Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Đột phá trong công tác triển khai chuyển đổi số

(Banker.vn) Bảo hiểm Xã hội Việt Nam xác định, công tác triển khai chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của toàn ngành.
Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Thí điểm tích hợp trợ lý ảo vào Tổng đài Chăm sóc khách hàng Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Cung cấp 20 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia

Ngày 21/7, tại Hà Nội, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 của Chính phủ 6 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 và đánh giá kết quả thí điểm ứng dụng xác thực sinh trắc học trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính.

Bảo hiểm Xã hội Việt Nam: Đột phá trong công tác triển khai chuyển đổi số

Báo cáo công tác chuyển đổi số và Đề án số 06 của Chính phủ cho thấy, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là đơn vị đầu tiên kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ chia sẻ, xác thực, đồng bộ thông tin công dân giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo đó, tính đến ngày 15/7/2023, hệ thống đã xác thực được 88.797.864 thông tin nhân khẩu trong cơ sở dữ liệu quốc gia do Bảo hiểm Xã hội Việt Nam quản lý với cơ sở dữ liệu quốc gia quốc gia về dân cư. Đồng thời, Hệ thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ 123.866.984 lượt bản ghi thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đây là cơ sở để toàn ngành tiến hành chuyển đổi sang sử dụng số định danh cá nhân, số căn cước công dân thay thế cho mã số bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Tư pháp để triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông gồm: Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi; Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng

Cụ thể, tính đến ngày 15/7/2023, bảo hiểm xã hội 2 địa phương triển khai làm điểm (Hà Nam và Hà Nội) đã tiếp nhận và giải quyết 45.534 hồ sơ đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Với việc triển khai thủ tục hành chính liên thông này, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam rút ngắn thời gian thời gian chờ cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi từ 5 ngày xuống còn 2 ngày.

Về Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Hỗ trợ chi phí mai táng, Trợ cấp mai táng, tính đến ngày 15/7/2023, bảo hiểm xã hội 2 địa phương triển khai làm điểm đã tiếp nhận và giải quyết 1.576 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí.

Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã thực hiện triển khai 3 Dịch vụ công theo Quyết định số 422/QĐ-TTg ngày 04/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ: (Đăng ký tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; Đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia bảo hiểm y tế; "Giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần”). Trong đó, tính đến ngày 15/7/2023, Hệ thống của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý 2.664 giao dịch đăng ký, đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Cùng với đó, ngành này đã hỗ trợ ngành Y tế liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử từ cơ sở khám chữa bệnh qua hạ tầng của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, đây là đầu vào quan trọng để phục vụ triển khai 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông và dịch vụ công cấp đổi, cấp lại giấy phép lái xe trực tuyến.

Theo báo có, tính đến ngày 15/7/2023, trên toàn quốc có 1.080 cơ sở khám chữa bệnh đã gửi dữ liệu giấy khám sức khỏe lái xe, với 684.290 dữ liệu được gửi; có 1.170 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy chứng sinh, với 200.792 dữ liệu được gửi; 375 cơ sở khám chữa bệnh gửi dữ liệu giấy báo tử, với 2.266 dữ liệu được gửi.

Đáng chú ý, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng đã phối hợp với các Ngân hàng, các cơ quan liên quan đẩy mạnh chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế không dùng tiền mặt; đồng bộ, chia sẻ cho Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin để theo dõi, đánh giá tình hình việc làm của sinh viên sau khi ra trường. Quyết liệt cùng với Bộ Y tế triển khai khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân gắn chip...

Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - ông Nguyễn Thế Mạnh cho hay, những kết quả đạt được trong triển khai công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 đã mang lại những thay đổi mang tính “bước ngoặt” trong mọi hoạt động của ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam. “Đây là tiền đề để toàn ngành tiếp tục triển khai thành công các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới với quyết tâm kiến tạo và xây dựng thành công ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam số, theo đúng định hướng về Chính phủ số, đáp ứng yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp”- ông Nguyễn Thế Mạnh chia sẻ.

Ghi nhận việc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam là đơn vị luôn đồng hành, có sự phối hợp rất sớm, thường xuyên, chặt chẽ với Bộ Công an trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ đánh giá, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã chủ động, đồng hành cùng với Bộ Công an trong thực hiện thu thập dữ liệu, phục vụ cho việc xác thực cơ sở dữ liệu về dân cư để triển khai thành công Đề án 06 của Chính phủ

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc, thời gian qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam không chỉ làm tốt nhiệm vụ của mình trong xây dựng cơ sở dữ liệu, hạ tầng công nghệ, đội ngũ cán bộ… mà còn chủ động, đi trước đón đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số, phối hợp, hỗ trợ nhiều Bộ, ngành, địa phương vì mục tiêu chung, góp phần vào làm giàu thêm cơ sở dữ liệu quốc gia. “Với các dịch vụ công của ngành được triển khai trực tuyến, liên thông đã đóng góp lớn vào văn minh, văn hóa, kinh tế của xã hội, đồng thời cũng góp phần phòng chống các hành vi vi phạm, mang lại lợi ích toàn diện”- Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhận định.

Với tinh thần quyết tâm chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, trong 6 tháng cuối năm 2023, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số, Đề án 06, trong đó tập trung củng cố, phát huy thế mạnh của hệ thống cơ sở dữ liệu sẵn có; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xác thực, chia sẻ, liên thông; triển khai hiệu quả 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông trên phạm vi toàn quốc; an toàn thông tin tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (big Data), điện toán đám mây… tiếp tục tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương