Chính sách mới về thị trường xăng dầu: Sẽ rút ngắn thời gian điều chỉnh giá?

(Banker.vn) Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan về việc rà soát, đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh xăng dầu.

Giá xăng dầu hôm nay 14/11/2022: Một tuần giảm giá mạnh

Giá xăng dầu hôm nay 15/11/2022: Duy trì sắc xanh

Giá xăng dầu hôm nay 16/11/2022: Giảm "cực sốc"

Theo đó, Bộ Công Thương được giao nhiệm vụ chủ trì rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3-9-2014 và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, báo cáo Chính phủ ngay trong tháng 11/2022.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Bộ Công Thương cũng cho biết vấn đề về quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu; việc quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; việc sửa đổi, bổ sung các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu cũng cần được rà soát, đánh giá và đề xuất sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Trao đổi vơi sĐại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) nhìn nhận về chu kỳ điều hành 10 ngày như hiện hành là điểm bất cập lớn, khiến giá xăng dầu trong nước không theo sát diễn biến giá thị trường thế giới. Trong bối cảnh hiện nay, nên rút ngắn thời gian giữa các kỳ điều hành còn 5 ngày.

Việc rút ngắn thời gian điều hành giá xăng được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp nhận định sẽ giải quyết việc "lệch pha" giữa giá thị trường trong nước và thế giới, phù hợp hơn với phương thức hiện nay doanh nghiệp đầu mối đang mua hàng.

Theo nhận định của chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu theo các quy định của nhà nước nhưng trong bối cảnh hiện nay, các quy định đã bộc lộ nhiều bất cập cần xem xét và sửa đổi để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp, người dân.

Một trong số đó là giảm chu kỳ điều chỉnh giá xăng từ 10 ngày xuống còn 3-5 ngày và tiến tới điều chỉnh theo biến động hàng ngày của giá thế giới, không để chậm so với giá thế giới như vừa qua. Chỉ có như vậy mới giải quyết việc nhiều đơn vị găm hàng, chờ giá tăng, ảnh hưởng đến việc cung ứng trên thị trường.

Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho hay, nên điều hành một cách uyển chuyển và linh hoạt để đảm bảo lợi ích cho các bên. Trước mắt, có thể giảm chu kỳ điều hành xuống 5 ngày. Việc điều hành giá theo cơ chế thị trường là điều không dễ vì giá sẽ thay đổi liên tục theo thế giới và thị trường mà thiếu đi sự điều hành, can thiệp của nhà nước.

"Mặt tốt là việc này giúp giải quyết các vấn đề đang hiện hữu trên thị trường xăng dầu như hiện nay; các bộ, ngành cũng không phải xử lý các tình huống đặc biệt. Nhưng ngược lại, khi giá xăng tăng cao, sẽ ảnh hưởng đến lạm phát, CPI và cả nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp sẽ chịu áp lực giá", ông Lê Quốc Phương nói.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho biết việc rút ngắn thời gian giữa các kỳ điều hành là vấn đề đã được bàn rất nhiều, ngay thời điểm xin ý kiến hoàn thiện Nghị định 95. Sau khi Nghị định 95 "chốt" rút ngắn kỳ điều hành còn 10 ngày, sau những bất cập trên thị trường vừa qua, đã có các ý kiến đề xuất rút ngắn còn 7 ngày, 5 ngày, thậm chí là điều hành giá theo ngày. Ông Long cho rằng phương án điều hành theo ngày thì khó khả thi.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang nhanh chóng lấy ý kiến để sửa Nghị định liên quan kinh doanh xăng dầu, như các vấn đề về chu kỳ điều hành giá xăng dầu, quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu, đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn. Bên cạnh đó, còn có quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối, thương nhân đầu mối xăng dầu; sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu; xử phạt vi phạm trong hoạt động kinh doanh xăng dầu…

Thu Uyên (Tổng hợp)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán