Cách nào để Kinh Bắc (KBC) chinh phục lợi nhuận kỷ lục 4.000 tỷ đồng?

(Banker.vn) Năm 2023, Kinh Bắc (KBC) xây dựng mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 9.000 tỷ đồng, cao hơn 6,5 lần so với kết quả đạt được; chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần và cũng là mức lãi cao chưa từng thấy trong lịch sử hoạt động.
Cách nào để Kinh Bắc (KBC) chinh phục lợi nhuận kỷ lục 4.000 tỷ đồng?
Nhiều người đang không khỏi hoài nghi và lo ngại về tính khả thi, tính thực tế cũng như khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh tham vọng trong năm 2023 của Kinh Bắc.

Trong báo cáo thường niên 2022 công bố vào tháng 4/2023, trái ngược với những diễn biến tiêu cực của năm trước, Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc - CTCP (HOSE: KBC) đã gây chú ý khi tiết lộ kế hoạch kinh doanh đầy táo bạo trong năm 2023.

Khi đó, việc Kinh Bắc xây dựng mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 9.000 tỷ đồng, cao hơn 6,5 lần so với kết quả đạt được; ấn tượng hơn, Kinh Bắc còn đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế hợp nhất đến 4.000 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần và cũng là mức lãi cao chưa từng thấy trong lịch sử hoạt động.

Mới đây, trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vừa công bố, kế hoạch kinh doanh tham vọng trên đã được HĐQT Kinh Bắc đề cập trong tờ trình gửi cổ đông, chờ bỏ phiếu tán thành, chấp thuận vào ngày 23/6 tới.

Sẽ là hợp lý nếu 2022 là kỳ kinh doanh thuận lợi, khởi sắc tạo tiền đề cơ sở cho ban lãnh đạo tự tin vào một năm mới đại thành công. Vậy nhưng, thực tế 2022 lại là năm thất thu đáng quên của "ông lớn" khu công nghiệp này khi chứng kiến doanh thu và lợi nhuận cốt lõi đồng loạt giảm rất mạnh.

Giả định, nếu Kinh Bắc không thực hiện nghiệp vụ "mua rẻ" tài sản và định giá lại khoản đầu tư vào Công ty CP Đầu tư Sài Gòn Đà Nẵng, thì nhiều khả năng doanh nghiệp sẽ phải chịu lỗ, chứ khó có thể đạt con số lợi nhuận sau thuế khá "đẹp" - hơn 1.570 tỷ đồng như trong báo cáo.

Cần lưu ý rằng, dòng tiền thuần kinh doanh nói riêng và tổng dòng tiền cuối năm 2022 của Kinh Bắc cũng đều âm từ vài trăm đến cả nghìn tỷ đồng.

Vì vậy, nhiều người đang không khỏi hoài nghi và lo ngại về tính khả thi, tính thực tế cũng như khả năng thực hiện kế hoạch kinh doanh tham vọng trong năm 2023 của Kinh Bắc.

Kinh Bắc sẽ làm gì?

Đi kèm với tờ trình kế hoạch kinh doanh, HĐQT Kinh Bắc chia sẻ về chiến lược phát triển trong năm 2023, với việc tập trung triển khai các dự án trọng điểm như tiếp tục đền bù và hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các dự án KCN Nam Sơn - Hạp Lĩnh, KCN Quang Châu mở rộng và KCN Tân Phú Trung.

Đồng thời, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoàn thiện phê duyệt và chấp thuận chủ trương đầu tư cho dự án KCN Tràng Duệ 3 dự kiến vào quý III/2023.

Về mảng bất động sản thương mại, Kinh Bắc sẽ hoàn thiện và bàn giao các căn biệt thự tại KĐT Tràng Duệ; triển khai san lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng tại KĐT Tràng Cát; hoàn thiện thủ tục pháp lý để bàn giao cho nhà đầu tư đã đặt chỗ tại KĐT Phúc Ninh.

Đối với các dự án nhà ở xã hội và khu tái định cư: Kinh Bắc sẽ triển khai phương án đầu tư xây dựng và thu xếp vốn cho các dự án nhà ở xã hội trong KĐT Tràng Duệ, Khu dân cư Tân Phú Trung, các khu tái định cư ở Long An. Đồng thời, doanh nghiệp cũng sẽ quản lý và phát triển dự án nhà ở xã hội tại thị trấn Nếnh - Bắc Giang.

Ngoài ra, Kinh Bắc còn triển khai chiến lược kinh doanh mới với 2 dự án nhà máy điện từ Quảng Yên và nhà máy phụ tùng động cơ máy nông nghiệp tại Quảng Ninh với tổng quy mô 60,7 ha. Dự án đang trong giai đoạn đền bù, giải phóng mặt bằng và san lấp.

Một nội dung đáng chú ý, đó là HĐQT Kinh Bắc đã nhất trí giao Ban Tổng giám đốc chủ động xây dựng các kế hoạch quản lý dòng tiền, thu xếp vốn phù hợp để ưu tiên thanh toán đúng hạn và mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu còn dư nợ tại thời điểm 31/12/2022.

Ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2022, dư nợ trái phiếu của Kinh Bắc vào cuối năm ngoái còn 3.900 tỷ đồng. Theo số liệu mới nhất, tại ngày 31/3/2023, con số này đã giảm còn 2.500 tỷ đồng sau nhiều đợt mua lại trái phiếu trước hạn của doanh nghiệp.

Cách nào để Kinh Bắc (KBC) chinh phục lợi nhuận kỷ lục 4.000 tỷ đồng?
Kinh Bắc sở hữu quỹ đất rộng lớn trải dài từ Bắc chí Nam.

Liên quan đến kế hoạch kinh doanh, hết quý I/2023, Kinh Bắc ghi nhận doanh thu đạt hơn 2.223 tỷ đồng, tăng gấp 3,2 lần cùng kỳ và là mức cao nhất trong một quý kể từ khi hoạt động. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp lãi ròng hơn 1.056 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ. Với kết quả này, Kinh Bắc đã hoàn thành hơn 26% kế hoạch lợi nhuận dự kiến.

Được biết, tình hình làm ăn của Kinh Bắc có sự chuyển biến tốt là nhờ bàn giao 60 ha đất tại KCN Quang Châu - Bắc Giang (sở hữu 88,06%), ngoài ra doanh nghiệp còn ghi nhận thêm khoản lãi 108 tỷ đồng từ chuyển nhượng công ty con.

Trong ba tháng đầu năm, Kinh Bắc cho biết đã ký biên bản ghi nhớ cho phía Goertek thuê 62,7ha đất tại KCN Nam Sơn Hạp Lĩnh, hiện đã thu 20% tiền cọc từ khách hàng và phần còn lại sẽ thu trong tháng 6 này.

Goertek cũng thuê thêm 17ha đất từ Kinh Bắc tại Tân Phú Trung, TP.HCM. Theo dự báo của giới phân tích, với mức giá thuê ước tính 160 USD/m2 tại KCN Nam Sơn Hợp Lĩnh và 250 USD/m2 tại KCN Tân Phú Trung, Kinh Bắc có thể thu về dòng tiền khoảng 3.400 tỷ đồng sau khi bàn giao, giúp cải thiện phần nào bảng cân đối của doanh nghiệp hiện tại.

Kinh Bắc (KBC) lùi phương án mua lại cổ phiếu quỹ, khối lượng mua chỉ còn phân nửa

HĐQT Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (HOSE: KBC) vừa quyết định điều chỉnh và thông qua phương án triển khai mua ...

Kinh Bắc (KBC) rút hồ sơ mua lại 50 triệu cổ phiếu quỹ

Sau khi nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc – CTCP (HOSE: KBC) ...

Dragon Capital mua vào hơn 1 triệu cổ phiếu Đô thị Kinh Bắc (KBC)

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh 2 tháng gần đây, thị giá KBC có diễn biến tích cực hơn và đang giao dịch ...

Thanh Phong

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán