Các nước cấm xuất khẩu gạo; doanh nghiệp Việt được khuyến nghị hạn chế bán, tăng mua dự trữ

(Banker.vn) Trước thông tin các nước cấm xuất khẩu gạo, VFA cho rằng, doanh nghiệp Việt cần hạn chế bán, tập trung mua hàng để đảm bảo lượng tồn kho cũng như tránh rủi ro.
Tại sao lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ lại tác động quan trọng đối với thương mại toàn cầu? Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo: UAE ứng phó ra sao? Ấn Độ tiếp tục siết chặt nguồn cung nội địa sau lệnh cấm xuất khẩu gạo

Giá gạo toàn cầu “nhảy múa” theo lệnh cấm của các nước

Theo dự báo của các tổ chức nông nghiệp, năm 2023 sản lượng gạo toàn cầu sẽ thiếu hụt nghiêm trọng. Cụ thể, trong một dự báo mới đây được đưa ra bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này đã điều chỉnh sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2022/2023 từ mức 512 triệu tấn xuống còn 508 triệu tấn do điều kiện thời tiết khắc nghiệt đe dọa năng suất cây trồng ở các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan.

Thực tế sự thiếu hụt này hoàn toàn có cơ sở khi Ấn Độ - quốc gia có nguồn cung gạo lớn nhất thế giới với trên 40% thị phần toàn cầu đã chính thức đưa ra lệnh cấm xuất khẩu gạo vào ngày 20/7/2023. Lệnh cấm này được dự báo sẽ đẩy giá gạo toàn cầu vốn đang ở mức cao tiếp tục tăng thêm.

Cụ thể, ngày 21/7, giá gạo 5% tấm của Thái Lan tăng 6 USD/tấn, lên mức 541 USD/ và gạo của Việt Nam cũng tăng lên mức 533 USD/tấn. Các ngày sau đó, gạo xuất khẩu của Việt Nam và Thái Lan cũng liên tục được chào bán ở mức phiên sau cao hơn phiên trước.

Đặc biệt, gần đây nhất - khi cả Nga và UAE thông báo ngừng bán gạo ra nước ngoài đã đẩy giá gạo tăng cao thêm một mức mới. Theo đó, chốt phiên giao dịch ngày 31/7, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang được chào bán 568 USD/ tấn và là mức cao nhất trong hơn 10 năm trở lại đây. Trong khi đó, gạo cùng loại của Thái Lan đang được chào bán ở mức 603 USD/tấn và gạo của Pakistan cũng ở mức 533 USD/ tấn (tăng gần 100 USD/tấn so với thời điểm tháng 6/2023).

“Ấn Độ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới khi chiếm tới 40% nên bất kỳ động thái nào từ quốc gia này chắc chắn ảnh hưởng lớn đến toàn cầu, đặc biệt là với những nước sử dụng nhiều gạo làm lương thực tiêu dùng. Chính vì vậy khi quốc gia này cấm xuất khẩu đã gây tác động lớn lên thị trường lương thực toàn cầu, dẫn đến việc giá cả biến động mạnh”- ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đánh giá.

Cũng theo ông Nam, động thái cấm xuất khẩu của các quốc gia trên thế giới đang có tác động lớn tới giá gạo Việt Nam. Cụ thể là các nước nhập khẩu khi nghe thông tin Ấn Độ cấm xuất khẩu đã trực tiếp liên hệ với doanh nghiệp Việt Nam và đưa ra giá cao hơn để mua. Từ đó tác động đến thị trường gạo trong nước và đẩy giá lúa, giá gạo ở nội địa lên cao trong những ngày qua.

Các nước cấm xuất khẩu gạo, doanh nghiệp Việt hạn chế bán, tăng mua dự trữ
Thị trường lúa gạo Việt Nam đã có biến động mạnh kể từ sau lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ được ban hành.

Chưa dám ký kết hợp đồng mới

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An- chia sẻ rằng, trong thời điểm giá gạo toàn cầu đang có xu hướng “nhảy múa” như hiện nay các doanh nghiệp rất thận trọng trong việc ký kết hợp đồng mới.

Chỉ ra nguyên nhân, ông Bình cho biết, khi giá thế giới tăng, giá trong nước cũng tăng cao, thậm chí giá lúa còn tăng nhanh hơn giá xuất khẩu. “Hiện giá lúa đang mua bình quân 7.000 đồng/kg. Với giá này nếu đem xuất khẩu phải trên 600 USD/tấn doanh nghiệp mới có lãi. Trong khi đó, giá chào bán gạo xuất khẩu của Việt Nam dù đã tăng mạnh nhưng chỉ ở mức dưới 600 USD”- ông Bình cho biết.

Cũng theo ông Bình, hiện Trung An chưa ký kết thêm hợp đồng mới mà chủ yếu đang tập trung vào các hợp đồng cũ đã được ký kết trước đó, đồng thời tập trung thu mua lúa theo cam kết với người nông dân.

Đồng quan điểm, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice nói rằng, công ty này cũng chưa vội ký kết hợp đồng mới vì lo ngại rủi ro bởi giá lúa trong nước hiện ở mức cao.

Nói về những băn khoăn của các doanh nghiệp, ông Đỗ Hà Nam cho rằng, việc tăng giá đột ngột như hiện nay đã khiến các doanh nghiệp Việt Nam thận trọng hơn trong ký kết hợp đồng bởi họ chưa xác định được giá sẽ tăng ở mức độ nào.

“Theo chúng tôi dự báo thì thị trường lúa gạo toàn cầu ở trong trạng thái cung không đủ cầu. Dù vậy đây là thời điểm giá gạo khó đoán định, chính vì vậy doanh nghiệp phải thận trọng hơn trong các hợp đồng mới. Hạn chế bán, tập trung mua hàng để đảm bảo lượng tồn kho cũng như tránh rủi ro và hỗ trợ cho người nông dân”- ông Nam nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nam, rất nhiều thông tin cho rằng Việt Nam có thể xuất vượt 7 triệu tấn gạo trong năm nay nhưng nếu nhìn vào nguồn VFA nhận thấy không có nhiều. Do đó VFA dự báo năm nay xuất khẩu cũng chỉ tương đương năm ngoái - tức là khoảng 6,5 triệu tấn.

Thùy Dương

Theo: Báo Công Thương