Bộ trưởng Bộ Tài chính: Tiếp thu, làm rõ các đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp

(Banker.vn) Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng tiếp thu ý kiến Quốc hội, giải trình rõ các nội dung sửa luật nhằm nâng cao minh bạch, kiểm soát rủi ro và hoàn thiện khung pháp lý c
Bộ trưởng Bộ Tài chính: Mỗi đồng vốn Nhà nước đầu tư phải có mục tiêu sinh lời rõ ràng Đề xuất Quốc hội phân bổ hơn 4.327 tỷ đồng vốn viện trợ không hoàn lại

Sáng 20/5/2025, tại phiên họp toàn thể của Quốc hội trong khuôn khổ kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã có phát biểu tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp.

Khẳng định vai trò minh bạch chủ sở hữu

Về nội dung quy định liên quan đến chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, dự thảo luật đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội. Theo đó, khái niệm “chủ sở hữu hưởng lợi” được quy định theo hướng khái quát, có tính nguyên tắc, bảo đảm phù hợp với Luật Phòng chống rửa tiền và yêu cầu của Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế FATF.

Thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi sẽ được lưu giữ tối thiểu 5 năm, phù hợp khuyến nghị số 24 của FATF, đảm bảo thống nhất và khả thi trong quá trình triển khai thực tiễn. Bộ Tài chính cũng đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng nghị định hướng dẫn để luật có thể được áp dụng đồng bộ, hiệu quả ngay khi có hiệu lực.

Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Ảnh: VPQH
Quốc hội Thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Ảnh: VPQH

Theo Bộ trưởng, quy định này không chỉ phục vụ cho công tác quản lý, mà còn tạo thuận lợi trong quá trình doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn và cải thiện chỉ số môi trường đầu tư, kinh doanh của quốc gia trong mắt các tổ chức quốc tế.

Một nội dung quan trọng được Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng giải trình là quy định cho phép viên chức đang làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học công lập được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở đó thành lập hoặc tham gia thành lập. Đây là bước thể chế hóa Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 193 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển giao tri thức.

Dự thảo luật đề xuất sửa đổi điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 17 Luật Doanh nghiệp để mở rộng đối tượng này, qua đó hỗ trợ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học, tạo cầu nối giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Bộ trưởng cho biết, hiện nay, Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo đã quy định cho phép viên chức làm việc tại tổ chức khoa học và công nghệ công lập tham gia góp vốn, quản lý doanh nghiệp. Vì vậy, việc bổ sung đối tượng là viên chức tại cơ sở giáo dục đại học công lập vào Luật Doanh nghiệp là cần thiết để đồng bộ hệ thống pháp luật.

Về đề xuất của một số đại biểu muốn mở rộng thêm đối tượng là viên chức tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Bộ Tài chính ghi nhận và cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đồng thời đề nghị giữ nguyên lộ trình thể chế hóa theo hướng “đã rõ, đã chín thì đưa vào luật, chưa rõ thì tiếp tục thí điểm”.

Bảo đảm an toàn phát hành trái phiếu riêng lẻ

Đối với vấn đề phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp chưa đại chúng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trên cơ sở thực tiễn và kinh nghiệm xây dựng Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã đề xuất đưa vào dự thảo quy định về hệ số nợ không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng, quy định này là phù hợp trong điều kiện Việt Nam hiện nay, nơi hệ thống kiểm soát thông tin doanh nghiệp và năng lực giám sát thị trường còn đang tiếp tục hoàn thiện. Đây là một trong các biện pháp cần thiết nhằm nâng cao tính an toàn cho nhà đầu tư, bảo đảm phát triển thị trường vốn theo hướng bền vững, lành mạnh.

Bộ Trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VPQH
Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VPQH

Việc bổ sung quy định hệ số nợ được cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở lấy ý kiến rộng rãi từ các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế, đặc biệt là các tổ chức tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư… Quy định này không chỉ kiểm soát rủi ro tài chính doanh nghiệp, mà còn góp phần củng cố niềm tin đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Một nội dung khác được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là chính sách đối với hộ kinh doanh. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, hiện Luật Doanh nghiệp chưa áp dụng đối với hộ kinh doanh. Trước đó, năm 2020, Chính phủ từng trình Quốc hội đề xuất đưa hộ kinh doanh vào phạm vi điều chỉnh của luật nhưng chưa được chấp thuận.

Hiện nay, theo Nghị quyết số 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân, Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất xây dựng một đạo luật riêng về hộ kinh doanh. Việc này nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế, đồng thời tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho mô hình hộ kinh doanh cá thể – một thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam.

Cùng với đó, các chính sách khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp cũng đang được tiếp tục hoàn thiện, bao gồm: miễn thuế thu nhập trong thời gian đầu, hỗ trợ tiền thuê đất, giảm chi phí kế toán, lao động, thuế, đơn giản hóa thủ tục đăng ký, và thúc đẩy sử dụng hóa đơn điện tử.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, khi nhận thấy mô hình doanh nghiệp mang lại nhiều thuận lợi hơn, các hộ kinh doanh sẽ chủ động chuyển đổi. Đây là tiền đề quan trọng để đạt mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp tư nhân vào năm 2030 và 3 triệu vào năm 2045 như Nghị quyết đã đề ra.

Hoàng Nhưỡng

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục