Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Khẩn trương, bằng mọi cách tháo gỡ "nút thắt" cho Thủy điện Hồi Xuân

(Banker.vn) Ngày 9/3, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thanh Hóa nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của Dự án Thủy điện Hồi Xuân.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Tổ hợp Vinabeef Tam Đảo góp phần củng cố mối quan hệ Việt Nam – Nhật Bản
Thanh Hóa: Kiến nghị Thanh tra Chính phủ tháo gỡ khó khăn dự án thủy điện Hồi Xuân Thanh Hóa: Tháo gỡ khó khăn, sớm khởi động lại Dự án thủy điện Hồi Xuân

Giải quyết khó khăn, không để bức xúc kéo dài

Tham dự và chủ trì cuộc họp về phía các cơ quan Trung ương có Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đại diện Vụ Kinh tế - Văn phòng Quốc hội, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước và các đơn vị trong Bộ.

Về phía tỉnh Thanh Hóa có sự tham dự của ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, lãnh đạo Sở Công Thương và đại đại các sở, ngành trong tỉnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Khẩn trương, bằng mọi cách tháo gỡ
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp với lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa chiều ngày 9/3

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết: Thực hiện ý kiến chỉ đạo tại Văn bản 1391/VPCP-CN của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với UBND tỉnh Thanh Hoá, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO (VNECO Hồi Xuân – chủ đầu tư Dự án) và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương để trao đổi, tìm cách tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc của dự án Thủy điện Hồi Xuân.

"Dự án thuỷ điện Hồi Xuân là dự án khá lớn với quy mô công suất 102 MW, dự kiến hàng năm cung cấp 328,49 triệu kWh cho hệ thống điện quốc gia và sẽ góp phần rất lớn vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá. Đồng thời, dự án có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho không chỉ Thanh Hóa, miền Trung mà còn cả đất nước. Việc nhanh chóng đi vào vận hành dự án này còn góp phần tận dụng, phát huy những tiềm năng, lợi thế của Thanh Hóa về năng lượng tái tạo"- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Hiện Dự án do Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân (VNECO), thuộc Tổng công ty cổ phần Xây dựng điện Việt Nam làm chủ đầu tư, khởi công vào tháng 3/2010. Qua một số lần chuyển đổi chủ đầu tư đến hết năm 2018 dự án đã hoàn thành đạt được 93% khối lượng công việc….Hiện chỉ còn 7% khối lượng công việc nhưng lại dừng thi công công trình. Vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn cho dự án này là việc làm cấp bách để tránh lãng phí nguồn lực của đất nước, bảo đảm an ninh năng lượng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Khẩn trương, bằng mọi cách tháo gỡ
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại cuộc họp

Nếu không giải quyết dứt điểm tồn tại này sẽ gây ra khó khăn cho Thanh Hóa, đặc biệt là bức xúc trong nhân dân. Do đó, đề nghị các bên có liên quan (đặc biệt là chủ đầu tư dự án) nỗ lực, hoàn thiện các công việc còn lại để đưa dự án vào vận hành, phát điện, tránh gây bức xúc ảnh hưởng đến tình hình ổn định hoạt động sản xuất, đời sống của người dân trong vùng ảnh hưởng và các kế hoạch phát triển kinh tế địa phương.

Chủ đầu tư cam kết sẽ vận hành dự án vào quý I/2024

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã lắng nghe ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hoá, EVN, chủ đầu tư dự án, Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn Nhà nước, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình triển khai đầu tư xây dựng và các tồn tại, vướng mắc dẫn đến việc chậm tiến độ của dự án.

Báo cáo tại cuộc họp, chủ đầu tư dự án, ông Thái Minh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty VNECO Hồi Xuân cho biết: Khó khăn lớn nhất của dự án đang gặp phải là vấn đề giải phóng mặt bằng, thiếu vốn. Hiện chủ đầu tư dự án cam kết hết quý I/2024 sẽ hoàn thiện, vận hành nhà máy. Đối với vấn đề giải phóng mặt bằng, phía chủ đầu tư cho biết, dự kiến trong tháng 3/2023 khi được giải quyết khó khăn về nguồn vốn sẽ bắt đầu tái khởi động công tác bồi thường.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Khẩn trương, bằng mọi cách tháo gỡ
Ông Thái Minh Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty VNECO, chủ đầu tư dự án Thủy điện Hồi Xuân

Đồng thời, bà Kiều Bích Hoa - Phó Trưởng ban Đầu tư 2, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) cho biết: Hiện nay SCIC đã hoàn thành việc thoái toàn bộ vốn nhà nước tại VNECO từ 2013. Lắng nghe, tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương và các cơ quan ban ngành tại cuộc họp hôm nay, SCIC cho biết sẵn sàng phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương nhằm đưa ra các phương án hỗ trợ dự án được sớm hoàn thành.

Trong khi đó, bà Lê Thị Hồng Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế - Văn phòng Quốc hội cho biết, triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập Đoàn giám sát chuyên đề, Đoàn giám sát của Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022 về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016-2021. Trong đó, Dự án thủy điện Hồi Xuân đang nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận và người dân. Bà Lê Thị Hồng Hà cũng đồng tình và nhất trí với quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên về vai trò quan trọng của dự án, cũng như sự cần thiết phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn, giải quyết vướng mắc để Dự án nhanh chóng đi vào vận hành. Bên cạnh vai trò của Bộ Công Thương, dự án cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các Bộ ngành, địa phương.

Bằng mọi cách tái khởi động dự án càng sớm càng tốt

Kết luận tại buổi làm việc, trên cơ sở ý kiến của các bên, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Dự án thuỷ điện Hồi Xuân có quy mô công suất khá lớn, đã có trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006 -2015, có xét đến năm 2025. Dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hoá; là nguồn điện nền, điện sạch đóng góp quan trọng vào cung ứng điện năng cho khu vực Miền Trung và cả nước.

Dự án đã khởi công từ năm 2014, đến nay đã thực hiện được 09 năm với khối lượng hoàn thành đạt 93% tổng khối lượng thiết kế được duyệt; Tuy nhiên dự án đã bị dừng thi công từ 4-5 năm nay, gây hệ lụy rất lớn, phá vỡ cân đối điện Quốc gia giai đoạn 2020-2025 ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đặc biệt là gây bức xúc cho người dân trong vùng dự án. Từ thực tế đó, rõ ràng không thể để dự án chậm chễ hơn, bằng mọi cách phải đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án càng sớm, càng tốt.

Chính vì vậy, trước hết, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu đối với chủ đầu tư dự án phải khẩn trương đánh giá tổng thể, rà soát kỹ lưỡng để tìm ra những "nút thắt" cần tháo gỡ, từ đó có kiến nghị xác đáng, kịp thời, đúng địa chỉ…để được phối hợp giải quyết. “Phương châm hành động là bằng mọi cách phải tái khởi động một cách quyết liệt để dự án được hoàn thành càng sớm càng tốt”- Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Khẩn trương, bằng mọi cách tháo gỡ
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phát biểu kết luận cuộc họp

Thứ hai, tập trung mọi nỗ lực để thu xếp vốn cho việc đền bù, di dời, tái định cư, xây dựng các công trình hoàn trả, trước hết tránh bức xúc từ người dân và hoàn thành các phần việc xây lắp còn lại nhằm sớm đưa dự án vào hoạt động.

Thứ ba, chủ đầu tư trong quá trình triển khai, thực hiện các nhiệm vụ tối quan trọng nêu trên cần sát sao với công việc, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo (Chính phủ, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, các tổ chức tài chính, tín dụng có liên quan). Đồng thời, phối hợp tốt với các địa phương, đơn vị cơ sở, cơ quan chức năng để thực hiện có hiệu quả những nội dung, mục tiêu đặt ra.

Thứ tư, sau khi được giải ngân nguồn vốn bổ sung, chủ đầu tư phối hợp với UBND các tỉnh Thanh Hoá và Hoà Bình, UBND các huyện để thực hiện đền bù, hỗ trợ, tái định cư đối với các hộ dân trong vùng ảnh hưởng; hoàn thiện các thủ tục pháp lý của dự án; Tổ chức triển khai thi công các hạng mục công trình còn dở dang và các công việc khác để sớm đưa dự án vào vận hành.

Đối với UBND tỉnh Thanh Hoá, Bộ trưởng đề nghị tỉnh chủ trì cùng lãnh đạo tỉnh Hòa Bình chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ thiết thực, kịp thời những khó khăn, vướng mắc, trở ngại của người dân trong vùng ảnh hưởng của dự án (kể cả việc chủ động xây dựng cơ sở hạ tầng tái định cư cho người dân) không để bức xúc kéo dài.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên: Khẩn trương, bằng mọi cách tháo gỡ
Toàn cảnh cuộc họp

Đồng thời, hỗ trợ chủ đầu tư trong việc thu xếp vốn thực hiện đền bù, tái định cư, giải quyết những khó khăn, vướng mắc khác mà dự án đang gặp phải như đền bù, giải tỏa mặt bằng; Xem xét gia hạn tiến độ thực hiện dự án theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Trong thời gian chủ đầu tư thực hiện các thủ tục để bổ sung nguồn vốn thực hiện dự án, UBND tỉnh Thanh Hoá chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Hoà Bình chỉ đạo các cơ quan có liên quan (đặc biệt là UBND các huyện, xã nơi có các hộ dân bị ảnh hưởng), vận động người dân thông cảm, chia sẻ với khó khăn của chủ đầu tư; Không để người dân trong vùng bị bức xúc dẫn đến ảnh hưởng đến tình hình ổn định hoạt động sản xuất, đời sống của người dân và các kế hoạch phát triển kinh tế địa phương, gây mất ổn định trật tự, xã hội. Sau khi được giải ngân nguồn vốn bổ sung, UBND các tỉnh Thanh Hoá và Hoà Bình chỉ đạo các cơ quan có liên quan hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa chủ đầu tư dự án khẩn trưởng tổ chức thực hiện đền bù với các hộ dân bị ảnh hưởng, đảm bảo đúng đối tượng và đúng quy định của pháp luật.

Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ trưởng yêu cầu, EVN cần rà soát các hợp đồng mua bán điện đã ký và xem xét, thương thảo, giải quyết những khuyến nghị của chủ đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, hỗ trợ chủ đầu tư dự án trong việc đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, thí nghiệm, hiệu chỉnh, chạy thử và các kiến nghị chính đáng khác của chủ đầu tư thuộc thẩm quyền của EVN.

Đối với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, Bộ trưởng giao: Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Điều tiết điện lực; Vụ Pháp chế; Vụ Kế hoạch - Tài chính cần phân công người có trách nhiệm, kinh nghiệm, sát sao hướng dẫn, giúp đỡ chủ đầu tư trong việc phát hiện nút thắt, điểm nghẽn và tư vấn để chủ đầu tư kiến nghị, phối hợp, giải quyết một cách nhanh nhất, chuẩn xác, hiệu quả nhất những khó khăn, vướng mắc của dự án hiện nay. Đặc biệt, theo thẩm quyền của mỗi đơn vị chuyên môn, cần khẩn trương xem xét, đề xuất lãnh đạo Bộ giải quyết kịp thời những kiến nghị chính đáng của chủ đầu tư. Ngoài ra phải thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát báo cáo lãnh đạo Bộ về tiến độ từng tuần, từng tháng kết quả thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định sẵn sàng phối với với các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan để hỗ trợ chủ đầu tư. Đồng thời, Bộ sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả làm việc tại cuộc họp.

Nhóm PV

Theo: Báo Công Thương