Chậm giải ngân vốn đầu tư công - tiếng nói người "trong cuộc"

(Banker.vn) Từ gợi mở của Kiểm toán nhà nước, đại diện các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cùng chỉ ra những “nút thắt” trong giải ngân vốn đầu tư công.
Đầu tư công: Những nút thắt thông qua thực tiễn kiểm toán Kiểm toán nhà nước chỉ rõ vướng mắc trong đầu tư công

Tại Hội thảo chuyên đề về đầu tư công trong khuôn khổ Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Vai trò của Kiểm toán Nhà nước” diễn ra tại Hà Nội ngày 18/10, các đại biểu đã chỉ ra nhiều “nút thắt” trong vấn đề đầu tư công nói chung và giải ngân vốn đầu tư công nói riêng.

Chậm do thiếu “nhiều thứ”

Từ thực tiễn ở địa phương, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, khâu giải phóng mặt bằng mang tính quyết định, nếu không được làm tốt, thì tiến độ dự án đầu tư công sẽ chậm lại. Nếu được lòng dân, dự án triển khai sẽ có nhiều thuận lợi.

“Suy cho cùng, vai trò của người dân rất quan trọng, vì người dân là chủ thể được hưởng lợi từ các dự án đầu tư công” - ông Thận nói đồng thời khẳng định các cơ quan nhà nước phải làm tốt công tác tuyên truyền. “Khi chúng ta làm tốt khâu tuyên truyền, người dân sẽ thấy được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của dự án thì sẽ đồng thuận. Thái Bình khi làm các dự án đường giao thông liên tỉnh, liên huyện, người dân thậm chí còn hiến đất, phục vụ công tác giải phóng mặt bằng,…” - ông Thận chia sẻ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó tổng giám đốc Công ty xây dựng Trường Sơn cho rằng, khó khăn lớn nhất trong đầu tư công là giải phóng mặt bằng. Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, các doanh nghiệp rất hiếm khi nhận được mặt bằng sạch ngay, chủ yếu là nhỏ giọt, ngắt quãng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả thi công. Đây cũng là nguyên nhân lớn cản trở các dự án đầu tư công từ trước đến nay.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công - tiếng nói người
Hội thảo chuyên đề Đầu tư công: Những nút thắt và giải pháp từ góc nhìn của Kiểm toán nhà nước trong khuôn khổ Diễn đàn “Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - Vai trò của Kiểm toán Nhà nước”

Phó tổng giám đốc Công ty xây dựng Trường Sơn cho hay, nút thắt tiếp theo là rủi ro về giá cả vật liệu. Hiện, một số địa phương thông báo giá không kịp thời, không sát. Ông Tuấn Anh nêu ví dụ với cát, giá mua thông báo là 153.000 đồng/m3, doanh nghiệp thực tế phải mua với giá 264.000 đồng/m3. Ngoài nguyên nhân địa phương không sâu sát, lãnh đạo doanh nghiệp này cũng cho rằng, có hiện tượng các chủ mỏ liên kết, thao túng giá thị trường.

Bên cạnh những nút thắt kể trên, ông Tuấn Anh còn đề cập đến khó khăn khi thiếu vật liệu xây dựng, đặc biệt là việc thiếu cát ở Đồng bằng sông Cửu Long. “Chúng tôi buộc phải thi công cầm chừng hoặc có những dự án dừng luôn dù đã bố trí đầy đủ lực lượng. Có những dự án nếu làm đúng tiến độ là phải 3,5 tỷ sản lượng/ngày nhưng hiện chỉ đạt 70 - 80 triệu đồng” - ông Tuấn Anh bày tỏ và cho biết thêm vấn đề này, không chỉ diễn ra ở Trường Sơn, mà các nhà thầu lớn đang tham gia các dự án trọng điểm, đặc biệt các dự án đường cao tốc đều đang phải đối mặt.

Quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu

Chia sẻ quan điểm ở góc độ bộ, ngành, ông Bùi Quang Thái, Cục trưởng Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, nút thắt trong đầu tư công tập trung ở ba khâu: Thể chế chính sách, tổ chức thực hiện và sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương.

Theo ông Thái, năm 2023, Bộ Giao thông vận tải được phân bổ số vốn kỷ lục với khoảng 94 nghìn tỷ đồng, đây là một thách thức lớn, song cũng là cơ hội để triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chậm giải ngân vốn đầu tư công - tiếng nói người
Vấn đề đầu tư công thu hút sự quan tâm của nhiều bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp và các cơ quan báo chí

Để làm tốt mỗi công trình, ông Thái cho biết, Bộ Giao thông vận tải tập trung vào hai việc, trong đó khâu chuẩn bị đầu tư cần được đặc biệt quan tâm, vì rất tốn thời gian, như dự án nhóm A trở lên phải kéo dài trên 2 năm. Tiếp đến là khâu lập kế hoạch giải ngân vốn và thi công phải gắn chặt với nhau, đồng thời phải đảm bảo tính khả thi, có phương án dự phòng. Bên cạnh đó, cần tăng cường khâu kiểm tra, giám sát để kịp thời giải quyết vướng mắc, linh hoạt trong triển khai.

Trong khi đó, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cần sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và sự phối hợp của nhiều ban, ngành, địa phương với quyết tâm thực hiện đồng bộ bằng nhiều biện pháp.

Theo ông Thịnh, các bộ, ngành, địa phương cần chấn chỉnh công tác lập dự án đầu tư công đồng thời khẩn trương rà soát, kiểm tra kỹ và tiến hành phân bổ hết vốn chi tiết cho từng dự án. Các thủ tục về chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị xây dựng, tái định cư, giải phóng mặt bằng phải có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất. Hơn nữa, các tồn tại, vướng mắc của các dự án đầu tư lớn cần xử lý dứt điểm, trong đó tập trung đẩy mạnh giải ngân các dự án đầu tư có tiềm năng.

Ông Thịnh kiến nghị Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần trao đổi với các nhà tài trợ nước ngoài, tiến hành rà soát, hài hòa các yêu cầu, thủ tục quản lý và cấp vốn đồng thời giảm các thủ tục phê duyệt không cần thiết.

Ngoài ra, các chủ dự án phải khẩn trương lập hồ sơ nghiệm thu đối với công việc có khối lượng đầu tư đã hoàn thành. Trên cơ sở đó, các chủ dự án thực hiện đầy đủ các thủ tục, chứng từ để đẩy nhanh tốc độ cấp vốn theo các hình thức thanh toán đã được thống nhất.

“Cần nâng cao tinh thần trách nhiệm và có các quy định cụ thể về trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án trong việc triển khai thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công. Trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan ban, ngành phải được thực hiện từ khâu lập kế hoạch đầu tư sơ bộ, đến lập dự án tiền khả thi, lập dự án khả thi, kiểm tra, giám sát, thẩm định các dự án, đến các khâu giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư đến khâu thực hiện đầu tư dự án...” - ông Thịnh nói.

Kiểm toán nhà nước: Giải ngân vốn đầu tư công chậm do sợ trách nhiệm, năng lực chuyên môn kém

Đồng tình với doanh nghiệp, địa phương, và các bộ, ngành, từ thực tế kể toán, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra thêm một số nút thắt khiến giải ngân đầu tư công không đạt kỳ vọng. Ông Vũ Thanh Hải - Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV nhận định, việc bố trí vốn đầu tư còn dàn trải, thiếu tập trung, ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của nền kinh tế. Ngoài ra, còn xảy ra tình trạng bố trí vốn cho các dự án chưa đủ điều kiện, thủ tục đầu tư; bố trí vốn sai nguồn, không đúng đối tượng, mục tiêu; bố trí vốn không sát thực tế, dẫn đến không sử dụng được hoặc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần…

Nhiều hồ sơ quyết toán gửi đến Kiểm toán Nhà nước còn thiếu sót, nội dung chưa đầy đủ; chất lượng công tác thẩm định, phê duyệt quyết toán còn hạn chế, chưa loại trừ hết sai sót về khối lượng, đơn giá, định mức; quyết toán sai nguồn.

Tình trạng thi công chậm tiến độ xảy ra tại hầu hết các gói thầu, dự án. Một số dự án mặc dù chậm tiến độ, kéo dài nhưng chưa có biện pháp khắc phục; chế tài xử lý, xử phạt trách nhiệm các bên liên quan chưa được thực hiện nghiêm túc.

“Một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án chưa tích cực, thậm chí sợ trách nhiệm khi triển khai, ký duyệt các thủ tục thanh toán, quyết toán; năng lực chuyên môn của một số cán bộ quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu... còn hạn chế” - đại diện Kiểm toán Nhà nước cho biết.

Ông Hải cho rằng, để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công cần khẩn trương hoàn thành công tác tổng hợp các yêu cầu cắt giảm kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định; nếu cần thiết sẽ điều chuyển cho bộ, ngành, địa phương còn thiếu và có khả năng thực hiện và giải ngân.

Đại diện Kiểm toán Nhà nước kiến nghị cần yêu cầu nhà thầu phải có văn bản cam kết tiến độ thực hiện đối với từng hạng mục công trình, làm cơ sở để kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm việc vi phạm tiến độ; trường hợp cần thiết, chấm dứt hợp đồng và thay thế ngay các nhà thầu khác để đảm bảo tiến độ.

Đáng chú ý, theo ông Hải, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và là người chịu trách nhiệm toàn bộ đối với mọi sai phạm trong suốt quá trình thực hiện đầu tư chứ không phải là trách nhiệm tập thể.

Thuỳ Linh - Hoàng Lan

Theo: Báo Công Thương