Khách mời tham dự toạ đàm (từ trái sáng phải) Ông Hồ Thanh Tùng, TGĐ Tập đoàn Công nghệ CMC; Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó Chủ tịch HĐQT/TGĐ Sacombank; Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI; Ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế. |
Đồng hành khăng khít, kề vai sát cánh
Chia sẻ về sự đồng hành của Chính phủ và các cơ quan với cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, đó là sự đồng hành khăng khít, kề vai sát cánh của Chính phủ cùng cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là trong giai đoạn đại dịch COVID-19.
“Chúng ta nhớ lại thời gian đó, đại dịch đang bùng phát ở Việt Nam và mỗi ngày VCCI nhận được hàng trăm phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, đại sứ quán các nước nơi có doanh nghiệp FDI của họ ở Việt Nam. Trên cơ sở đề xuất của VCCI, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triệu tập Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp toàn quốc, giao VCCI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng Văn phòng Chính phủ triển khai. Đây là hội nghị lớn, quy mô toàn quốc, cả 63 tỉnh thành, có cả Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh tham dự. Đây là "cuộc giải vây ngoạn mục" cho doanh nghiệp trong vòng vây của dịch COVID-19 lúc bấy giờ”, ông Phạm Tấn Công bày tỏ.
Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo và đặc biệt lắng nghe các doanh nghiệp, đã có 3 quyết sách rất lớn, cụ thể:
Một là, chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ zero-COVID sang thích ứng, linh hoạt và chúng ta ứng phó với dịch, sống cùng với dịch.
Thứ hai, là đã tổ chức tiêm vaccine trong cả nước rất kịp thời.
Thứ ba, là có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu COVID-19.
Ông Phạm Tấn Công cho rằng, đó là những chính sách rất lớn, giúp doanh nghiệp bảo toàn lực lượng, không bị đứt gãy trong sản xuất. Chúng ta cũng có một giai đoạn ngắn nhưng so với thế giới, Việt Nam chúng ta làm rất tốt, sự đứt gãy là không lớn. Do đó việc phục hồi sẽ rất nhanh và sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể phục hồi tốt, chiếm được vị trí mới trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu.
Về phía doanh nghiệp trong sự đồng hành này, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần dân tộc cao, đặc biệt là bản sắc của doanh nhân Việt Nam, sáng tạo, năng động, đã đồng hành với Chính phủ, chia sẻ những khó khăn, đóng góp các nguồn lực lớn cho hoạt động phòng, chống dịch, Quỹ vaccine cho đến các nguồn lực về vật chất, con người, tổ chức "3 tại chỗ", duy trì sản xuất, kinh doanh, việc làm cho người lao động, ổn định xã hội. “Tôi cho rằng sự đồng hành vừa qua là rất tuyệt vời, kề vai sát cánh”, ông Phạm Tấn Công chia sẻ.
Khó khăn của doanh nghiệp về vốn
Với bức tranh kinh tế của thế giới và những biến động chính trị ảnh hưởng rất nhiều và đặc biệt là các biến động về tiền tệ, về lãi suất (ví dụ việc Fed tăng lãi suất và dự kiến sẽ tăng tiếp…), Lãnh đạo Tập đoàn CMC đã có những trao đổi để đánh giá tình hình kinh tế thế giới có những tác động như thế nào đối với kinh tế Việt Nam.
Ông Hồ Thành Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, Tập đoàn CMC làm việc với các đối tác nước ngoài rất nhiều, hầu hết là các đối tác công nghệ của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Tất cả những chính sách biến động về kinh tế, tài chính vừa rồi ảnh hưởng khá lớn và sẽ tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp với Tập đoàn.
“Là tập đoàn công nghệ, khi chúng tôi có giao dịch với đối tác nước ngoài, tỷ giá biến động ảnh hưởng rất lớn. Tôi nghĩ không chỉ riêng chúng tôi mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam, trước đây chưa bao giờ phải đề phòng về tỷ giá và nay tỷ giá thay đổi như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp. Và trong ngắn hạn, nếu tỷ giá và lãi suất càng ngày càng cao thì ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả kinh doanh”, ông Hồ Thanh Tùng chia sẻ.
Trong dài hạn, các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn, khi đặt ra các bài toán quyết định đầu tư thì các chỉ số liên quan đến lãi suất hay tỷ giá sẽ phải xem xét kỳ hơn. Nếu các chỉ số này ở mứ cao, khả năng đưa ra các quyết định đầu tư khó khăn hơn rất nhiều.
Chia sẻ khó khăn với ông Tùng, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, trong thời gian qua, doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Sacombank là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù đã nhận thấy khó khăn chính nổi lên, đó là: chuỗi cung ứng đứt gãy, các chi phí phục vụ cho các doanh nghiệp tăng rất cao. Trong dịch COVID-19, nguồn lực lao động bị ảnh hưởng rất lớn, rồi lạm phát, nền kinh tế suy giảm, doanh nghiệp thiếu hụt nguồn tiền cũng như như tính thanh khoản, cung cầu của nền kinh tế bị ảnh hưởng rất lớn, hay những rào cản pháp lý… Trong bối cảnh như thế, các doanh nghiệp rất khó khăn.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm cho biết, ngành Ngân hàng phải thực hiện nhiệm vụ kép vừa phải chống dịch vừa phải vận hành doanh nghiệp của mình, vừa phải đồng hành cùng nền kinh tế. “Chúng tôi vừa phải duy trì lãi suất kinh doanh, vừa phải duy trì miễn giảm phí, giảm lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và chúng tôi phải đảm bảo tính thanh khoản ổn định duy trì suốt mùa dịch”, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm chia sẻ.
“Tôi nghĩ nhu cầu vốn của đại bộ phận doanh nghiệp đang rất thiếu, chúng ta cần có khuôn khổ pháp lý hỗ trợ để khai thông dòng tiền. Bản thân Tập đoàn công nghệ CMC là doanh nghiệp lớn, có hệ thống quản trị tốt, hệ thống tài sản cũng như kế hoạch kinh doanh khá tốt. Chúng tôi thực sự không băn khoăn gì nhiều về làm việc với ngân hàng để lấy dòng vốn. Hiện nay các dự án, kế hoạch phát triển của chúng tôi đều được xây dựng và quản trị rất tốt. N hàng sẽ luôn luôn nhìn nhận các tập đoàn công nghệ, công ty lớn như CMC là khách hàng tốt, được ngân hàng chăm sóc”, ông Hồ Thanh Tùng chia sẻ.
Tuy nhiên, với các doanh nghiệp là đối tác của CMC, tình hình lại khác, nhiều doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về vốn. Do vậy, để doanh nghiệp phát triển được, ông Hồ Thanh Tùng cho rằng, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ cũng như các chương trình thúc đẩy khai thông nguồn vốn.
Thảo luận về thị trường vốn và tín dụng thời gian qua, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đánh giá, sau 2 - 3 năm dịch bệnh COVID-19 thị trường đang thiếu vốn, các doanh nghiệp đang ở trạng thái “khát khô”. Do đó, việc bơm vốn cho nền kinh tế là việc phải làm. Bơm bằng cách nào, bơm như thế nào để giữ an toàn cho nền kinh tế đồng thời đảm bảo được tăng trưởng kinh tế? Đấy là điều cần rất chú ý.
Vừa qua, Chính phủ đưa ra Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về trái phiếu doanh nghiệp là một nỗ lực theo tinh thần như vậy, nhưng làm được là điều không dễ. “Chúng ta muốn dịp này là một dịp để doanh nghiệp Việt có cơ hội phục hồi, trỗi dậy mạnh mẽ thì cẩn phải đặc biệt chú ý đến cấu trúc phát triển vừa hỗ trợ phát triển thị trường tài chính để hỗ trợ doanh nghiệp. Tình thế bất thường thì giải pháp phải khác thường. Ta cứ tuân theo giải pháp thông thường thì không hỗ trợ được vấn đề”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nhấn mạnh.
Ông Phạm Tấn Công đồng ý với quan điểm trên, và chia sẻ thêm rằng điểm nghẽn đồng thời là điểm nóng bây giờ, cũng là câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế chính là gỡ bài toán về vốn. Vốn là vấn đề tồn tại hay không tồn tại của doanh nghiệp. Họ sợ nhất là những “cú phanh gấp”, tức là những chính sách không lường trước được. “Giai đoạn COVID-19, chúng ta đã giải tốt bài toán khó rồi nhưng tôi cho rằng sắp tới đây giải bài toán này cũng không hề đơn giản. Tôi kỳ vọng Chính phủ sẽ có quyết sách đặc biệt. Với sự lãnh đạo rất vững vàng của Thủ tướng trong thời gian qua thì chúng ta sẽ vượt qua được thách thức này”, ông Phạm Tấn Công kỳ vọng.
Thành Nguyễn
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|