Cho rằng không hợp tình, hợp lý, HoREA kiến nghị bỏ trần chi phí lãi vay 30%

(Banker.vn) HoREA đề nghị sớm bỏ quy định khống chế chi phí lãi vay 30% của doanh nghiệp có giao dịch liên kết, vì cho rằng điều này không hợp tình, hợp lý.
Khống chế chi phí lãi vay: Doanh nghiệp lo lợi nhuận giảm Thủ tướng: Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm đủ vốn cho nền kinh tế với chi phí, lãi vay hợp lý

Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 5/11/2020 “quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết”.

Theo Nghị định 132, chi phí lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết không được vượt quá 30% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ. Trong đó, giao dịch liên kết được xác định là các giao dịch mua, bán, cho thuê, cho vay, chuyển nhượng tài sản... với một bên khác có quan hệ liên kết (tức doanh nghiệp này có vốn góp hoặc có nhân sự điều hành tại doanh nghiệp kia hoặc hai doanh nghiệp này cùng chịu sự điều hành, hay được góp vốn của một doanh nghiệp khác).

Lãi suất tiền gửi ngân hàng tiếp tục hạ xuống mức thấp kỷ lục. Ảnh minh họa
Việc khống chế chi phí lãi vay nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, HoREA nhận định, khoản 3 Điều 16 Nghị định 132 đã tháo gỡ một phần các vướng mắc, bất cập của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về việc xác định “trần” tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, “không nên và không cần thiết khống chế trần chi phí lãi vay của doanh nghiệp có giao dịch liên kết theo lợi nhuận, để phản ánh trung thực và kịp thời hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp”, HoREA kiến nghị.

Với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết có hành vi chuyển giá, kê khống chi phí để trốn lậu thuế, HoREA đề nghị cơ quan nhà nước tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm. Trong giai đoạn hiện nay, theo Hiệp hội chỉ nên khống chế mức trần lãi vay này với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

Lãnh đạo Cục Thanh tra - Kiểm tra (Tổng cục Thuế) mới đây cũng lý giải, việc khống chế chi phí lãi vay nhằm hạn chế tình trạng chuyển giá thông qua lãi vay của các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế và khuyến nghị của OECD cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng 10-30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay.

Tuy nhiên khi triển khai Nghị định 132, ngành thuế cũng ghi nhận ý kiến từ nhiều doanh nghiệp muốn bỏ quy định này. Lãnh đạo Cục Thanh tra - Kiểm tra cho biết, ngành thuế đã rà soát thực tế tại Việt Nam, việc vay vốn ngân hàng để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là hoạt động thường xuyên và phổ biến.

“Trên cơ sở kiến nghị của doanh nghiệp, Tổng cục Thuế sẽ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi”, lãnh đạo Cục Thanh tra - Kiểm tra cho biết.

Theo Nghị quyết 105 ban hành giữa tháng 7, Chính phủ cũng đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp bộ ngành đánh giá việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị định 132 ngay trong quý IV/2023.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương