[Cập nhật] Giá vàng hôm nay 13/10/2021: Vàng miếng SJC tăng nhẹ

(Banker.vn) Mở phiên giao dịch sáng ngày 13/10, giá vàng trong nước điều chỉnh tăng 50.000 đồng/lượng tại một số hệ thống kinh doanh. Giá vàng trong nước điều chỉnh tăng theo xu hướng thế giới vì lo ngại lạm phát làm giảm khẩu vị rủi ro và thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản an toàn.

Hiện tại, cửa hàng vàng bạc đá quý Sài Gòn chi nhánh hai miền Bắc - Nam điều chỉnh giá vàng SJC cùng tăng 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra. Cùng thời điểm khảo sát, vàng miếng SJC tại doanh nghiệp Phú Quý cũng điều chỉnh tăng. Cụ thể, giá mua vào tăng 50.000 đồng/lượng còn giá bán ra đứng yên.

Trong khi đó, tại Tập đoàn Doji và hệ thống PNJ, vàng SJC đi ngang ở cả hai chiều giao dịch. Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 57,35 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 58,12 triệu đồng/lượng.

Các loại vàng nữ trang khác điều chỉnh tăng trong sáng nay. Cụ thể, giá vàng 24K tăng 50.000 đồng/lượng, vàng tây 18K tăng 40.000 đồng/lượng và vàng 14K tăng 30.000 đồng/lượng ở cả hai chiều mua bán so với phiên trước đó.

Trong phiên giao dịch sáng ngày 13/10, giá vàng giao ngay tăng 0,02% lên 1.760,2 USD/ounce vào lúc 6h30 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 12 cũng tăng 0,07% lên 1.760,55 USD.

Giá vàng tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (12/10), và ghi nhận ngày tăng mạnh nhất kể từ cuối tháng 9, vì lo ngại lạm phát làm giảm khẩu vị rủi ro và thúc đẩy nhu cầu đối với tài sản an toàn.

Một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã đe dọa tới triển vọng kinh tế và làm gia tăng lo ngại lạm phát, khiến một số nhà đầu tư hướng tới tài sản trú ẩn an toàn.

Đồng USD mạnh khiến vàng trở nên kém hấp dẫn đối với người mua bằng ngoại tệ khác. Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index tăng 0,22% lên 94,53.

Vàng thường được coi là một hàng rào chống lại lạm phát. Tuy nhiên, việc giảm các biện pháp kích thích của ngân hàng trung ương và tăng lãi suất có xu hướng đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ đi lên, theo đó làm tăng chi phí cơ hội của việc sở hữu tài sản không sinh lời như vàng.

Nhà phân tích Daniel Briesemann của Commerzbank nhận định lo ngại về rủi ro trên thị trường ngày càng gia tăng và vàng đang được hưởng lợi từ điều đó, cùng với lo ngại về lạm phát và sự hạ nhiệt của nền kinh tế toàn cầu.

Nếu các cuộc thảo luận về lạm phát kèm suy thoái ngày càng nhiều, vàng có thể đạt mức 1.900 USD vào cuối năm do lãi suất sẽ vẫn ở mức tương đối thấp ngay cả khi Fed bắt đầu giảm thu mua trái phiếu, ông Briesemann nói thêm.

Trong Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF cho biết dự báo tăng trưởng toàn cầu năm 2021 hiện ở mức 5,9%, giảm so với ước tính 6% hồi tháng 7. Trong khi dự báo tăng trưởng cho năm 2022 không thay đổi ở 4,9%.

Dự báo tăng trưởng năm 2021 của Mỹ đã giảm từ 7% xuống 6% do hạn chế về nguồn cung. Ngoài ra, báo cáo cũng cảnh báo nếu nền kinh tế hàng đầu thế giới không thông qua gói cơ sở hạ tầng trị giá 4.000 tỷ USD của Tổng thống Joe Biden, cơ quan này sẽ tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống thấp hơn nữa.

Đối với Trung Quốc, IMF ước tính tăng trưởng trong năm nay chỉ giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 8%. Dự báo tăng trưởng cho Nhật Bản, Anh, Canada và Đức cũng bị hạ xuống. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cho năm 2021 được nâng từ 4,6% lên 5%.

Trên các thị trường kim loại khác, giá bạc giao ngay tăng 0,6% lên 22,68 USD/ounce và giá bạch kim tăng 0,7% lên 1.015,44 USD. Tuy nhiên, giá palladium giảm 1,6% xuống 2.077,82 USD, theo Reuters.

Triển vọng tiêu cực, giá vàng thế giới giảm mạnh?

Nhận định về triển vọng giá vàng, Ngân hàng ABN AMRO 'vẫn tiêu cực', thậm chí rơi thảm xuống mức giá 1.500 USD/ounce vào cuối năm 2022.

Việc vàng không thể vượt lên trên ngưỡng 1.800 USD/ounce đang làm khó cho thị trường, ABN AMRO hiện có dự báo bất ngờ, giá vàng kết thúc năm nay ở mức 1.700 USD và cuối năm sau là 1.500 USD/ounce. "Cho đến nay, giá vàng đã giảm 7,5%. Triển vọng giá vàng vẫn tiêu cực. Chúng tôi giữ nguyên dự báo cuối năm ở mức 1.700 USD/ounce và cuối năm 2022 là 1.500 USD/ounce", chiến lược gia ngành kim loại quý của ABN AMRO Georgette Boele cho biết, trong một báo cáo.

Theo phân tích của Georgette Boele, kể từ tháng 6, vàng đã bị mắc kẹt trong một xu hướng giảm, với đồng USD mạnh hơn và lợi tức kho bạc Mỹ cao hơn, đang gây áp lực lên giá vàng. Ngoài ra, thị trường đã bắt đầu định giá trong một đợt tăng lãi suất nhanh hơn của Fed do lo ngại lạm phát, tình hình đang đè nặng lên vàng.

"Các nhà đầu tư đã điều chỉnh kỳ vọng của họ liên quan đến Fed. Họ kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến ​​trước đó. Hơn nữa, lợi tức kho bạc Mỹ và lợi tức thực tế 2 năm đã tăng phản ánh điều này. Ngoài ra, đồng USD đã tăng 5 % trong năm nay. Giá vàng có xu hướng suy yếu khi USD tăng giá", chuyên gia của ABN AMRO giải thích.

Ngân hàng Hà Lan vẫn dự báo tiêu cực đối với kim loại màu vàng trong phần còn lại của năm nay và thậm chí là cả năm tới, với lý do các điều kiện chính sách tiền tệ thắt chặt hơn trên toàn thế giới và USD mạnh hơn.

"Một số ngân hàng trung ương đã bắt đầu khởi động quá trình thắt chặt dần chính sách tiền tệ, chẳng hạn ngân hàng trung ương Na Uy, New Zealand, Brazil và Hàn Quốc. Chúng tôi hy vọng, Fed sẽ bắt đầu tăng tốc thắt chặt chính sách vào đầu năm 2023 và Ngân hàng Anh và Ngân hàng Canada có thể sẽ tăng trước đó", Boele nói. "ECB, Ngân hàng Nhật Bản, Ngân hàng Dự trữ Australia, Riksbank và Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ có thể sẽ đưa ra chính sách muộn hơn so với các ngân hàng trung ương khác, nhưng hướng đi đều là thắt chặt chứ không phải nới lỏng".

Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn thường là tin xấu đối với vàng vì nó làm tăng lợi suất trái phiếu chính phủ. "Chúng tôi dự đoán USD sẽ tăng thêm một chút. Đây có thể sẽ là một mức tăng không quá lơn nhưng USD cao hơn nói chung sẽ tiêu cực đối với giá vàng", Boele kết luận.

Thanh Hằng

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán