Các nước có sức ảnh hưởng lớn trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và liên minh bao gồm Saudi Arabia, Nga và một số nước khác sẽ vẫn kéo dài việc cắt giảm sản lượng tự nguyện đến cuối quý II/2024.
Saudi Arabia sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng tự nguyện khoảng 1 triệu thùng/ngày cho đến cuối quý II/2024, theo cơ quan báo chí nhà nước Saudi Arabia viện dẫn nguồn tin từ Bộ Năng lượng nước này.
Sản lượng dầu thô của Saudi Arabia ước tính khoảng 9 triệu thùng/ngày tính đến cuối tháng 6/2024.
Nga sẽ thu hẹp quy mô sản xuất và xuất khẩu ước tính khoảng 471.000 thùng dầu/ngày cho đến cuối tháng 6/2024, theo Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak. Moscow trước đây đã tự nguyện giảm nguồn cung khoảng 500.000 thùng/ngày trong quý đầu năm.
Những nước sản xuất dầu chủ chốt trong OPEC ví như Iraq hay UAE cũng công bố sẽ kéo dài việc cắt giảm sản lượng tự nguyện ước tính khoảng 220.000 thùng/ngày và 163.000 thùng/ngày cho đến cuối quý II/2024.
Tháng 11/2024, nhóm các nước OPEC+ đã thống nhất về chính sách giảm tổng sản lượng ước tính khoảng 2 triệu thùng dầu/ngày cho đến cuối năm 2024. Độc lập với quyết định của OPEC+, một số nước như Saudi Arabia và Nga thông báo họ sẽ tự nguyện cắt giảm nguồn cung khoảng 2,2 triệu thùng dầu/ngày cho đến cuối quý I/2024.
Bất chấp các biện pháp hạ sản lượng của OPEC+ cũng như căng thẳng địa chính trị Trung Đông tiếp diễn, giá dầu trên thị trường thế giới dao động chủ yếu quanh ngưỡng hẹp từ 75 USD đến 85 USD/thùng tính từ đầu năm nay.
Không giống những động thái thay đổi chính sách truyền thống, các biện pháp cắt giảm sản lượng tự nguyện không cần đến sự đồng thuận trong cuộc họp chính thức.
Buổi họp bàn chính sách tiếp theo của OPEC+ diễn ra vào tháng 6/2024.
Phó Chủ tịch của hãng tư vấn Rystad Energy, ông Jorge Leon, nhận xét, quyết định gia hạn thỏa thuận tự nguyện giảm sản lượng cho thấy sự đoàn kết mạnh mẽ của OPEC, điều từng bị hoài nghi sau khi Angola rút khỏi tổ chức này vào tháng 11.
Bà Amrita Sen, người sáng lập hãng tư vấn năng lượng Energy Aspects nhận định, OPEC+ đang nỗ lực cân bằng cung cầu trên thị trường. “Giá dầu đã ổn định hơn nhưng họ muốn đảm bảo sự ổn định này tiếp tục duy trì”, bà nói.
Saudi Arabia cần giá dầu ở mức gần 100 USD/thùng để tài trợ cho chương trình cải cách kinh tế đầy tham vọng của Thái tử Mohammed bin Salman và Thủ tướng Saudi Arabia. Tuy nhiên, nỗ lực cắt giảm sản xuất dầu của nước này không được Mỹ hoan nghênh vì Washington lo ngại ảnh hưởng đến lạm phát.
Đầu năm nay, trong một động thái đảo ngược chính sách gây chú ý, Saudi Aramco, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Saudi Arabia thông báo hủy bỏ kế hoạch mở rộng công suất sản xuất dầu hàng ngày từ mức 12 triệu lên 13 triệu thùng/ngày vào năm 2027.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman sau đó giải thích rằng, quyết định được đưa ra để phản ứng với quá trình chuyển đổi xanh đang diễn ra nhanh chóng. Ông nhấn mạnh, tương lai của an ninh năng lượng gắn liền với năng lượng tái tạo.
Đăng Tuấn
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|