Cải thiện hạ tầng để du lịch TP. Pleiku 'cất cánh'

(Banker.vn) Thời gian qua, ngành du lịch địa phương đã đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư hạ tầng, hiện đại hóa điểm đến để du lịch Pleiku (Gia Lai) thêm động lực “cất cánh”.
3.500 vận động viên tranh tài tại Giải việt dã Kpă Klơng Ngành Công Thương Gia Lai lên phương án thúc đẩy các cụm công nghiệp Gia Lai mở lại cà phê doanh nhân: Hi vọng kết nối không đứt gẫy

Năm 2024, từ khóa “Du lịch Gia Lai” bất ngờ lọt vào top 5 tìm kiếm địa điểm du lịch nội địa theo danh sách Google Year Search 2024 (Google một năm tìm kiếm). Google nhận định, các điểm đến trong danh sách tìm kiếm cho thấy người dùng ngày càng quan tâm đến du lịch trong nước, phản ánh tiềm năng tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam. Xu hướng tìm kiếm các địa điểm là nơi có cảnh quan tự nhiên đặc sắc, mang lại sự bình yên và thư thái. Đây cũng chính thế mạnh của du lịch Gia Lai nói chung và TP. Pleiku nói riêng.

Trước những đòi hỏi ngày càng cao của du khách, thời gian qua, ngành du lịch địa phương đã đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư hạ tầng, hiện đại hóa điểm đến để du lịch Pleiku thêm động lực “cất cánh”.

Phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch

Những năm gần đây, du lịch Pleiku có những bước phát triển mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng du lịch, cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm đầu tư, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch được đảm bảo. Điều này thể hiện qua việc số lượng khách đến TP. Pleiku ngày một tăng cao. Năm 2024, TP. Pleiku đón hơn 1 triệu lượt du khách tham quan (tăng 29,9% so với năm 2023), trong đó, khách quốc tế đạt 9.600 lượt; doanh thu từ du lịch đạt 778,18 tỷ đồng, tăng 24,4% so với năm 2023.

hạ tầng du lịch
TP. Pleiku có cảnh quan tự nhiên đặc sắc, mang lại sự bình yên và thư thái

Xác định rõ vai trò quan trọng của hạ tầng du lịch, trong những năm qua, ngành du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp, địa phương không ngừng xây dựng điểm đến hiện đại, tiện nghi trong mắt du khách.

Sau thời gian cải tạo, nâng cấp, đến nay, Công viên Diên Hồng đã khoác lên mình tấm áo mới, trở thành một toạ độ thu hút du khách, đặc biệt là giới trẻ tới chụp hình “check-in”. Để cải tạo Công viên Diên Hồng, TP. Pleiku đã rót hơn 31 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục chính như: Bờ kè, lan can bờ hồ, đường dạo quanh hồ, nâng cấp mở rộng đường chính, lát đá bazan một số vị trí, nhà vệ sinh, hệ thống điện chiếu sáng, cống dẫn nước thải, bãi đậu xe, cầu dạo bộ… Với sự đầu tư đó, Công viên Diên Hồng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vui chơi, giải trí phong phú, đa dạng của người dân địa phương.

hạ tầng du lịch
Công viên Diên Hồng trở thành toạ độ thu hút du khách, đặc biệt là giới trẻ tới chụp hình “check-in”

Không những Công viên Diên Hồng, trong năm 2024, TP. Pleiku đã đầu tư chỉnh trang, nâng cấp vỉa hè 12 tuyến đường gồm: Hoàng Văn Thụ, Chi Lăng, Nguyễn Hữu Huân, Phạm Văn Đồng, Lê Lợi, Nguyễn Viết Xuân, Trần Khánh Dư, Cù Chính Lan, Võ Thị Sáu, Nguyễn Thái Học, Đào Duy Từ, Nguyễn Thị Định. Tổng chiều dài là 11,642 km, diện tích vỉa hè 64.648 m2 với tổng kinh phí hơn 143 tỷ đồng. Việc thay mới đá lát vỉa hè đã mang lại một diện mạo khang trang hơn cho TP. Pleiku.

Nằm trong chiến lược dài hạn tạo động lực thúc đẩy du lịch Pleiku phát triển và đang được TP. Pleiku đầu tư, triển khai là dự án phố ẩm thực đêm trên đường Nguyễn Thiện Thuật-Trần Phú. Phố ẩm thực đêm không chỉ thỏa mãn nhu cầu ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí của người dân mà còn hứa hẹn là một trong những điểm đến sầm uất nhất trên địa bàn thành phố khi hoàn thành và đi vào hoạt động.

Ông Hoàng Minh Nghĩa - Trưởng phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị TP. Pleiku - thông tin: Để hình thành phố ẩm thực đêm, TP. Pleiku đầu tư 16,9 tỷ đồng cho công tác chỉnh trang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Trong đó, có các hạng mục như: Thảm nhựa bê tông mặt bằng 5.800 m2 làm bãi đậu xe đường Nguyễn Thiện Thuật - Trần Phú; làm 2 nhà vệ sinh công cộng, 1 nhà điều hành 2 tầng; mái che di động phục vụ hoạt động kinh doanh khoảng 1.600 m2; công trình hạ tầng kỹ thuật, điện sinh hoạt, chiếu sáng; cổng trang trí và các hạng mục khác. Đồng thời, tiến hành thảm nhựa đường Nguyễn Thiện Thuật (đoạn từ đường Lê Lai đến đường Hoàng Văn Thụ).

hạ tầng du lịch
Dự án phố ẩm thực đêm hứa hẹn là một trong những điểm đến sầm uất nhất trên địa bàn thành phố khi hoàn thành và đi vào hoạt động

Dự kiến, đến tháng 5/2025, TP. Pleiku sẽ bố trí, sắp xếp các gian hàng theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tiến hành bố trí, sắp xếp 73 gian hàng tại khu vực bến xe nhỏ đường Nguyễn Thiện Thuật - Trần Phú và được chia thành 2 khu vực.

Khu vực A dành cho kinh doanh ẩm thực có 54 gian hàng. Trong đó, các tiểu thương tự trang bị xe lưu động, bàn ghế theo vị trí được bố trí. Xe lưu động được thiết kế cùng một quy cách, kích cỡ; thiết kế các hình ảnh, logo có tính thẩm mỹ cao, đèn led bắt mắt thu hút được sự quan tâm và thích thú cho mọi lứa tuổi khách hàng đến tham quan và thưởng thức món ăn.

Khu vực B có 19 gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng, hàng lưu niệm. Giai đoạn 2, thực hiện bố trí, sắp xếp 20 gian hàng tại đường Nguyễn Thiện Thuật (đoạn từ đường Lê Lai đến đường Hoàng Văn Thụ). Các gian hàng này kinh doanh quần áo, giày dép các loại, đặc biệt là mặt hàng đồ lưu niệm, đặc sản và sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: Gùi, quả bầu, chuông gió, mô hình nhà sàn hay các sản phẩm thổ cẩm như túi, ví, áo, váy…

Đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng

Du lịch đêm không chỉ đem lại lợi ích kinh tế, tăng chi tiêu du khách, kéo dài thời gian lưu trú mà còn góp phần quan trọng để đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hấp dẫn du khách và lan tỏa giá trị bản sắc văn hóa địa phương. Với mục tiêu đưa du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, UBND tỉnh Gia Lai vừa có dự thảo Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Đề án phát triển sản phẩm du lịch đêm với định hướng ưu tiên phát triển trung tâm TP. Pleiku thành khu vực phát triển sản phẩm du lịch đêm của tỉnh; phát triển sản phẩm du lịch đêm đa dạng, đặc sắc, bền vững, có chất lượng và giá trị gia tăng cao. Dự thảo xác định 3 địa điểm để phát triển dịch vụ ban đêm thu hút khách du lịch gồm: khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết-bãi giữ xe đường Anh Hùng Núp; tuyến đường Phùng Hưng-tuyến đường dọc suối Hội Phú và bến xe nhỏ (cũ) tại phường Diên Hồng.

hạ tầng du lịch
Khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết là một trong 3 địa điểm nằm trong đề án phát triển dịch vụ ban đêm thu hút khách du lịch

Các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm gồm hoạt động biểu diễn văn hóa-nghệ thuật và giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm. Khu vực Quảng trường Đại Đoàn Kết và bãi giữ xe đường Anh Hùng Núp là nơi diễn ra chương trình biểu diễn cồng chiêng, âm nhạc đường phố, ca nhạc phục vụ các ngày lễ lớn của đất nước; chương trình nghệ thuật quần chúng của các phường xã, chương trình dân vũ của học sinh, sinh viên…

Ngoài ra, du khách còn được trải nghiệm các dịch vụ bổ trợ như: mua sắm, tham quan các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm hàng hóa vùng miền, sản phẩm nghề truyền thống; tham gia các sự kiện, vui chơi giải trí tổng hợp về đêm có tính chất thường kỳ.

Tại phố đi bộ trên tuyến đường Phùng Hưng, chợ đêm tại tuyến đường dọc suối Hội Phú và phố ẩm thực ban đêm tại bến xe nhỏ cũ (phường Diên Hồng), người dân và du khách được trải nghiệm ẩm thực truyền thống, đặc trưng của Gia Lai, ẩm thực hiện đại, ẩm thực đường phố… cùng dịch vụ mua sắm, hoạt động thể thao, làm đẹp và các dịch vụ giải trí phù hợp khác.

hạ tầng du lịch
Biểu diễn cồng chiêng cuối tuần hiện đang là một trong những hoạt động thu hút khách du lịch khám phá khi đến với phố núi Pleiku.

Trên cơ sở đó, tỉnh Gia Lai sẽ đầu tư những công trình công cộng, cơ sở vật chất liên quan hỗ trợ cho việc hình thành các dịch vụ ban đêm như: Không gian trình diễn, sân khấu ca nhạc ngoài trời, trung tâm hỗ trợ thông tin cho du khách... và kêu gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp vào cuộc.

Bà Hoàng Thị Minh Bình - Phó Chủ tịch UBND TP. Pleiku - cho biết: “Thời gian tới, UBND TP. Pleiku sẽ phối hợp với các sở, ngành tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm OCOP để phục vụ người dân và du khách. Cùng với đó, tăng cường quảng bá, kết nối du lịch, phối hợp với các đơn vị thiết kế các tour, tuyến, điểm, khu du lịch để khai thác hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ của kinh tế ban đêm”.

Năm 2025, Gia Lai đặt mục tiêu đón 1,7 triệu lượt khách, doanh thu 950 tỉ đồng. UBND tỉnh định hướng đầu tư vào hai cụm du lịch chính.

Cụm phía Đông gắn với du lịch sinh thái Khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng, liên kết rừng, biển với Bình Định.

Cụm phía Tây quy hoạch khu du lịch Biển Hồ - núi lửa Chư Đang Ya, kết nối với sông Sê San, thủy điện Ialy và mở rộng liên kết với Kon Tum.

Bài và ảnh: Hiền Mai

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục