Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 2/9/2023: Nga tuyên bố kiểm soát các điểm cao ở Kupiansk

(Banker.vn) Một số thông tin tình hình chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 2/9/2023: Nga tuyên bố kiểm soát các điểm cao ở Kupiansk.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 1/9/2023: Ukraine sẽ nhận lô xe tăng M1 Abrams đầu tiên vào giữa tháng 9 Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 2/9/2023: Liệu Nga có tổng phản công sớm ngay trong năm 2023?

Thông tin chiến sự

- Nga ngăn chặn vụ tấn công mới vào cầu Crimea. Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố vừa ngăn chặn một xuồng không người lái của Ukraine tấn công vào cầu Kerch chiến lược, nối bán đảo Crimea với phần đất liền Nga.

Bộ Quốc phòng Nga cho hay, sự cố xảy ra lúc khoảng 23h15 (giờ địa phương) ngày 1/9. Các lực lượng Nga đã “nhanh chóng phát hiện và phá hủy xuồng không người lái của đối phương”. Nhà chức trách địa phương đã cho tạm dừng lưu thông qua cầu Kerch ngay trong đêm. Đây là lần thứ 3 cầu Kerch bị tập kích kể từ khi chiến sự Nga-Ukraine bùng phát hồi cuối tháng 2/2022.

Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 2/9/2023: Nga tuyên bố kiểm soát các điểm cao ở Kupiansk

- Nga tuyên bố kiểm soát các điểm cao ở Kupiansk. Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã kiểm soát một số điểm cao chiến lược gần Kupiansk, thành phố thuộc tỉnh Kharkiv ở đông bắc Ukraine và là nơi quân đội của Moscow đã tăng cường áp lực từ tháng 8.

Theo hướng Kupiansk, các đơn vị của nhóm lực lượng phía Tây đã cải thiện vị trí chiến thuật bằng cách chiếm giữ các thành trì và điểm cao trọng yếu của đối phương”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

- Nga tấn công hệ thống gây nhiễu điện tử của Ukraine. Bộ Quốc phòng Nga thông báo họ đã thực hiện 5 cuộc tấn công chính xác vào hệ thống kiểm soát gây nhiễu điện tử chiến lược của quân đội Ukraine, đồng thời xóa bỏ các xưởng lắp rắp xuồng không người lái của đối phương.

Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ: Từ ngày 25/8-1/9, các lực lượng vũ trang Nga đã tấn công các mục tiêu của đối phương như sở chỉ huy, trung tâm trinh sát kỹ thuật vô tuyến, các cơ sở hạ tầng cảng biển, các nhà kho tàng trữ đạn dược và vũ khí phương Tây và cả các sân bay. Quân đội Nga đã sử dụng các vũ khí chính xác tầm xa trên không và trên biển để tấn công.

Các cuộc tấn công nói trên đã làm rối loạn sự kiểm soát của Ukraine đối với hệ thống gây nhiễu điện tử của họ, phá hủy các xưởng lắp ráp xuồng không người lái, các hệ thống phòng không, các bệ phóng pháo phản lực, các xe thiết giáp và vũ khí phóng từ trên không do phương Tây sản xuất”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết thêm.

Một số diễn biến liên quan

- Nga tổ chức bầu cử ở các vùng lãnh thổ mới sáp nhập từ Ukraine. Nga đã bắt đầu tiến hành bầu cử cấp địa phương tại các vùng lãnh thổ mới sáp nhập từ Ukraine cuối năm 2022.

Hầu hết các địa phương của Nga tổ chức bầu cử vào ngày 10/9 theo kế hoạch. Tuy nhiên, Donetsk, Zaporizhzhia, quyết định bầu cử sớm hơn, bắt đầu từ ngày 31/8. Chính quyền Kherson và Lugansk dự kiến bắt đầu bầu cử từ ngày 2/9. Đây là 4 tỉnh mà Nga tuyên bố sáp nhập từ tháng 10/2022. Cho đến nay, Moscow vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn 4 tỉnh này. Lãnh đạo chính quyền tại đây đều do Nga bổ nhiệm. Kết quả bầu cử sẽ quyết định liệu họ có thể tiếp tục đảm nhiệm nhiệm kỳ mới hay không.

- Nga phân bổ 1,9 nghìn tỷ rúp cho 4 khu vực sáp nhập từ Ukraine. Tổng thống Vladimir Putin thông báo Nga có kế hoạch phân bổ 1,9 nghìn tỷ rúp (20 tỷ USD) từ ngân sách liên bang trong 2,5 năm tới để phát triển 4 khu vực tại Ukraine mà Moscow tuyên bố sáp nhập vào năm ngoái, gồm Lugansk, Donetsk, Kherson, Zaporizhia.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh 4 khu vực trên đã bắt đầu tiến hành bầu cử cấp địa phương, sớm hơn so với các vùng khác trên khắp nước Nga.

- Ukraine bác khả năng đàm phán. Ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cấp cao của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, loại trừ khả năng đàm phán hòa bình vào lúc này. Ông nói rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ dẫn đến “sự đầu hàng” từ phía Ukraine. “Bất kỳ quá trình đàm phán nào cũng đồng nghĩa với sự đầu hàng của Ukraine và sự đầu hàng của thế giới dân chủ nói chung”, ông Podolyak nói.

Ông Podolyak cho hay, ông tin rằng các đồng minh phương Tây của Ukraine, những nước đã viện trợ hàng tỷ USD vũ khí, hiểu rằng không thể có bất kỳ hình thức thỏa hiệp nào với Moscow.

- Mỹ sắp gửi đạn uranium nghèo cho Kiev. Theo một tài liệu Reuters đã tiếp cận và được 2 quan chức Mỹ xác nhận riêng rẽ, chính quyền Tổng thống Joe Biden lần đầu tiên sẽ gửi đạn xuyên giáp chứa uranium nghèo cho Ukraine. Loại đạn có thể xuyên thủng xe tăng này nằm trong gói viện trợ quân sự mới của Washington, dự kiến sẽ được công bố vào tuần tới.

Một nguồn thạo tin nói, đạn uranium nghèo có thể được trang bị cho các xe tăng Abrams phía Mỹ dự kiến gửi đến Ukraine trong vài tuần tới. Một quan chức lưu ý thêm, trị giá của gói viện trợ quân sự mới nằm trong khoảng 240-375 triệu USD, tùy thuộc vào các loại khí tài và đạn dược sẽ được chuyển giao.

Bình Nguyên (tổng hợp)

Theo: Báo Công Thương