Bộ Công Thương tổ chức tập huấn Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index)

(Banker.vn) Ngày 15/12, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương TP. Hải Phòng tổ chức chương trình tập huấn Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index).
Bộ chỉ số FTA Index: Tạo động lực để địa phương bứt phá Bộ chỉ số FTA Index sẽ triển khai như thế nào?

Cụ thể, chương trình tập huấn Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index) do Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương TP. Hải Phòng tổ chức.

Thông qua chương trình nhằm tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ công chức cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp thực hiện việc đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương; đồng thời tìm ra những ưu điểm cũng như hạn chế trong việc thực hiện các FTA, tạo cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển tại địa phương.

Bộ Công Thương tổ chức tập huấn Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index)
FTA Index phản ánh mức độ hiệu quả của các FTA đem lại tới các địa phương. Ảnh: TT

Theo đó, tại Chương trình tập huấn Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các FTA (FTA Index), Lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương sẽ giới thiệu về FTA Index như: Cơ sở thành lập và sự cần thiết, mục tiêu của FTA Index, nội dung FTA Index; Kế hoạch triển khai FTA Index: Giai đoạn 2021-2022 và giai đoạn 2023 trở đi. Cùng với đó là hoạt động hướng dẫn tổ chức thực hiện đánh giá FTA Index.

Trước đó, ngày 30 tháng 8 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ- CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 – 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, trong đó giao Bộ Công Thương thực hiện Đề án xây dựng Bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do hàng năm của các địa phương (FTA Index).

Một trong những mục tiêu của FTA Index đó là giúp đánh giá kết quả thực hiện các FTA của các địa phương so với chương trình hành động do Chính phủ ban hành cũng như các chương trình hành động mà chính các địa phương xây dựng nhằm thực thi các FTA, từ đó tìm ra những ưu điểm cũng như hạn chế trong việc thực hiện các FTA này. Đồng thời, đây cũng là cơ sở quan trọng cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển tại địa phương.

Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, năm 2022, trên cơ sở các chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Bộ Công Thương triển khai xây dựng dự thảo Đề án FTA Index lấy ý kiến của các Bộ, ngành, và địa phương để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ Công Thương tiến hành nghiên cứu và xây dựng kế hoạch cho năm 2023 trong đó tiếp thu các ý kiến đã nhận được từ các Bộ, ngành, các địa phương và các chuyên gia. Bộ Công Thương cũng sẽ mở rộng phạm vi điều tra và đưa ra các điều chỉnh phù hợp dựa vào các phản biện đã nhận được trong giai đoạn khởi tạo.

Theo Kế hoạch, giai đoạn từ năm 2023 trở đi, việc điều tra để thu thập dữ liệu sơ cấp làm cơ sở để đánh giá và tính toán Bộ chỉ số FTA Index sẽ được tiến hành hàng năm, trong đó mỗi năm, Bộ Công Thương sẽ đánh giá, điều chỉnh các kết quả đã đạt được trong năm trước đó cùng với các phản hồi của các Bộ, ngành có liên quan, các địa phương, các chuyên gia đầu ngành thuộc các lĩnh vực để đưa ra và thí điểm những điều chỉnh cần thiết nhằm hoàn thiện hơn Bộ chỉ số này.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục