Bệnh cường giáp nguy hiểm như thế nào đến sức khỏe?

(Banker.vn) Tuyến giáp đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển hóa và tăng trưởng của cơ thể. Vậy khi mắc bệnh cường giáp nguy hiểm như thế nào tới sức khỏe?
Người cao tuổi mắc bệnh tiểu đường: Cần chế độ ăn uống, sinh hoạt ra sao?

Nguyên nhân gây bệnh cường giáp

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân chủ yếu gây bệnh cường tuyến giáp bao gồm bệnh Basedow; các nhân tuyến giáp hoạt động quá mức; viêm tuyến giáp…

Bệnh cường giáp nguy hiểm như thế nào đến sức khỏe?
Bệnh cường giáp nguy hiểm như thế nào đến sức khỏe?

Bệnh Basedow xuất hiện do các tự kháng thể trong máu kích hoạt tuyến giáp, làm cho tuyến giáp phát triển và tiết ra quá nhiều hormone tuyến giáp. Loại cường giáp này có xu hướng phát triển trong gia đình, thường xảy ra ở phụ nữ trẻ có độ tuổi từ 20-50 tuổi.

Với các nhân tuyến giáp thường lành tính, chỉ có 1 tỷ lệ rất nhỏ chứa tế bào ung thư. Tuy nhiên, một hoặc nhiều nhân tuyến giáp có thể hoạt động quá mức và sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp. Điều này thường xuất hiện ở những người lớn tuổi.

Viêm tuyến giáp: Đây là tình trạng tuyến giáp bị viêm làm phá hủy cấu trúc thông thường của các nang tuyến giáp, dẫn đến hormone tuyến giáp dự trữ bị rò rỉ ra ngoài tuyến giáp. Cường tuyến giáp có thể kéo dài đến 3 tháng, sau đó cấu trúc mô học của tuyến giáp lại trở lại bình thường. Suy giáp thường kéo dài từ 12-18 tháng, tuy nhiên tình trạng này có thể diễn ra vĩnh viễn.

Các triệu chứng nhận biết mắc bệnh cường giáp

Rối loạn giấc ngủ: Người bệnh cường giáp hay bị khó ngủ, giấc ngủ không yên, giấc ngủ ngắn hơn bình thường.

Hồi hộp đánh trống ngực: Cảm giác tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực, có thể cảm thấy đau ngực, khó thở.

Triệu chứng run tay khiến bệnh nhân không thể tự kiểm soát, thường run với tần số nhanh và biên độ nhỏ

Bướu cổ: Nơi chứa tuyến giáp phình to, nguyên nhân do tuyến giáp bị phì đại.

Người bệnh cường giáp thường bị sụt cân, dù chế độ ăn vẫn như bình thường thậm chí là nhiều hơn, có thể sụt nhiều kg trong vòng 1 tháng.

Ra mồ hôi nhiều: Cùng với tình trạng sợ nóng, người bệnh cường giáp thường xuyên ra mồ hôi thậm chí cả khi không vận động gì chỉ ngồi yên một chỗ.

Thay đổi tính tình, dễ cáu giận, lo lắng; mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, người bệnh không muốn vận động nhiều.

Đối tượng dễ mắc bệnh là người có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp; có các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm: Thiếu máu ác tính; bệnh tiểu đường loại 1; suy thượng thận nguyên phát, rối loạn nội tiết tố; sử dụng một lượng lớn thực phẩm có chứa iốt chẳng hạn như tảo, rong biển hoặc sử dụng các loại thuốc có chứa iốt, chẳng hạn như amiodarone; đã phẫu thuật tuyến giáp hoặc có vấn đề về tuyến giáp, chẳng hạn như bướu cổ.

Các biến chứng có thể xảy ra và phương pháp điều trị

BS. CKII Trần Đỗ Lan Phương - Khoa Nội tiết – đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – chia sẻ, nếu không được chữa trị đúng cách, cường giáp có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng về tim, xương, cơ, chu kỳ kinh nguyệt và khả năng sinh sản. Trong quá trình mang thai, bệnh không được điều trị có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.

Chuyên gia lưu ý một số biến chứng có thể xảy ra như: Bệnh mắt tuyến giáp, một tình trạng mắt gây ra chứng song thị, nhạy cảm với ánh sáng, đau mắt và thậm chí mất thị lực

Rối loạn nhịp tim có thể dẫn đến sự hình thành và phát triển các cục máu đông, suy tim, các vấn đề tim mạch khác…

Các biến chứng khi mang thai như huyết áp cao khi mang thai, cân nặng thai nhi khi sinh thấp, sẩy thai, sinh non; loãng xương.

Bệnh cường giáp không khó điều trị, tuy nhiên cần theo dõi sức khỏe để phát hiện bệnh kịp thời thì hiệu quả điều trị bệnh rất cao. Một số phương pháp có thể áp dụng để chẩn đoán bệnh như xét nghiệm định lượng TSH, FT3, FT4; siêu âm tuyến giáp và siêu âm doppler tuyến giáp.

Phương pháp phổ biến và hiệu quả nhất để điều trị cường giáp là nội khoa. Nghĩa là người bệnh sẽ được chỉ định sử dụng một số loại thuốc để chữa trị bệnh. Thông thường bệnh nhân sẽ được sử dụng một số loại thuốc kháng giáp tổng hợp. Tùy vào mức độ bệnh và thể trạng của bệnh nhân, bác sĩ có thể kê thêm một số loại thuốc ức chế beta giao cảm hoặc thậm chí là thuốc an thần…

Ngoài ra còn điều trị phóng xạ bằng cách uống iod có gắn chất phóng xạ hoặc điều trị ngoại khoa bằng cách phẫu thuật tuyến giáp. Mục đích của việc điều trị là đưa lượng hormone tuyến giáp trở lại bình thường để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe lâu dài và giảm các triệu chứng khó chịu do tình trạng gia tăng hormon giáp trong máu gây ra.

Với một số trường hợp, vùng cổ sưng to gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ hoặc tình trạng bệnh tái phát nhiều lần, các bác sĩ sẽ có thể áp dụng phương pháp phẫu thuật hoặc cho bệnh nhân sử dụng đồng vị Iod phóng xạ.

Thời gian điều trị bệnh cường giáp thường xác định lâu dài và liên tục, nhiều trường hợp có thể kéo dài từ 12 - 18 tháng. Điều này phụ thuộc vào phác đồ điều trị của bác sĩ. Khoảng 4 tuần sau khi sử dụng thuốc, cơ thể người bệnh sẽ có những cải thiện rõ rệt. Bệnh nhân tuyệt đối không được bỏ thuốc giữa chừng dù những triệu chứng đã bắt đầu thuyên giảm.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục