Để chủ động nắm tình hình thực hiện công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại các địa phương, sáng 23/1, đoàn công tác của Bộ Công Thương làm việc với Sở Công Thương Hà Nội để cùng đánh giá về tình hình thị trường cung – cầu, giá cả một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Đồng thời, trao đổi về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại địa phương với các nội dung như: Công tác dự trữ, chuẩn bị hàng hóa, bán hàng phục vụ Tết; đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp – khu chế xuất.
Đa dạng các mặt hàng Tết được bày bán tại siêu thị Big C |
Bên cạnh đó, đoàn công tác cũng sẽ làm việc về các vấn đề liên quan đến công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng phục vụ Tết trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận. Tình hình sản xuất, chăn nuôi tại địa phương, việc thực hiện các giải pháp để đảm bảo ổn định thị trường, giá cả từ nay đến Tết Nguyên đán; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện cần tháo gỡ.
Trước đó, để chuẩn bị mùa mua sắm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch và đưa ra nhiều giải pháp, chủ động các phương án đáp ứng nhu cầu hàng hóa tăng cao của người dân. Sở Công Thương Hà Nội ước tính tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn thành phố khoảng 40.900 tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện Tết năm 2023.
Bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết, Sở đã chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết có kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn thành phố; các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa thiết yếu có kế hoạch khai thác nguồn hàng hợp lý, tổ chức các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ nhân dân; tổ chức triển khai các chương trình khuyến mãi để kích cầu tiêu dùng.
Để chuẩn bị nguồn cung hàng hóa trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán khi nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, trước đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-BCT ngày 30/10/2023 về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo Bộ Công Thương, dự kiến sức mua năm nay có thể tăng trên 10% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung các mặt hàng thiết yếu cũng được các doanh nghiệp chủ động chuẩn bị từ rất sớm với lượng hàng dự trữ tăng từ 10-25% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, để kích cầu tiêu dùng trong nước, nhiều doanh nghiệp đã có kế hoạch triển khai các chương trình khuyến mãi, giảm giá nhiều sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong tháng cận Tết.
Sở Công Thương các địa phương như thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh cũng nỗ lực làm việc với nhiều đơn vị, dựa trên các mục tiêu chính: bình ổn thị trường, tổ chức chương trình khuyến mãi, kết nối cung cầu, đặc biệt chú ý liên kết vùng phối hợp tỉnh thành khác để tạo nguồn hàng hóa ổn định số lượng, đảm bảo chất lượng tốt nhất phục vụ cho nhu cầu lớn của thành phố.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, để đảm bảo nguồn cung hàng hóa từ nay đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Công Thương các địa phương, các Hiệp hội, ngành hàng thực hiện nghiêm, hiệu quả các văn bản đã chỉ đạo nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản của các tỉnh trên địa cả nước.
Nguyễn Hạnh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|