BIDV triệu tập ĐHĐCĐ bất thường

(Banker.vn) Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) vừa có thông báo triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường năm 2024 vào 14h30 ngày 30/1/2024.

Theo đó, địa điểm tổ chức Đại hội là tại Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, số 773 đường Hồng Hà, phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Được biết, ĐHĐCĐ bất thường năm 2024 sẽ thảo luận và thông qua hai tờ trình về việc phê duyệt Phương án Cơ cấu lại BIDV giai đoạn 2021 - 2025 và bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) và thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022 - 2027.

Theo thông tin từ BIDV, hiện vẫn chưa có đơn đề cử, ứng cử thành viên Hội đồng quản trị hay Ban Kiểm soát ngân hàng.

Hiện tại, Hội đồng quản trị của BIDV đang có 10 thành viên, trong đó ông Phan Đức Tú giữ chức Chủ tịch HĐQT, 8 ủy viên và một ủy viên độc lập. Ban Kiểm soát của ngân hàng có hai thành viên, trong đó ông Cao Cự Trí là thành viên phụ tránh.

BIDV triệu tập ĐHĐCĐ bất thường
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID)

Trước đó, BIDV cũng vừa mới tổ chức Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh năm 2024. Trong đó, ngân hàng công công bố lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2023 đạt 26.750 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng.

Nếu so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận riêng lẻ của BIDV năm 2023 đã tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2022, lợi nhuận hợp nhất tăng 18,8%. Trong đó, BIDV cho biết lợi nhuận trước thuế khối công ty con đạt 1.290 tỷ đồng, khối liên doanh ở mức 945 tỷ đồng.

Với kết quả trên, BIDV là ngân hàng ghi nhận lợi nhuận cao thứ hai trong nhóm Big4, chỉ sau Vietcombank (hơn 40.000 tỷ đồng) và nhỉnh hơn Agribank (25.300 - 25.400 tỷ đồng) và VietinBank ( khoảng 22.500 tỷ đồng).

Cũng theo thông tin cập nhật mới nhất từ BIDV, tính đến thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng này đạt 2,26 triệu tỷ đồng; tiếp tục giữ vững vị thế là Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam.

Ngoài ra, huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%. Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%, đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức 1,1%. Trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ trang trải nợ xấu đạt 192%.

BIDV cho biết ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ DPRR tín dụng/dư nợ xấu) đạt 192%. Năm 2023, BIDV nộp ngân sách Nhà nước trên 6.200 tỷ đồng, thuộc nhóm các doanh nghiệp dẫn đầu về nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, BIDV đặt mục tiêu điều hành dư nợ tín dụng theo giới hạn tín dụng ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%. Huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả. Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức không quá 1,4%.

Trên thị trường chứng khoán, giá trị cổ phiếu BID của ngân hàng này tăng trưởng 26,4% trong năm 2023; vốn hóa đạt 10,5 tỷ USD, đứng thứ 2 thị trường. Cổ phiếu BID tại thời điểm chốt phiên giao dịch ngày 5/1 đang dừng ở mức 44.500 đồng/cp.

Tổng Giám đốc BIDV đề xuất NHNN kéo dài Thông tư 02

Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho rằng, việc Thông tư 02 sẽ hết hạn vào 30/6 sẽ tạo áp lực rất lớn về ...

"Cá voi trắng" của ngành ngân hàng: Đường tới định giá còn xa

Dù liên tục tăng mạnh nhưng cổ phiếu của ngân hàng này vẫn đang dưới vùng định giá khá xa...

Thu Thảo (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán