Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu

(Banker.vn) Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội vừa báo cáo tiếp thu, giải trình góp ý tuổi nghỉ hưu, điều kiện hưởng lương hưu. Trong đó đề xuất giữ nguyên tuổi nghỉ hưu.
Từ năm 2023, tuổi nghỉ hưu của người lao động thay đổi cụ thể như thế nào? Khoảng 230.000 người nghỉ hưu trước năm 1995 sẽ được điều chỉnh tăng lương hưu

Theo báo cáo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội, nội dung tuổi nghỉ hưu và điều kiện về tuổi hưởng lương hưu nhận được nhiều ý kiến góp ý.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị giữ nguyên quy định tuổi nghỉ hưu

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, chế độ hưu trí hay còn được gọi là chế độ bảo hiểm tuổi già là một trong các chế độ của chính sách bảo hiểm xã hội, nhằm đảm bảo nguồn thu nhập hàng tháng cho người lao động khi về già (đến tuổi nghỉ hưu).

Theo nguyên lý và thông lệ các nước khi xây dựng chế độ hưu trí đều quy định người lao động để được hưởng lương hưu hàng tháng thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời, và điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, quy định này đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ bảo hiểm xã hội của người lao động, từ đó đảm bảo an toàn và cân đối quỹ bảo hiểm xã hội trong dài hạn.

Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nêu thêm, vấn đề tuổi nghỉ hưu được Trung ương thảo luận trong Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII và thống nhất thông qua Nghị quyết số 28/NQ-TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Thể chế hóa chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28/NQ-TW, Quốc hội đã thống nhất ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó nội dung tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu được quy định tại Điều 169 và Điều 219.

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận và đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan.

Chính vì vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu, hay điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của người lao động không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam, và 60 tuổi đối với nữ, mà được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Bên cạnh đó, đối với những người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, hoặc những người lao động sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động), thì cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp).

Chính vì vậy, quan điểm chung trong lần sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội lần này là kế thừa từ quy định về tuổi nghỉ hưu của Bộ luật Lao động năm 2019 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương