Món ngon 3 miền hội tụ tại Lễ hội ẩm thực tỉnh Ninh Thuận Bộ trưởng Ngoại giao Singapore và Việt Nam thưởng thức ẩm thực đường phố |
Trước hơn 30.000 khán giả trong show diễn tối qua (30/7), các thành viên BlackPink bất ngờ tiết lộ đã được thưởng thức bánh mỳ, phở Việt Nam. Các ca sĩ còn hết lời khen ngợi ẩm thực Việt, thậm chí còn cho biết là đã húp hết nước súp phở vì rất ngon. Màn khoe thưởng thức ẩm thực Việt đầy thú vị của các ngôi sao giải trí hàng đầu Hàn Quốc hiện đang được lan truyền "chóng mặt" trên mạng xã hội.
Việc đội nón lá, nói tiếng Việt và khen bánh mỳ, phở Việt trong show diễn hoành tráng tại Hà Nội thể hiện sự chuyên nghiệp cũng như cách mà các ngôi sao Hàn Quốc tiếp cận văn hóa quốc gia nơi mình đến biểu diễn, qua đó góp phần vào thành công của chương trình khi đã hoàn toàn chính phục và làm hài lòng cũng như thỏa mãn sự mong đợi của công chúng.
Đối với các giá trị văn hóa, ẩm thực, hình ảnh của chúng ta thì có lẽ đây là một trong những cách quảng bá một cách trực tiếp nhất, thiết thực nhất. Bởi, tính đến hiện tại trên ứng dụng Instagram, các thành viên BlackPink có lượng người theo dõi rất khủng. Đơn cử, Lisa có 96,1 triệu người theo dõi Jennie có 80.3 triệu người theo dõi Jisoo có 74,5 triệu người theo dõi, Rosé có 72.9 triệu người theo dõi. Chưa kể những hình ảnh, video ở concert tổ chức tại Hà Nội sẽ góp mặt trong BlackPink - B.P.M. trên kênh Youtube BlackPink với 90,3 triệu người đăng ký.
Là một đất nước nông nghiệp và được đánh giá là có một “tủ thuốc tự nhiên” với các loại rau củ, rau gia vị, sản vật đa dạng khắp các vùng miền. Do đó, Việt Nam được ví như là "bếp ăn" của thế giới. Thời gian qua, hàng loạt món ăn của Việt Nam được vinh danh trên "bản đồ ẩm thực" toàn cầu. Trong đó, CNN Travel mới đây đã xếp hạng bánh mì của Việt Nam ở vị trí thứ 5 trong 24 món bánh mỳ ngon nhất thế giới, còn chuyên trang Taste Atlas xếp hạng món ăn này ở vị trí thứ 7 trong danh sách "Những món ăn đường phố hấp dẫn nhất thế giới".
Đặc biệt, việc Michelin Guice vừa công bố danh sách 103 nhà hàng đạt chuẩn tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã khẳng định thương hiệu “Việt Nam - Bếp ăn của thế giới hay “Việt Nam - Thiên đường ẩm thực của hành tinh”. Hơn thế, việc gắn sao Michelin Guide danh giá chính là cơ hội để “tiếng chuông” ẩm thực Việt Nam ngày càng vang xa hơn và trở thành “quyền lực mềm” góp phần định vị giá trị và tầm ảnh hưởng của văn hóa Việt Nam, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ ngành công nghiệp thực phẩm và đặc biệt là hấp dẫn du khách quốc tế.
Với một nền ẩm thực đa dạng, tiềm năng và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao là vậy, tuy nhiên, tại sự kiện trao ngôi sao Michelin Guice, Nghệ nhân ẩm thực ưu tú Phạm Thị Ánh Tuyết đã bày tỏ với chúng tôi rằng ẩm thực Việt Nam có rất nhiều cơ hội lan tỏa giá trị nhưng chúng ta chưa biết nắm bắt cơ hội ấy để quảng bá và xây dựng thương hiệu. Theo bà, nhiều quốc gia trên thế giới đã làm “marketing” ẩm thực rất giỏi, ví dụ Hàn Quốc chỉ là món rau dưa thôi, nhưng họ nâng tầm thành thương hiệu. Còn ẩm thực Việt Nam chưa có chiến lược quảng bá và phát triển rõ ràng.
Nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyết chia sẻ thêm, bình thường một năm thì nhiều lắm các nghệ nhân như bà mới có một vài cơ hội giới thiệu món ăn tới khách quốc tế. Như vậy phải mất thời gian rất dài mới có thể lan tỏa sự tinh túy của ẩm thực Việt tới quốc tế. "Nhưng một sự kiện doanh nghiệp tổ chức, chỉ thông qua một bữa ăn là có thể quảng bá ẩm thực Việt tới 40 nước rồi"- nghệ nhân Phạm Thị Ánh Tuyến nói.
Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) nhận định du lịch ẩm thực là một lợi thế riêng có của mỗi quốc gia, là yếu tố chiến lược, động lực quan trọng để phát triển du lịch. Ngày nay, du lịch ẩm thực đã trở thành một loại hình được phổ biến toàn cầu cùng với các loại hình du lịch khác.
UNWTO còn cho biết, 87% số tổ chức được điều tra xác định du lịch ẩm thực là yếu tố chiến lược đối với điểm đến; 82% cho rằng du lịch ẩm thực là động lực quan trọng cho phát triển du lịch, là chất xúc tác cho kinh tế địa phương. Vì vậy, nhiều quốc gia đã thực hiện sáng kiến quảng bá và tiếp thị ẩm thực nước mình trên toàn thế giới.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam nhấn mạnh, trong các giá trị văn hóa ẩm thực có sức lan tỏa nhanh và rộng nhất. Có thể nhiều người nước ngoài chưa từng đến Việt Nam nhưng đã có thể biết đến ẩm thực Việt Nam ở chính quê hương của họ. Khi đã trở thành thương hiệu, tài sản quốc gia, ẩm thực sẽ tác động rất lớn đến nhiều ngành kinh tế mà trước nhất là du lịch.
“Chúng ta đều biết “con đường ngắn nhất để đi đến tình yêu là thông qua dạ dày”. Khách du lịch đi đến bất cứ một nơi nào cũng mong muốn được thưởng thức đồ ăn ngon. Ăn uống, dịch vụ chiếm đến 70% doanh thu của ngành du lịch. Nếu làm tốt, toàn bộ kinh tế, hệ thống dịch vụ tại chỗ sẽ được kích thích, phát triển, phần lợi nhuận nhà nước thu được từ tỷ lệ 70% này sẽ ngày càng lớn”-ông Kỳ nhấn mạnh.
Từ thực tiễn đặt ra, thời gian tới đây, nếu chúng ta làm tốt việc xúc tiến, quảng bá văn hóa ẩm thực cũng như các hoạt động du lịch ẩm thực sẽ góp phần quan trọng trong việc quảng bá thương hiệu quốc gia nói chung cũng như thương hiệu du lịch Việt Nam nói riêng. Đặc biệt, việc thúc đẩy nền ẩm thực phát triển thì đây không chỉ là một kênh giới thiệu, lan tỏa tinh hoa văn hóa của Việt Nam ra thế giới, đòn bẩy tăng trưởng du lịch mà còn mở rộng kênh tiêu thụ lương thực, thực phẩm, trở thành một cực xuất khẩu quan trọng đối với kinh tế, tạo ra sự cạnh tranh mềm trong việc xây dựng hình ảnh quốc gia với thế giới.
Bảo Thoa
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|