Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 25/11/2023: Mỹ và Đức muốn Ukraine đàm phán với Nga

(Banker.vn) Một số thông tin tình hình chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 25/11/2023: Mỹ và Đức muốn Ukraine đàm phán với Nga; Crimea tiếp tục tấn công.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 24/11/2023: Nga tấn công dồn dập vào Avdiivka; Đức sắp cạn tiền hỗ trợ cho Ukraine Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 24/11/2023: Xe tăng M1 Abrams tại Ukraine chưa được phép ra trận

Thông tin chiến sự

Crimea tiếp tục tấn công. Bộ Quốc phòng Nga thông báo các hệ thống phòng không nước này đã bắn hạ 13 UAV Ukraine bên trên bầu trời Crimea và 3 UAV ở vùng Volgograd. Phía Nga không đề cập thông tin thiệt hại lẫn thương vong.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 25/11/2023: Mỹ và Đức muốn Ukraine đàm phán với Nga

Cùng ngày, giới chức Ukraine cho hay lực lượng của Điện Kremlin đã leo thang hoạt động tấn công đối với Avdiivka, thành phố có tầm quan trọng chiến lược ở miền Đông Ukraine.

Nỗ lực đẩy mạnh các đợt tấn công của cả hai phía được triển khai vào thời điểm cả Nga lẫn Ukraine đều muốn chứng tỏ rằng họ không lâm vào thế bế tắc trong khi năm 2024 đang đến gần.

Nga tập kích dữ dội chưa từng thấy vào Avdiivka. Quan chức Ukraine cho biết, Nga đang mở đợt tập kích dữ dội chưa từng thấy nhằm vào Avdiivka, thành trì quan trọng do Kiev kiểm soát ở tỉnh Donetsk.

“Lực lượng Nga đang tung những đòn đánh dữ dội nhất vào thành phố. Mỗi ngày đối phương tiến hành trung bình 16-18 cuộc không kích, có ngày lên tới 30 lượt. Chúng tôi không có thời gian đếm đầy đủ”, Vitaliy Barabash, lãnh đạo cơ quan quân sự thành phố Avdiivka do Ukraine bổ nhiệm, cho biết.

Đồng thời, ông Barabash thừa nhận tình hình tại đây rất khó khăn, nhưng nhấn mạnh các binh sĩ Ukraine vẫn đang bám trụ trận địa và phòng tuyến quanh thành phố chưa bị xuyên thủng.

Nga nhận định tổn thất của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, các lực lượng nước này đã đẩy lui 22 cuộc tấn công của quân Kiev trong tuần qua ở hướng Donetsk, miền đông Ukraine.

Theo quân đội Nga, hơn 1.680 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và bị thương trong các cuộc giao tranh 7 ngày qua ở Donetsk. Kiev cũng được cho đã mất 4 xe tăng, 10 xe chiến đấu bọc thép, 18 xe quân sự khác và 14 khẩu pháo dã chiến tại đây.

Bộ Quốc phòng Nga thông tin thêm, trong cùng khoảng thời gian, đối phương cũng mất 435 binh sĩ ở hướng Zaporozhye, hơn 305 lính ở hướng Kupyansk, 405 quân nhân ở Kherson cùng nhiều khí tài.

Một số diễn biến liên quan

Ukraine nêu lý do từ chối ký thỏa thuận hòa bình với Nga. Ông David Arakhamia, một nghị sĩ cấp cao của Ukraine và từng là trưởng đoàn đàm phán với Nga, đã tiết lộ nội dung dự thảo thỏa thuận nhằm chấm dứt xung đột giữa Kiev và Moscow hồi tháng 3 năm ngoái.

“Họ thực sự hy vọng đến phút cuối cùng rằng họ sẽ buộc chúng tôi ký một thỏa thuận như vậy để chúng tôi giữ thái độ trung lập. Đó là điều quan trọng nhất đối với họ. Họ sẵn sàng chấm dứt xung đột nếu chúng tôi đồng ý trung lập và cam kết rằng chúng tôi sẽ không gia nhập NATO”, ông Arakhamia nói. Ông Arakhamia cho biết, Ukraine đã bác bỏ yêu cầu này của Nga.

“Thứ nhất, để chấp nhận điều kiện đó, chúng tôi sẽ phải sửa hiến pháp bởi vì chúng tôi đã đưa mục tiêu gia nhập NATO vào hiến pháp. Thứ hai, chúng tôi không tin Nga sẽ giữ lời hứa”, ông Arakhamia tiết lộ.

Ngày càng nhiều người Ukraine muốn đàm phán với Nga. Bloomberg đưa tin, một số người Ukraine sẵn sàng hy sinh lãnh thổ vì hòa bình với Nga.

“Các cuộc thăm dò cho thấy ngày càng nhiều người Ukraine tin rằng việc nhượng bộ lãnh thổ cho Nga có thể là cái giá không thể tránh khỏi cho hòa bình”, Bloomberg cho biết. Theo kết quả cuộc khảo sát hồi tháng 5 của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev, chỉ 10% số người được hỏi đồng ý rằng để đạt được hòa bình nhanh nhất có thể, Ukraine có thể từ bỏ một số lãnh thổ.

Bloomberg cũng lưu ý nguồn cung cấp của phương Tây không giúp ích gì cho Kiev và lực lượng vũ trang Ukraine đã không thể đạt được tiến bộ đáng kể trong năm qua.

Mỹ và Đức có ý ép Ukraine đàm phán với Nga. Tờ Bild dẫn nguồn tin giấu tên từ các cơ quan chính phủ Đức cho hay, Washington và Berlin sẽ không công khai thúc đẩy Kiev tiến tới đối thoại với Moscow. Thay vào đó, Chính phủ Mỹ và Đức được cho là đang sử dụng vị thế của 2 nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho Ukraine làm đòn bẩy.

Theo đó, kế hoạch của Washington và Berlin là cung cấp cho quân Ukraine đủ vũ khí để giữ vững chiến tuyến hiện tại, nhưng không tạo ra bước đột phá đáng kể nào.

Mỹ và Đức muốn ông Zelensky nhận ra rằng việc tiếp tục xung đột đối với Kiev sẽ “mất hết ý nghĩa”. Đồng thời, cả Thủ tướng Olaf Scholz và Tổng thống Biden đều không có ý định trực tiếp yêu cầu ông bắt đầu đàm phán.

Tờ Bild cũng chỉ ra rằng tình hình ở mặt trận Ukraine đang “ảm đạm”, “quân đội Nga dù chậm nhưng đang tiến về phía trước”. Theo tờ báo này, mục tiêu chính của chính phủ Đức hiện nay là giúp chính quyền ở Kiev có được “lợi thế đàm phán có lợi về mặt chiến lược”.

Đức sẽ gửi thêm tên lửa Patriot cho Ukraine. Đại sứ Đức tại Ukraine Martin Jaeger thừa nhận, tình hình vào mùa đông với Kiev có thể trở nên khó khăn.

“Ukraine đã cố gắng hết sức để chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ vào mùa động và chúng tôi đã hỗ trợ họ chuẩn bị. Tôi đang đề cập đến việc hỗ trợ phòng không. Ngoài các hệ thống IRIS-T đã chuyển giao, Berlin sẽ gửi một hệ thống tên lửa mệnh danh tổ hợp Patriot cho Kiev vào mùa đông này”, nhà ngoại giao này cho hay.

Hồi giữa tháng 11, ông Jaeger từng nói Chính phủ Đức sẽ cung cấp thêm 2 hệ thống phòng không IRIS-T cho Ukraine vào cuối năm nay.

Ukraine áp lệnh trừng phạt mới với Nga. Tổng thống Zelensky vừa ký sắc lệnh thông qua quyết định của Hội đồng An ninh và quốc phòng quốc gia Ukraine về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào 60 cá nhân và 93 thực thể có liên quan đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.

Theo Sắc lệnh số 772/2023 đăng tải trên trang web của Tổng thống Ukraine, các lệnh trừng phạt có thời hạn 10 năm. Trong số 60 người mới bị đưa vào “danh sách đen” có các công dân của Nga, Síp, Uzbekistan, Belarus, Anh và một số người ngoài quốc tịch mang song tịch.

Bình Nguyên (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục