Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), cùng với việc Anh tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đã và đang tạo thêm lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có cà phê. Ông Nguyễn Cảnh Cường – nguyên Tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh đã có những chia sẻ với Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Sau hơn hai năm thực thi, bất chấp các khó khăn, UKVFTA đã mang lại những tác động tích cực đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Ông có thể chia sẻ về tình hình hàng hoá, trong đó có cà phê Việt Nam đã có chỗ đứng như thế nào tại thị trường Vương quốc Anh?
Tôi rất vui mừng nhận thấy Hiệp định UKVFTA có những tác động rất tích cực và cụ thể giúp doanh nghiệp Việt Nam gia tăng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Anh.
Ông Nguyễn Cảnh Cường – nguyên tham tán thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh |
Trong hai năm qua, tổng kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam sang Anh đã đạt xấp xỉ 6 tỷ bảng Anh. Trong đó, cà phê là một trong những sản phẩm đạt được kim ngạch rất cao. Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu được 90,8 triệu USD cà phê sang Anh, tăng 61,1% so với năm 2021. 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cà phê Việt Nam sang Anh đạt 58,1 triệu USD. Đây là những con số biết nói.
Với mức độ phổ biến của cà phê tại Anh dự báo ngành công nghiệp cà phê ở Anh đang có những xu hướng phát triển mới và những xu hướng này sẽ tạo ra những cơ hội mới cho cà phê Việt Nam.
Ví dụ như cà phê uống lạnh có gia tăng thị phần so với cà phê nóng, yêu cầu về cà phê giao hàng trực tuyến, người tiêu dùng yêu cầu loại cà phê tốt cho sức khỏe, yêu cầu về ăn kiêng, hay các yêu cầu về cà phê dành cho đối tượng dân số trẻ… Những xu hướng đó đang tạo ra thị trường ngày càng lớn cho cà phê Việt Nam.
Bên cạnh đó, Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã đưa thuế nhập khẩu xuống 0% đối với hơn 90% các dòng sản phẩm của Việt Nam sang Anh, trong đó có cà phê. Đây cũng là một điều kiện thuận lợi do trước đây doanh nghiệp cà phê Việt Nam không có và lợi thế so sánh cà phê Việt Nam tại Anh; hay so với cà phê cùng loại từ những nước chưa có FTA với Anh đã giúp cho cà phê Việt Nam có ưu thế cạnh tranh rõ rệt và doanh nghiệp Việt Nam không nên và không thể bỏ lỡ.
Tuy nhiên, điều kiện thuận lợi về thị trường, thuế quan mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ, các doanh nghiệp Việt Nam muốn tận dụng thuận lợi về tiếp cận thị trường đó phải có chiến lược marketing, chiến lược thương hiệu phù hợp.
Các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài được coi là “cánh tay nối dài” để đưa hàng Việt tiếp cận thị trường thế giới. Xin ông cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đã có những hỗ trợ như thế nào để gỡ khó cho doanh nghiệp đưa cà phê lên kệ siêu thị tại thị trường này?
Có thể nói, cà phê là niềm tự hào của Việt Nam, đi đến đâu người ta cũng biết cà phê Việt Nam hiện nay đứng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau Brazil. Xét về thời gian, ngành cà phê Việt Nam mới phát triển được trong vòng 20 năm trở lại đây, trong khi đó ngành cà phê Brazil đã phát triển được hơn 100 năm. Như vậy, có thể thấy sự phát triển của ngành cà phê Việt Nam là rất ngoạn mục và thị phần cà phê của Việt Nam ở Anh không phải là nhỏ, nhưng chủ yếu chúng ta vẫn xuất khẩu cà phê nhân, cà phê xanh, chưa xuất khẩu được cà phê thành phẩm.
Thương vụ Việt Nam tại Vương quốc Anh đã hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá sản phẩm, trong đó có quảng bá cà phê tại các hội chợ thực phẩm đồ uống ở London, Birmingham… những thành phố công nghiệp lớn của nước Anh để đưa cà phê thành phẩm của Việt Nam đến người tiêu dùng, nhà phân phối, nhà bán lẻ, nhà bán buôn nước này. Tuy nhiên, thành công, hiệu quả của việc đưa thành phẩm của cà phê Việt Nam lên kệ siêu thị đến người tiêu dùng Anh chưa nhiều vì doanh nghiệp Việt Nam làm thương hiệu tại Châu Âu và nước Anh nói chung chưa trúng, chưa đúng với kì vọng, thị hiếu, văn hóa uống cà phê của người Anh.
Về câu chuyện thương hiệu, Việt Nam có Công ty TNHH Vĩnh Hiệp đã chọn thương hiệu cà phê L'amant để đưa ra thị trường nước ngoài. Cá nhân tôi cho rằng, đây là thương hiệu đầy triển vọng. Thương hiệu cà phê L'amant có thể coi như một tư duy mới về làm thương hiệu ở nước ngoài. Nếu đặt mục trường thị trường xuất khẩu là thị trường nước ngoài không nhất thiết, thậm chí, không nên chọn thương hiệu bằng tiếng Việt vì đối tượng nước khách hàng là người nước ngoài.
Tôi cho rằng, thương hiệu là một điểm yếu của doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài. Do vậy, muốn cải thiện và tăng hiệu quả của thương hiệu cho sản phẩm của Việt Nam tại nước ngoài các doanh nghiệp Việt phải có sự thay đổi về suy nghĩ, có cách nghĩ khác về việc xây dựng, làm thương hiệu. Doanh nghiệp có thể thuê chuyên gia thương hiệu hiểu về văn hóa tiêu dùng, thói quen, lịch sử, thậm chí một chuyên gia về ngôn ngữ, chuyên gia thương hiệu tại chính thị trường mục tiêu thì khả năng thành công sẽ cao hơn.
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, chỉ sau Brazil - Ảnh minh họa |
Để góp phần khai thác dư địa thị trường Anh đối với ngành cà phê, theo ông các chính sách phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu với mặt hàng này cần tiếp tục thúc đẩy một cách trọng tâm, trong điểm nào trong thời gian tới?
Việc phát triển thị trường cà phê nhân xuất khẩu từ Việt Nam sang Châu Âu hay sang Anh không có trở ngại lớn về vấn đề vận chuyển, nhưng cà phê thành phẩm gặp một khó khăn rất khách quan vì khoảng cách địa lý; nguyên nhân là do cà phê thành phẩm rang xay ở Việt Nam đi đường biển sang Anh thì mùi thơm sẽ không còn, đi máy bay cước hàng không quá đắt.
Tôi cũng trao đổi, suy nghĩ và có gợi ý từ một nhà rang xay cà phê tại Anh, họ nói rằng các công ty Việt Nam có thể đặt hàng họ rang xay cà phê tại Anh theo công thức, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam và cà phê rang xay tại Anh vẫn đảm bảo được hương vị thơm ngon khi chuyển tới siêu thị, các nhà bán lẻ, khách sạn, nhà hàng và đến tay người tiêu dùng tại Anh.
Mặt khác, các doanh nghiệp cà phê đủ lớn, mạnh có thể nghiên cứu phương án đặt hàng nhà rang xay cà phê tại Anh, để rang xay cà phê cho mình. Ngoài yếu tố công nghệ thì các nhà rang xay cà phê tại Anh còn có thuận lợi mà các doanh nghiệp Việt Nam không có đó là quan hệ bạn hàng, liên kết của họ với các nhà phân phối, siêu thị. Bên cạnh đó, các nhà rang xay tại Anh còn đưa ra lời khuyên, gợi ý cho các doanh nghiệp Việt Nam về công thức pha chế, tỉ lệ Robusta, Arabica với nhiều công thức phục vụ đối tượng khách hàng khác nhau. Nếu doanh nghiệp Việt Nam thấy rằng đã đủ lớn mạnh, thì đây là thời điểm để doanh nghiệp Việt chuyển đổi từ xuất khẩu cà phê nhân truyền thống sang xuất khẩu cà phê thành phẩm. Nhưng, thay vì rang xay trong nước thì rang xay ngay tại nước Anh có nhiều khả năng thành công hơn.
Xin cảm ơn ông!
Hà Hương
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|