Tình trạng thiếu thanh khoản nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 đã thúc đẩy một số nền kinh tế ASEAN + 3 bắt đầu triển khai các thỏa thuận hoán đổi song phương (Bilateral Swap Agreement -BSA) với các nước trong hoặc ngoài nhóm. Các BSA này có tiềm năng bổ sung các biện pháp bảo vệ thanh khoản được cung cấp bởi các cơ chế của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ đa phương của riêng khu vực ASEAN+3 với trị giá 240 tỷ USD theo Sáng kiến Đa phương hóa sáng kiến Chiang Mai (CMIM).
BSA và CMIM có cùng mục tiêu là cung cấp hỗ trợ thanh khoản ngắn hạn. Cả hai đều có thể giúp củng cố nền kinh tế ASEAN + 3.
BSA trong khu vực
Hiện tại, tổng số BSA nội khối ASEAN + 3 đạt xấp xỉ 381,6 tỷ USD, tăng 15% so với cuối năm 2020, với quy mô lớn là từ các thỏa thuận hoán đổi của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc với Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và Ngân hàng Trung ương Indonesia.
Hơn 90% giao dịch hoán đổi được sắp xếp bằng nội tệ. BSA có thể được bắt đầu dựa trên các mục tiêu đa dạng và phụ thuộc vào lợi ích chung của cả hai bên. Nói chung, BSA phục vụ cho việc 1) giảm bớt áp lực lên thị trường tài trợ tiền tệ, 2) giảm thiểu nhu cầu cán cân thanh toán, 3) tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, và / hoặc 4) thúc đẩy quốc tế hóa tiền tệ.
Thông thường, các giao dịch hoán đổi giữa Bộ Tài chính Nhật Bản và các thị trường mới nổi ASEAN là ví dụ về cách BSA phục vụ hai mục đích đầu tiên, vì chúng cung cấp hỗ trợ thanh khoản bằng đô la Mỹ. Trong khi đó, giao dịch hoán đổi của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản với các quốc gia đối tác được thiết kế để phục vụ mục đích đầu tiên, nếu các tổ chức tài chính đồng cấp gặp khó khăn bất ngờ trong việc thanh toán bằng nội tệ. Đối với Trung Quốc, BSA phù hợp hơn trong việc phục vụ hai mục tiêu cuối cùng, ngoài việc ổn định thị trường tài chính và mong muốn sử dụng nội tệ.
Ngược lại, hoán đổi giữa các nước ASEAN-5 (Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan) nêu bật các mục tiêu tạo thuận lợi cho việc thanh toán bằng đồng nội tệ trong thương mại và đầu tư và ổn định thị trường tài chính; do sự hội nhập sâu hơn về thương mại và tài chính giữa các nền kinh tế như vậy, như được thấy bởi thỏa thuận hoán đổi giữa Ngân hàng Trung ương Indonesia và Ngân hàng Trung ương Malaysia - Negara Malaysia, và thỏa thuận giữa Ngân hàng Trung ương Indonesia và Cơ quan tiền tệ Singapore - MAS.
Trong khi quy mô của các BSA đã tăng lên thì mức độ bao phủ lại không đồng đều và chủ yếu tập trung ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN-5. CHDCND Lào đã có thỏa thuận hoán đổi với Trung Quốc, nhưng Brunei, Campuchia, Myanmar và Việt Nam vẫn chưa tham gia vào hợp tác BSA. Nhìn chung, việc không có các liên kết thương mại và tài chính quan trọng có thể dẫn đến việc thiếu các quan hệ đối tác của BSA.
Một số nền kinh tế ASEAN + 3 cũng đã bắt đầu thực hiện các thỏa thuận hoán đổi với các nước ngoài khu vực, bằng đô la Mỹ hoặc nội tệ, với tổng trị giá xấp xỉ 411 tỷ USD nhằm tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư, cung cấp thanh khoản cho thị trường tài chính hoặc ổn định tài chính.
Các tính năng nổi bật của BSA
BSA trên toàn cầu đã tăng đáng kể sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đạt tổng trị giá 1,89 nghìn tỷ USD vào năm 2020 từ mức 6 tỷ USD năm 2000. Dưới đây là một số đặc điểm nổi bật của BSA.
• Phục vụ các mục tiêu đa dạng. Động cơ của BSA rất đa dạng. Thông thường, BSA được thành lập phù hợp với nhu cầu cụ thể của các quốc gia thực hiện.
• Gửi các tín hiệu mạnh cho thị trường. Các BSA có thể được thiết lập bất cứ lúc nào, giúp xoa dịu thị trường trong thời điểm căng thẳng và góp phần ổn định tài chính. BSA cũng đóng vai trò là “điểm dừng” thanh khoản ngay cả đối với các quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn. Ví dụ: các dòng hoán đổi của Fed trong thời gian bắt đầu cuộc khủng hoảng COVID-19 đã giúp giảm bớt căng thẳng trên thị trường tài trợ bằng đô la Mỹ toàn cầu.
• Khả năng mở rộng. Khi đã có sẵn, quy mô của một số thỏa thuận hoán đổi có thể được thay đổi tương đối dễ dàng để đáp ứng các điều kiện thay đổi và rất hữu ích cho các quốc gia dự đoán các tình huống bất trắc bên ngoài.
• Linh hoạt và sẵn có, nhưng ít tính dự đoán hơn. Do tính chất song phương của BSA, các phương thức hoán đổi có thể linh hoạt và sẵn có, nhưng khó dự đoán hơn khi so sánh với các lớp khác của mạng an toàn tài chính toàn cầu, xét về thời hạn và rủi ro đối tác trong việc cung cấp thanh khoản.
• Các điều kiện khác nhau. Hợp tác song phương dựa trên việc thực hiện lợi ích chung của các nước thực hiện. Do đó, BSA có thể đi kèm với các điều kiện khác nhau so với các lớp khác của mạng an toàn tài chính toàn cầu, làm dấy lên lo ngại về khả năng thiếu minh bạch / dữ liệu có sẵn để đóng góp vào mạng an toàn tài chính toàn cầu.
Hải Yến
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|