Bệnh viện ngành mắt tìm giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn’’ đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế

(Banker.vn) Ngày 23/3 tại Bắc Ninh, Bệnh viện Mắt TW chủ trì Hội nghị Giám đốc các bệnh viện chuyên khoa mắt, cập nhật kinh nghiệm đào tạo, chỉ đạo tuyến và đấu thầu y tế.
“Cởi trói” đấu thầu y tế, các địa phương, bệnh viện có còn thiếu thuốc? "Bắt tay" đối tác ngoại để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

Cơ sở y tế còn lúng túng trong đấu thầu

Thông tin tại hội nghị, nhiều đại biểu chia sẻ, ngày 27/2 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 24/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu có nhiều điểm mới để giải quyết khó khăn, vướng mắc về đấu thầu trong lĩnh vực y tế, song tại nhiều địa phương, cơ sở y tế vẫn gặp khó khăn.

Ông Đào Khắc Hùng - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh nêu thực tế hiện nay ngành y tế địa phương gặp khó khăn về đấu thầu giống như ngành y tế trong toàn quốc. Các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chưa thể thực hiện được đấu thầu mua sắm thuốc vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế vì chưa có thông tư hướng dẫn.

Bệnh viện ngành mắt tìm giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn’’ đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế
Tháo gỡ “điểm nghẽn’’ đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư y tế để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Ảnh: TTXVN

Đồng quan điểm với ông Hùng, lãnh đạo Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện chưa có sự phân nhóm các loại thuốc vật tư, trang thiết bị cụ thể đâu là hạng mục dành cho các cơ sở y tế, khám chữa bệnh được phép chủ động đấu thầu mua sắm, cũng như hướng dẫn xác định đơn giá trọn gói...

Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương PGS.TS Phạm Ngọc Đông thông tin, đến thời điểm này, các gói thầu cơ bản có kết quả. Bệnh viện đã nhận được vật tư chính để đảm bảo phẫu thuật, khám chữa bệnh cấp cứu cho bệnh nhân. Ví dụ, phẫu thuật đục thủy tinh thể, phẫu thuật cắt dịch kính... Tuy nhiên tại Bệnh viện Mắt Trung ương còn có một số gói thầu do không có nhà thầu tham dự hoặc có nhà thầu tham dự nhưng không trúng thầu nên bệnh viện còn thiếu một số vật tư. Đơn cử như dây silicon để mổ sụp mi cho bệnh nhân, tuy nhiên, số lượng bệnh nhân sử dụng phẫu thuật này không nhiều và có thể trì hoãn vì không phải phẫu thuật cấp cứu...

Cùng những quan điểm nêu trên, nhiều đại diện các bệnh viện mắt cho rằng, vẫn chưa có sự phân nhóm các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị cụ thể đâu là hạng mục dành cho các cơ sở y tế, khám chữa bệnh được phép chủ động đấu thầu mua sắm. Thậm chí, nhiều phần mềm như mua sắm trực tuyến, hay chào giá trực tuyến cũng chưa đi vào hoạt động đồng bộ nên việc thực hiện chưa khả thi.

Cùng tháo gỡ ''điểm nghẽn''

Trả lời những khó khăn, vướng mắc của nhiều bệnh viện trong đấu thầu theo quy định mới, ông Hoàng Cương - Trưởng phòng Chính sách, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, sắp tới Bộ Y tế sẽ ban hành 3 thông tư hướng dẫn về quy trình danh mục đàm phán giá, mua sắm tập trung và đấu thầu thuốc. Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ ban hành Chỉ thị về việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc tự quyết và tự chịu trách nhiệm trong công tác đầu thầu mua sắm.

Ông Cương chia sẻ thêm, từ khi Luật Đấu thầu mới có hiệu lực áp dụng đã có trên 1 vạn gói thầu các ngành nghề phát hành hồ sơ mời thầu theo luật mới, trong đó có các gói thầu mua sắm cho y tế. Trong quá trình xây dựng luật, về cơ bản, ban soạn thảo đã nhìn ra các vướng mắc, khó khăn trong vấn đề đấu thầu nói chung và đặc biệt là đấu thầu trong lĩnh vực y tế nói riêng, để có hướng giải quyết trong luật và nghị định. Trong luật mới trao quyền nhiều hơn cho các giám đốc bệnh viện công lập trong công tác đấu thầu. Việc này nhằm để đảm bảo tính linh hoạt, tự chủ của các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên, công tác này cần phải đảm bảo tuân thủ đúng các quy định của Nhà nước.

Hiện nay, Bộ Y tế đang dự thảo quyết định phân cấp cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng sắp tới giám đốc bệnh viện sẽ quyết định tất cả, từ việc lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, kết quả hợp đồng và tất cả những việc xử lý trong đấu thầu liên quan đến dự toán mua sắm, kể cả việc quyết định mua sắm như thế nào là do giám đốc bệnh viện quyết mà không trình lên Bộ Y tế.

Liên quan đến vấn đề đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế, TS. Dương Huy Lương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo: Các bệnh viện cần nghiên cứu, học tập, quán triệt thực hiện các nội dung đấu thầu, mua sắm thuốc, vật tư theo quy định để có thuốc, vật tư phục vụ nhu cầu của người bệnh và phát triển chuyên môn.

Cùng đó, các bệnh viện chuyên khoa mắt phải chú trọng nâng cao, đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật cao, chuyên môn sâu chuyên ngành mắt để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người bệnh; đồng thời chú trọng đảm bảo an toàn người bệnh và cho cả nhân viên y tế.

Đại diện Bệnh viện Mắt TP. Hồ Chí Minh nêu ý kiến, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế sau thời gian thực hiện các quy định mới về đấu thầu khoảng 6 tháng hoặc một năm cần có sơ kết, đánh giá, để các đơn vị trình bày khó khăn vướng mắc gặp phải thực tiễn và được hướng dẫn gỡ rối…

Để công tác đấu thầu được thực hiện dễ dàng và đồng bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Y tế đang khẩn trương xây dựng các thông tư, hướng dẫn để cụ thể hóa Luật Đấu thầu số 22/2023/QH15 và Nghị định số 24/2024/NĐ-CP.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương