Cần tháo gỡ nút thắt tại các dự án điện khí LNG ở Việt Nam

(Banker.vn) Theo các chuyên gia để các dự án điện khí LNG ở Việt Nam phát triển như kỳ vọng thì còn nhiều nút thắt cần được tháo gỡ.
Bộ Công Thương đề nghị các địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí LNG Ngành dầu khí 2024: Cơ hội đến từ các dự án thượng nguồn và điện khí LNG Nhận định ngành Dầu khí 2024: Triển vọng từ các dự án thượng nguồn và điện khí LNG

Phát triển điện khí là phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường; bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu; là nguồn dự phòng khi tỷ trọng của các nguồn điện năng lượng tái tạo tăng cao trong cơ cấu nguồn, đảm bảo ổn định cung cấp điện cho hệ thống.

Với thực trạng như hiện nay, các nhà khoa học, các chuyên gia đã nhận định, có nhiều cơ hội trong việc đưa vào sử dụng và phát triển điện khí thiên nhiên hóa lỏng tại Việt Nam, song, thực tế còn nhiều khó khăn, trở ngại và không thể thực hiện một sớm, một chiều bởi khung khổ pháp lý hiện hành cho các dự án điện khí LNG ở Việt Nam chưa được xây dựng hoàn chỉnh.

Cần tháo gỡ nút thắt tại các dự án điện khí LNG ở Việt Nam
Để điện khí LNG ở Việt Nam phát triển cần huy động được nhiều nguồn vốn, công nghệ và sự quyết tâm, vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Nhìn nhận về vấn đề này, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, đến thời điểm hiện tại Việt Nam vẫn chưa có cơ chế hay quy định cụ thể cho việc phát triển điện khí LNG, cũng như chưa có quy định hay tiêu chuẩn trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG. Đặc biệt, thách thức lớn nhất hiện nay của nhà máy điện khí LNG vẫn là giá thành cao hơn rất nhiều so với giá bán lẻ điện mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam bán ra cho nền kinh tế.

Đại diện Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) chỉ ra, hiện nay có 15 nhà máy điện sử dụng khí với tổng công suất khoảng 8.000MW, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng điện quốc gia. Vì vậy hiện nay do không đủ nguồn cung nên trong tương lai sẽ phải chuyển đổi từ sử dụng khí sang sử dụng LNG.

Cụ thể, theo nhận định của Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, trong giai đoạn 2024 - 2030, tổng nguồn điện khí hiện có sẽ chuyển đổi sang sử dụng LNG vào khoảng 4.380MW, sau năm 2030 là 2.700MW. Cho nên, việc chuyển đổi sang sử dụng LNG sẽ tăng kinh phí đầu tư và gián đoạn sản xuất một giai đoạn nhất định.

Về nguyên nhân khách quan, hiện vẫn có những khó khăn ngắn hạn trong việc nhập khẩu LNG từ các thị trường Australia, Qatar, Mỹ. Trong dài hạn cần xem xét nhập khẩu thêm từ Nga và các nước Trung Đông. Cùng với đó, hạ tầng nhập khẩu LNG với quy mô lớn chưa sẵn sàng, tính chủ động trong sản xuất chưa thực sự bền vững, chưa sẵn sàng với thị trường nhập khẩu quy mô lớn. Cần thiết phải duy trì ổn định khai thác khí đồng thời nâng cao năng lực khai thác nhằm đảm bảo cung cấp cho các nhà máy điện khí đang hoạt động.

Đại diện Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương đề xuất, hoàn thiện các cơ chế chính sách liên quan đến giá và cơ chế giá. Xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các quy định để hỗ trợ cho phát triển nhiệt điện khí, đảm bảo phát triển điện khí phù hợp với tình hình hệ thống điện; Hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế quản lý vận hành chuỗi khí - điện nhằm thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư điện LNG theo hình thức đầu tư quy mô lớn.

Liên quan về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, muốn phát triển điện khí LNG theo Quy hoạch điện VIII phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách. Trong đó, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG để tiết kiệm nguồn lực xã hội, phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển.

Về mặt cơ chế chính sách, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã nhận thức rõ tầm quan trọng của LNG trong bối cảnh phát triển năng lượng gắn liền với bảo vệ môi trường. Cùng với dự báo trước sự thiếu hụt nguồn khí tại Nam Bộ trong tương lai nên đang gấp rút thực hiện các chỉ đạo và các vận hành cho các dự án khí - điện LNG lớn.

Theo Bộ Công Thương, thực tế cho thấy, để triển khai một dự án LNG từ lúc có quy hoạch đến khi có thể vận hành nhanh nhất cũng phải tới 8 năm, thậm chí có dự án trên 10 năm. Nếu việc triển khai các dự án chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng đến phát triển nguồn điện và ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh năng lượng quốc gia.

Đối với các dự án đã có chủ đầu tư, các địa phương cần tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, thủ tục hành chính… để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Cho nên, để bảo đảm việc triển khai thực hiện các dự án trọng điểm một cách hiệu quả, trong thời gian tới cần huy động tổng lực các nguồn vốn, công nghệ và sự quyết tâm, vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương.

Bên cạnh đó, vấn đề kho chứa cũng là thách thức lớn. Hiện nước ta mới chỉ có duy nhất 1 kho được xây dựng đưa vào vận hành tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngoài ra, còn nhiều kho chứa LNG đang trong giai đoạn lập kế hoạch trên toàn quốc. Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong phát triển các chuỗi dự án điện - khí LNG, cũng như xây dựng, vận hành các dự án kho cảng LNG và tham gia vào thị trường LNG trên thế giới.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, đề xuất giải pháp, các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần có cơ chế đặc thù cho phát triển điện khí LNG tại Việt Nam để đáp ứng tiến độ đặt ra cho các dự án điện khí LNG. Các quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện.

Tại Nghị Quyết số 55 của Bộ Chính trị ngày 11-2-2020 về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa ra nhiệm vụ phát triển công nghiệp khí “Ưu tiên đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhập khẩu và tiêu thụ khí hóa lỏng” đồng thời “Chú trọng phát triển nhanh nhiệt điện khí sử dụng khí hóa lỏng, đưa điện khí dần trở thành nguồn cung cấp điện năng quan trọng, hỗ trợ cho điều tiết hệ thống”.

Đức Lâm

Theo: Báo Công Thương