Cách nhận biết dấu hiệu trẻ bị bạo lực học đường?

(Banker.vn) Bạo lực học đường ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, sức khoẻ của trẻ. Thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng. Vậy cách nào nhận biết trẻ đang bị bạo lực học đường?
Làm sao bảo vệ được học sinh trước nạn bạo lực học đường? Từ vụ nữ sinh trường chuyên tự tử: Cần có chuyên gia tâm lý trong nhà trường

Theo các chuyên gia, trẻ bị bạo lực học đường thường có một số biểu hiện sau đây:

Áo quần, sách vở, đồ dùng bị rách, mất hay hủy hoại khi đi học về;

Trên cơ thể có vết cắt, cào, bầm tím không giải thích được;

Có ít bạn bè chơi đùa; hoặc đột ngột bị các bạn bè lảng tránh, cắt quan hệ;

Sợ đi học, sợ đi bộ đến trường và về nhà, né tránh tham gia sinh hoạt có tổ chức với bạn bè; đi đường vòng để đến trường hay về nhà.

Biểu hiện lời nói, hành vi bạo lực hoặc tự ti

Không còn hứng thú học bài, học sút không rõ nguyên nhân. Vui buồn bất thường, hay khóc hoặc lầm lì khi từ trường về.

Thường xuyên than nhức đầu, đau bụng hay các triệu chứng bệnh khác không có nguyên do. Khó ngủ và thường xuyên bị ác mộng; ăn không ngon; bất an và giảm lòng tự tin.

Bạo lực học đường. Ảnh minh hoạ
Bạo lực học đường. Ảnh minh hoạ

Các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng khuyến cáo, khi phát hiện trẻ bị bạo học đường, đầu tiên cha mẹ cần làm là bảo đảm con được để mắt và an toàn; lắng nghe và chia sẻ, hỏi rõ điều gì đã xảy ra, ở đâu, khi nào, có bao nhiêu người ở tình trạng giống con.

Cùng với đó, phải dự báo được những nguy cơ có thể tiếp diễn, những hành vi leo thang có thể xảy ra.

Cha mẹ cũng cần báo cáo với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường, đề nghị phối hợp giám sát. Đồng thời, tìm kiếm sự hỗ trợ tâm lý từ chuyên gia. Làm việc với nhóm bắt nạt, yêu cầu hỗ trợ tâm lý cho kẻ bắt nạt …

Nhà trường và gia đình cần phối hợp dạy trẻ kỹ năng ứng phó với bạo lực học đường, trong đó trẻ cần được hướng dẫn kỹ năng kiểm soát cảm xúc, giải quyết vấn đề, rà soát các ý tưởng tự hại hoặc tự sát. Cung cấp kiến thức để con hình thành thói quen vệ sinh sức khỏe tâm thần.

Các nhà trường cần thiết lập một hệ thống sàng lọc định kỳ để xác định được học sinh nào đang có những vấn đề tổn thương sức khỏe tinh thần, có nguy cơ về các vấn đề tâm lý, hay vấn đề hành vi có thể dẫn đến bạo lực. Bên cạnh đó, cần xây dựng một quy trình thuận lợi từ tiếp nhận, xử lý thông tin để mọi người khiếu nại về các hành vi thiếu thân thiện hoặc bạo lực trong nhà trường.

PV

Theo: Báo Công Thương