Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số

(Banker.vn) Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Đề xuất bãi bỏ 6 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực giáo dục Bộ Giáo dục và Đào tạo: Cung cấp kịp thời nhu yếu phẩm, trang thiết bị dạy học sau bão số 3 Bộ Giáo dục và Đào tạo ưu tiên hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại sau bão số 3

Phát triển giáo dục và đào tạo được Đảng ta xác định là quốc sách hàng đầu, đồng thời là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách "Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc".

Trong số đó, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Nhà nước về đổi mới và phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được chú trọng, quan tâm, và được Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thực hiện.

Đối với năm học 2024-2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhiệm vụ chung của giáo dục dân tộc năm học này là rà soát, đánh giá các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục để ưu tiên nguồn lực đầu tư kiên cố hóa trường lớp, thiết bị dạy học cho cơ sở giáo dục ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học, cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát, đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số. (Ảnh: dangcongsan.vn)
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu rà soát, đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục dân tộc thiểu số. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học

Để triển khai, mới đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có hướng dẫn các sở Giáo dục và Đào tạo, các trường dự bị đại học; Trường Hữu nghị 80, Trường hữu nghị T78, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục dân tộc.

Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; việc sắp xếp phải đảm bảo nguyên tắc có lộ trình cụ thể, hợp lý, thuận lợi cho việc học tập của học sinh, gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông.

Thực hiện các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh dân tộc thiểu số ở các cấp học từ mầm non đến phổ thông đi học đúng độ tuổi, tăng tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số 5 tuổi đi học mẫu giáo, tỷ lệ học sinh dân tộc thiểu số hoàn thành cấp tiểu học, trung học cơ sở, giảm tỉ lệ học sinh bỏ học, nghỉ học; duy trì và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục các cấp học nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đối với đồng bào dân tộc thiểu số lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021- 2030, Tiểu dự án 1 - Dự án 5. Đặc biệt, việc kiên cố hóa trường lớp, tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có tổ chức ăn, ở tập trung cho học sinh bán trú tại địa phương.

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu phải tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá các chương trình, dự án, đề án có liên quan đến ưu tiên đầu tư hỗ trợ phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó tiếp tục đề xuất, tham mưu phương hướng thực hiện trong giai đoạn tiếp theo.

Thực hiện rà soát, đánh giá tình hình thực hiện chính sách đối với người dạy, người học và cơ sở giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; chính sách cử tuyển; chính sách hỗ trợ, tài trợ với giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi để đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển giáo dục dân tộc.

Giáo dục dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn (Ảnh: laocai.gov.vn)
Giáo dục dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn (Ảnh: laocai.gov.vn)

Bảo đảm điều kiện ăn, ở, học tập cho học sinh dân tộc thiểu số

Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu thực hiện nghiêm túc các quy định về quy chế tổ chức và hoạt động của trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú.

Trong đó, bảo đảm các điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, và học tập cho trẻ em, học sinh nội trú, bán trú; an ninh, an toàn trường học, phòng tránh nạn tảo hôn, các hủ tục lạc hậu và duy trì sĩ số trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Tiếp tục thực hiện Quyết định 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” đảm bảo mục tiêu 100% các trường, lớp bán trú và dân tộc nội trú được tuyên truyền kỹ năng sống, về giới và bình đẳng giới với nội dung và thời lượng phù hợp với lứa tuổi.

Chú trọng giáo dục văn hóa dân tộc, giáo dục đạo đức, lối sống, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật cho học sinh thông qua các hoạt động giáo dục; thực hiện hiệu quả công tác tư vấn tâm lý, công tác xã hội cho học sinh; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong quản lý, giáo dục học sinh, đặc biệt quan tâm đến đối tượng học sinh bán trú nhỏ tuổi sớm phải xa gia đình; tăng cường an ninh, an toàn trường học, đảm bảo môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường và xây dựng trường học hạnh phúc.

Tiếp tục thực hiện việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số thông qua dạy học các tiếng Bahnar, Chăm, Êđê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Triển khai chương trình “Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030”. Trong đó, các địa phương chủ động rà soát đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số, phối hợp với các trường đại học có phương án thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu dạy học tiếng dân tộc thiểu số.

Minh Quang

Theo: Báo Công Thương