Bộ Công Thương họp với các thương nhân đầu mối về tình hình cung ứng xăng dầu năm 2024

(Banker.vn) Chiều 23/7, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp với các thương nhân đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu về tình hình cung ứng xăng dầu 6 tháng năm 2024.
Bộ Công Thương thu hồi giấy phép của 2 thương nhân phân phối xăng dầu Thành lập sàn giao dịch xăng dầu: Bài toán có thật sự dễ dàng? Nghiên cứu thành lập sàn giao dịch xăng dầu

Tham gia cuộc họp có đại diện các đơn vị của Bộ Công Thương như Vụ Thị trường trong nước, Tổng cục Quản lý thị trường, Vụ Dầu khí và Than. Về phía các doanh nghiệp, có đại diện Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam và các thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu.

Đảm bảo nguồn cung xăng dầu đáp ứng nhu cầu sử dụng

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được Bộ Công Thương phân giao cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu (36 thương nhân) thực hiện tổng cộng là 28.437.856 m3/tấn xăng dầu các loại; trong đó: xăng dầu mặt đất bao gồm xăng, diesel, dầu mazut, dầu hỏa là 457.817 m3/tấn; nhiên liệu hàng không bao gồm Jet A1, xăng tàu bay là 980.039 m3.

Ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước chủ trì cuộc họp.
Ông Phan Văn Chinh – Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) chủ trì cuộc họp.

Theo báo cáo của 2 nhà máy và Tổng cục Hải quan, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu 6 tháng đầu năm 2024 đạt 12,41 triệu tấn, tương đương khoảng 15,2 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, trong đó, nhập khẩu chiếm 44,5%, sản xuất trong nước chiếm 55,5%.

Còn theo báo cáo từ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, tổng nguồn nhập khẩu và mua trong nước thực hiện 6 tháng đầu năm 2024 đạt 13,8 triệu m3/tấn xăng dầu các loại, bằng 48% tổng nguồn tối thiểu Bộ Công Thương phân giao, giảm 0,28% so với 6 tháng đầu năm 2023.

Tiêu thụ 6 tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 13,2 triệu m3 tấn, giảm khoảng 0,2 % so với 6 tháng đầu năm 2023. Tồn kho thời điểm 30/6/2024 khoảng 1,85 triệu m3/tấn tương đương 6 tháng đầu năm 2023.

"Như vậy, lượng xăng dầu đã đáp ứng được đúng theo nguồn cung được phân giao cũng như nhu cầu sử dụng trong 6 tháng đầu năm theo kế hoạch" - ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định.

6 tháng đầu năm, số lượng thương nhân thực hiện tổng nguồn là 34 thương nhân, giảm 2 thương nhân so với đầu năm 2024. Có 22/34 thương nhân thực hiện đạt trên 50% kế hoạch thực hiện tổng nguồn tối thiểu đã phân giao năm 2024, trong đó có 6 thương nhân đạt cao, vượt trên 100%.

Các mặt hàng xăng dầu đã qua 29 kỳ điều chỉnh giá

Về công tác điều hành giá xăng dầu 6 tháng đầu năm 2024, ông Phan Văn Chinh cho hay, trong 7 tháng đầu năm 2024 (tính đến kỳ điều hành ngày 18/7/2024), giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 29 kỳ điều chỉnh giá, trong đó mặt hàng xăng Ron 95 có 16 lần tăng và 13 lần giảm, mặt hàng dầu diesel 14 lần tăng, 15 lần giảm và dầu madut có 18 lần tăng và 11 lần giảm.

7 tháng đầu năm, giá các mặt hàng xăng dầu đã qua 29 kỳ điều chỉnh giá
7 tháng đầu năm, các mặt hàng xăng dầu đã qua 29 kỳ điều chỉnh giá

Tại kỳ điều hành ngày 18/7/2024, so với kỳ điều hành đầu tiên của năm 2024 (ngày 04/01/2024) mặt hàng madut có mức giá tăng cao nhất (tăng 13,66%, tương đương 2.116 đồng/kg), tiếp đó đến mặt hàng diesel (tăng 5,87%, tương đương 1.136 đồng/lít); xăng Ron 95 (tăng 5,56%, tương đương 1.262 đồng/lít); dầu hỏa (tăng 3,54%, tương đương 707 đồng/lít).

Tại kỳ điều hành ngày 18/7/2024 so với cùng kỳ năm 2023 (kỳ điều hành ngày 11/7/2023) mặt hàng madut có mức tăng giá cao nhất (tăng 15,19%, tương đương 2.323 đồng/kg), tiếp đó đến dầu hỏa (tăng 12,79%, tương đương 2.344 đồng/lít); mặt hàng diesel (tăng 10,14%, tương đương 1.888 đồng/lít), xăng Ron 95 tăng thấp nhất (tăng 7,82%, tương đương 1.681 đồng/lít).

Từ kỳ điều hành đầu tiên của năm 2024 (ngày 4/1/2024) đến kỳ điều hành gần nhất (ngày 18/7/2024) ghi nhận mức giá tăng cao nhất đối với mặt hàng xăng Ron 95 (tăng 15,15% đạt 25.237 đồng/lít ở kỳ điều hành ngày 17/4/2024).

“Với việc thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần như hiện nay mức biến động giá giữa hai lần điều chỉnh cơ bản không lớn, giá xăng dầu trong nước đã cơ bản bám sát diễn biến giá thế giới. Các doanh nghiệp đã chủ động tính toán được mức giá, lên kế hoạch nhập hàng theo phân giao tổng nguồn tối thiểu năm 2024 của Bộ Công Thương và kế hoạch đăng ký theo từng quý, nguồn cung xăng dầu cơ bản được đảm bảo”, ông Phan Văn Chinh thông tin.

Tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu lên tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm không có đột biến, không phải sử dụng đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu để bình ổn giá xăng dầu theo quy định, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.

Về cơ bản các thương nhân đã chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu, báo cáo duy trì, thay đổi hệ thống phân phối, báo cáo tình hình sản xuất, xuất, nhập, tồn kho, báo cáo quỹ bình ổn giá, kê khai giá bán... định kỳ theo quy định và đột xuất theo yêu cầu của Bộ Công Thương.

Bên cạnh những thương nhân duy trì điều kiện kinh doanh theo quy định, vẫn còn thương nhân có dấu hiệu vi phạm không duy trì điều kiện kinh doanh, Bộ đã rà soát chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra, xử lý theo quy định. Nhiều thương nhân không duy trì điều kiện đã chủ động nộp lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện làm thương nhân phân phối xăng dầu. Một số thương nhân chưa chủ động nộp báo cáo theo quy định, Bộ phải đôn đốc, nhắc nhở.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định kiểm tra việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu của 6 thương nhân đầu mối và 8 thương nhân phân phối, hiện nay đang trong quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, qua rà soát báo cáo tình hình duy trì điều kiện kinh doanh, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý thị trường kiểm tra 4 thương nhân đầu mối; 20 thương nhân phân phối có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo quy định.

"Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) theo các quy định hiện hành và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp trong việc tổng hợp, đôn đốc, quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhất là những doanh nghiệp đã bị thu hồi Giấy chứng nhận hoặc không còn hoạt động với vai trò thương nhân đầu mối. Bộ cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Ngân hàng thương mại nơi thương nhân mở Quỹ bình ổn giá xăng dầu thực hiện quản lý quỹ theo quy định tại Nghị định 80/NĐ-CP", ông Phan Văn Chinh nhấn mạnh.

Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 6 tháng cuối năm 2024, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu xăng dầu các loại khoảng 12,76 triệu tấn, tương đương khoảng 15,3 triệu m3/tấn.

Còn theo theo báo cáo của các thương nhân, tổng nguồn sản xuất và nhập khẩu 6 tháng cuối năm 2024 ước khoảng 13,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại. Ước tiêu thụ 6 tháng cuối năm 2024 khoảng 13,2 triệu m3/tấn (bình quân khoảng gần 2,2 triệu m3/tấn/tháng). Tồn kho từ 1,8 - 2 triệu tấn.

Để bảo đảm nguồn cung xăng dầu trong nước trong thời gian tới, ông Phan Văn Chinh cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-BCT ngày 2/1/2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTG ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp và Thông báo số 01/TB-BCT ngày 3/1/2024 của Bộ Công Thương thông báo Kết luận của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tại Hội nghị triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTG ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu bám sát việc thực hiện tổng nguồn tối thiểu đã được phân giao và kế hoạch đăng ký theo từng quý.

Theo dõi sát tình hình thực hiện tổng nguồn tối thiểu của các thương nhân đầu mối, nhất là những thương nhân thực hiện đạt thấp; phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương các tỉnh, thành phố điều tiết, đảm bảo cân đối cung cầu xăng dầu trên từng địa bàn, trường hợp cần thiết điều chuyển tổng nguồn tối thiểu từ các thương nhân không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện cho các thương nhân đầu mối khác nhằm đảm bảo cung cầu trên thị trường.

Thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu theo kế hoạch. Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xăng dầu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo chỉ đạo.

Đồng thời đề nghị các thương nhân đầu mối xăng dầu thực hiện nghiêm túc các Chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương về các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp. Chủ động sản xuất, nhập khẩu bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong mọi tình huống; thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 được phân giao và dự trữ xăng dầu theo quy định.

Thực hiện nghiêm túc việc báo cáo kế hoạch sản xuất, nhập khẩu, mua xăng dầu của các nhà máy Lọc dầu, dự trữ lưu thông… trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo về Bộ để kịp thời có giải pháp xử lý.

Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh (từ đầu mối, thương nhân phân phối, doanh nghiệp bán lẻ). Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên. Rà soát, đảm bảo duy trì các điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định. Tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu.

Nguyễn Hạnh - Phương Lan

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục