vốn như vay ngân hàng, phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu đều đang gặp khó, tiến độ bán dự án lại chậm, dẫn đến việc "bị cạn tiền, cạn lực để trợ giá cổ phiếu".

Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, thị trường đã phản ứng thái quá với việc bán giải chấp cổ phiếu của lãnh đạo tại một số doanh nghiệp. Nhiều cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh tốt, dòng tiền ổn định nhưng vẫn bị bán bất chấp. Hệ lụy của nhóm bất động sản kích hoạt tâm lý tiêu cực cho cả thị trường dẫn đến nhiều phiên không có quá tin xấu nhưng Vn-Index lao dốc, mua bán cạn kiệt, thanh khoản chỉ chưa đạt 10.000 tỷ đồng.

Ông Bùi Văn Huy - giám đốc chi nhánh TP.HCM Công ty Chứng khoán DSC - nhận định có không ít cổ đông lớn, chủ doanh nghiệp quá cần tiền nên đã xoay xở bằng cách vay ký quỹ ở các công ty chứng khoán. Trong thời gian tới, nếu thị trường chứng khoán giảm quá sâu, không loại trừ khả năng xuất hiện làn sóng call margin ở cấp độ doanh nghiệp.

Trong khi đó, việc các công ty chứng khoán thông báo hạ margin này dự báo sẽ khiến cổ phiếu nhóm bất động sản còn khó khăn hơn trong thời gian tới khi mà thanh khoản đang là vấn đề "sống còn" của thị trường chứng khoán ở thời điểm hiện tại.

Bán giải chấp cổ phiếu là gì?

Khi công ty chứng khoán bán bớt cổ phiếu của nhà đầu tư nhằm hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định được gọi là bán giải chấp cổ phiếu. Việc bán giải chấp cổ phiếu thường xảy ra khi các nhà đầu tư sử dụng giao dịch ký quỹ và giá cổ phiếu rớt xuống dưới mức cho phép của công ty chứng khoán tuy nhiên nhà đầu tư vẫn chưa nộp thêm tiền.

Trước khi bán giải chấp cổ phiếu, các công ty chứng khoán sẽ gửi thông báo đến khách hàng biết trước 1 đến 2 ngày. Nếu không muốn bị bán giải chấp cổ phiếu, nhà đầu tư cần phải nộp thêm tiền vào tài khoản ký quỹ do công ty chứng khoán quy định để đạt mức an toàn tối thiểu.

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán