Chính sách visa thông thoáng là cần thiết nhưng bản sắc và dịch vụ quan trọng hơn

(Banker.vn) Chính sích visa thông thoáng sẽ tăng được lợi thế cạnh trạnh song vẫn cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, giữ bản sắc và nâng cao chất lượng dịch vụ
Kích cầu du lịch từ chính sách visa thông thoáng Chính quyền, doanh nghiệp Israel hoan nghênh chính sách visa mới của Việt Nam

"Cú huých" khơi thông thị trường

Sau khủng hoảng bởi dịch Covid-19, Việt Nam đã thí điểm đón khách du lịch quốc tế và chính thức mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3/2022. Mặc dù vậy, năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam chỉ 3,5 triệu lượt, đạt 70% chỉ tiêu đặt ra. Trong khi ở khu vực, Thái Lan đón 11,15 triệu lượt khách quốc tế, vượt xa con số dự kiến 8 triệu lượt khách.

Một trong những nguyên chính khiến cho du lịch Việt Nam "đi trước, về sau" được cho là do "nút thắt" thị thực (visa) kém cạnh tranh. Tính đến năm 2022, Việt Nam chỉ miễn cho 24 quốc gia/vùng lãnh thổ, còn Thái Lan miễn visa du lịch cho 65 quốc gia/vùng lãnh thổ. Việt Nam phần lớn chỉ cho phép khách lưu trú 15 ngày và ra vào một lần, còn Thái Lan cho phép du khách lưu trú từ 30-45 ngày, thậm chí 90 ngày và được ra vào nhiều lần.

Chính sách visa thông thoáng là cần thiết nhưng bản sắc và dịch vụ quan trọng hơn
Chính sách visa thông thoáng là đòn bẩy để khách du lịch đến Việt Nam nhiều hơn. Ảnh: Indochine

Nhằm gỡ khó kịp thời cho ngành du lịch, từ ngày 15/8/2023, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) được nâng từ 30 ngày lên 90 ngày, với số lần nhập, xuất cảnh không giới hạn. Công dân của các nước được Việt Nam miễn thị thực sẽ tăng thời gian tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.

Theo đó, rào cản về chính sách visa dần được tháo gỡ, là bước cải thiện tích cực để gia tăng sức thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Đây cũng là yếu tố góp phần để năm 2023, thị trường du lịch quốc tế đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, gấp gần 3,5 lần so với năm 2022, mức độ phục hồi đã đạt 70% so với năm 2019, cao hơn mức phục hồi chung của châu Á (65%).

Tuy nhiên, mới đây, tại báo cáo Chỉ số năng lực phát triển du lịch của Việt Nam năm 2024 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), chỉ "Mức độ mở cửa du lịch" của Việt Nam chỉ xếp hạng 80, vẫn thuộc nhóm trung bình thấp của thế giới.

Về đánh giá này, dù theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam đây là chỉ số được đánh giá dựa trên báo cáo của Tổ chức Du lịch thế giới về Độ mở thị thực năm 2015 (UNWTO Visa Openness Report 2015) đã lạc hậu, chưa phản ánh được sự cải thiện lớn về chính sách thị thực của Việt Nam vừa qua song trong bối cảnh cạnh tranh du lịch ngày càng gay gắt cũng như Việt Nam đang hướng đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì chính sách visa là vấn đề cần được quan, cải thiện.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ngày 6/7, Đại biểu Nguyễn Thị Hà - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh cũng đã nêu vấn đề chính sách miễn thị thực có nên tiếp tục mở rộng diện áp dụng hay không? Nếu áp dụng diện mở rộng thì sẽ hướng tới khu vực nào để đạt hiệu quả cao nhất?

Trả lời chất vấn của đại biểu quốc hội về tiếp tục mở rộng diện áp dụng visa như thế nào cho hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã nhấn mạnh, nhiều quốc gia khác sử dụng chính sách visa như là một lợi thế trong cạnh tranh về du lịch. Việt Nam cũng nhận thức được điều này, chúng ta đã sửa đổi một số luật có liên quan, tạo điều kiện mở cửa, thúc đẩy phát triển du lịch.

Tham khảo mô hình một số quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã báo cáo Chính phủ có giải pháp đánh giá tổng thể về mặt chính sách visa trong thời gian qua trên tất cả các phương diện, kinh tế, xã hội, đối ngoại, quốc phòng và an ninh. Đồng thời đề xuất các giải pháp ưu tiên theo hướng song phương, bạn miễn visa cho ta, ta miễn visa cho bạn”- ông Nguyễn văn Hùng nhấn mạnh.

Cần một giải pháp đồng bộ

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Phạm Hải Quỳnh – Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Châu Á đánh giá, với mức mở rộng miễn thị thực của Việt Nam hiện nay ông cho rằng đây là một bước tiến tích cực. Nhưng việc tiếp tục nghiên cứu mở rộng diện áp dụng là cần thiết, nhằm gia tăng sức cạnh tranh cho du lịch, giúp tạo điều kiện thuận lợi cho việc kích cầu du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Tuy nhiên, quan trọng là phải đảm bảo an toàn và quản lý rủi ro trong thời gian mở rộng này. Đồng thời việc chọn lọc và ưu tiên một số thị trường quan trọng cũng là cần thiết, để tập trung vào các đối tác có tiềm năng lớn cho du lịch Việt Nam”- ông Quỳnh cho hay.

Tại Chỉ thị 08 ban hành ngày 23/2/2024, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ ngành liên quan nghiên cứu đề xuất tiếp tục tạo thuận lợi đi lại hơn cho khách du lịch như áp dụng nhận diện khuôn mặt trong thủ tục xuất nhập cảnh, sử dụng hộ chiếu điện tử, cấp thị thực tại cửa khẩu trên cơ sở xét duyệt nhân sự tại chỗ, xem xét mở rộng diện miễn thị thực đơn phương, có chính sách ưu đãi về xuất nhập cảnh đối với một số thị trường…

Như vậy, chính sách visa thông thoáng du lịch Việt Nam sẽ hấp dẫn hơn trong mắt du khách, dù thế, đây cũng không phải là "đũa thần" để kéo khách đến Việt Nam cũng như giữ chân họ lâu hơn, mà đây mới là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam nâng cao tính cạnh tranh cũng như tạo sức hút mạnh mẽ hơn đối với các thị trường quốc tế là phải có một loạt giải pháp đồng bộ hơn nữa.

Trong đó, ngành du lịch Việt Nam cần tập trung vào phương châm mà Nghị quyết 82 của Chính phủ đã đặt ra là “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”!

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Phạm Hải Quỳnh cho rằng nguồn nhân lực chính là “gốc” của các loại hình dịch vụ. Do vậy, trong giai đoạn mới cần phải nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ, làm sao để vừa đáp ứng được nhu cầu về số lượng, vừa đáp ứng yêu cầu chất lượng ngày càng cao của dịch vụ. Ngoài ra, vấn đề hạ tầng du lịch của Việt Nam đang còn nhiều hạn chế về chất lượng và tiện nghi, từ sân bay, giao thông đến các dịch vụ khách sạn và du lịch khác.

Mặt khác, theo ông Phạm Hải Quỳnh, các sản phẩm du lịch của chúng ta chưa tạo được sức hút hay giá trị của điểm đến, đặc biệt các mô hình về du lịch cộng đồng dần mất đi giá trị kiến trúc bản địa, lai tạp văn hóa hay bê tông hóa theo trend quá nhiều không có sự quản lý và định hình sản phẩm cụ thể cũng như không có quy hoạch cụ thể trong bảo tồn và phân khu kiến trúc riêng biệt. Đây là vấn đề cần phải được quan tâm, cải thiện để chúng ta giữ chân du khách lâu hơn cũng như để du khách quay trở lại.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương