Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Làm một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả một vùng

(Banker.vn) Theo Bộ trưởng Tô Lâm, một trong những nhiệm vụ quan trọng của điều tra vụ án là xác định những sơ hở trong công tác quản lý để tạo cơ chế không thể tham nhũng.
Bộ trưởng Tô Lâm: Bổ sung “nơi sinh” vào hộ chiếu cần thực hiện trước 1/1/2023 Bộ trưởng Bộ Công an: Số vụ phạm tội về tham nhũng và chức vụ tăng 40,97% Bộ trưởng Bộ Công an: Thực trạng lộ lọt dữ liệu cá nhân rất đáng báo động

Phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/3, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc hoàn thiện thể chế để làm sao không thể tham nhũng, là vấn đề Bộ Công an rất quan tâm chỉ đạo trong điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: Làm một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả một vùng
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại phiên chất vấn

Cụ thể, theo Bộ trưởng Tô Lâm, ngoài việc điều tra chứng minh tội phạm, xử lý các đối tượng phạm tội, thu hồi tối đa tài sản cho Nhà nước, một trong những nhiệm vụ quan trọng khi điều tra vụ án là xác định những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị khắc phục, góp phần tạo cơ chế không thể tham nhũng như mục tiêu đã đặt ra.

Điển hình, qua một số vụ án trên lĩnh vực y tế, giáo dục, cơ quan điều tra đã có nhiều kiến nghị về vấn đề khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác đầu tư công, đấu thầu, mua sắm các thiết bị y tế, thiết bị giáo dục...

Qua đó, đã góp phần minh bạch vấn đề này, với mục tiêu làm một vụ việc nhưng cảnh tỉnh cả một vùng, một lĩnh vực. Đồng thời, làm cho những đối tượng tham nhũng bị xử lý, những người đang có những kiểu cách làm việc như những đối tượng đó và các đơn vị, công ty đang có những phương thức như thế phải chấm dứt ngay và khắc phục hậu quả nếu không sẽ bị xử lý.

Về cơ mặt quản lý nhà nước, cũng phải rà soát lại tất cả những quy định trong quá trình thực hiện để bộc lộ những sơ hở khiến những đối tượng phạm tội có thể lợi dụng để có hành vi phạm tội. Đặc biệt, trên một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính, doanh nghiệp thể hiện rất rõ những việc như vậy.

“Những vụ án, vụ việc đó không nhiều nhưng đã để lại những bài học phải rút kinh nghiệm và phải chấn chỉnh, kể cả những quy định từ thông tư, nghị định, pháp lệnh, thậm chí cho đến luật” - Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Hoặc trên lĩnh vực đất đai cũng có rất nhiều bài học đã phải đưa ra và có những kiến nghị để xây dựng thể chế pháp luật. Hầu hết những vụ án, cơ quan điều tra đã có những kiến nghị về công tác quản lý cơ chế, chính sách để phòng ngừa tội phạm. Đây là vấn đề ngành công an sẽ tiếp tục chỉ đạo trong thời gian tới.

Về giải pháp đảm bảo công an xã thực hiện tốt công tác kiểm tra, tham gia vào hoạt động tố tụng theo quy định của luật, Bộ trưởng Tô Lâm chia sẻ thêm, trước hết, phải khẳng định chủ trương đưa công an chính quy về xã vừa qua rất đúng và mang lại hiệu quả tích cực.

Tại hội nghị toàn quốc về vấn đề này, các địa phương đã đánh giá rất tốt, trong đó có việc phân cấp cho công an xã được tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tin báo tố giác tội phạm và tham gia một số những hoạt động ban đầu trong quá trình tố tụng như bảo vệ hiện trường vụ án, giữ người có liên quan…

Những việc đó ngay từ ban đầu rất quan trọng để công tác tiến hành điều tra vụ án ngay từ đầu, ngay tại cơ sở. "Có khoảng hơn 30% số tin báo tội phạm đã được giải quyết tốt ngay từ xã và cũng không nảy sinh những vấn đề phức tạp" - Bộ trưởng thông tin.

Hiện nay, Bộ Công an đã bố trí một số lượng lớn công an chính quy trong toàn quốc và có bố trí cán bộ điều tra, ít nhất là điều tra viên sơ cấp để thực hiện những nhiệm vụ tố tụng theo Luật Điều tra. Bộ cũng đã tăng cường bồi dưỡng, tập huấn để tiếp tục nâng cao hoạt động cho lực lượng công an xã...

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương