Bảo hiểm chi trả ra sao khi cây đè bẹp ô tô sau siêu bão?

(Banker.vn) Theo một số đơn vị, chủ sở hữu mua bảo hiểm bảo hiểm vật chất, thân vỏ cho ô tô sẽ được đền bù khi bị cây đổ đè trúng sau siêu bão ở một số trường hợp.
Chùm ảnh: Thành phố Hạ Long tan hoang sau khi siêu bão Yagi càn quét Bộ trưởng Bộ Công Thương ký công điện hỏa tốc về ứng phó, khắc phục thiệt hại do bão số 3 Nghĩa cử đẹp trong bão số 3: Tình người Việt vẫn luôn nồng đượm

Sáng 8/9, theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, sau sức tàn phá mãnh liệt của cơn bão số 3 (bão Yagi), cây xanh, cây cổ thụ đã đè bẹp ô tô, gây ra móp méo, hỏng hóc toàn bộ phương tiện.

Bảo hiểm chi trả ra sao khi cây đè bẹp ô tô sau siêu bão?
Chiếc ô tô Kia Morning bị cây đè bẹp, hỏng toàn bộ khung xe ở trước sảnh chung cư HH1C, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ảnh: Trần Đình
Bảo hiểm chi trả ra sao khi cây đè bẹp ô tô sau siêu bão?
Một số chiếc xe nằm trong bãi cũng bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Ảnh: Trần Đình
Bảo hiểm chi trả ra sao khi cây đè bẹp ô tô sau siêu bão?
Dù đã phủ bạt kỹ lưỡng nhưng chủ sở hữu không thể tính trước được trường hợp ô tô bị cây bên cạnh đè bẹp. Ảnh: Trần Đình
Bảo hiểm chi trả ra sao khi cây đè bẹp ô tô sau siêu bão?
Hai chiếc ô tô nằm sát nhau bị cây đè trúng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới khung xe. Ảnh: Trần Đình
Bảo hiểm chi trả ra sao khi cây đè bẹp ô tô sau siêu bão?
Chiếc xe điện bị đè vỡ kính lái, móp cửa, trần xe, chủ sở hữu cho biết đang liên hệ công ty bảo hiểm để tìm cách khắc phục, sửa chữa. Ảnh: Trần Đình

Theo tư vấn của công ty bảo hiểm Bảo Việt, khi cây đổ vào xe ô tô mà bị hư hỏng, thiệt hại sẽ được công ty bảo hiểm ô tô bồi thường nếu khách hàng đã mua gói bảo hiểm vật chất xe. Còn nếu chủ sở hữu chỉ tham gia loại hình bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe thì khi phương tiện đó bị hư hỏng, thiệt hại sẽ không được công ty bảo hiểm ô tô bồi thường.

Riêng đối với các trường hợp chủ xe mua thêm loại hình bảo hiểm thân vỏ, vật chất xe tự nguyện mà chẳng may gặp phải sự cố cháy nổ, đâm va thì công ty bảo hiểm sẽ cử giám định tới để giám định thiệt hại từ đó có phương án bồi thường đúng với số tiền mà khách hàng đã chi trả để sửa chữa.

Đơn vị kể trên lưu ý, khi gặp cây đổ vào xe thì bạn cần phải gọi điện thông báo cho công ty bảo hiểm để công ty bảo hiểm vật chất xe cử nhân viên tới xác nhận thiệt hại cũng như hướng dẫn bạn các thủ tục để được hưởng quyền lợi và chi trả tiền bồi thường. Bên cạnh đó, chủ sở hữu cũng có thể gọi cơ quan chức năng tới để ghi nhận và chụp hình lại hiện trường sau đó đưa xe đến nơi sửa chữa.

Ngoài đền bù thiệt hại, bảo hiểm thân vỏ xe ô tô còn có thể hỗ trợ chi trả cho những chi phí thiết yếu như chi phí để ngăn ngừa phát sinh thêm thiệt hại, chi phí cứu hộ và vận chuyển xe ô tô đến gara sửa chữa gần nhất, bồi thường toàn bộ chi phí nếu xe ô tô không thể sửa chữa.

Bên cạnh đó, số tiền bảo hiểm thân vỏ xe thường được quy định khi người mua ký hợp đồng thỏa thuận với công ty bảo hiểm. Số tiền bảo hiểm giúp xác định số tiền bồi thường mà công ty bảo hiểm sẽ chi ra để giúp chủ xe sửa chữa, thay thế bộ phận xe bị hư hỏng, hoặc để bù đắp tổn thất cho chủ xe.

Cụ thể, cách tính tiền bảo hiểm thân vỏ xe ô tô dựa trên bồi thường tổn thất bộ phận: số tiền bồi thường dựa trên báo giá của gara sửa chữa có liên kết với công ty bảo hiểm và được chủ xe chọn để sửa xe; bồi thường tổn thất toàn bộ: số tiền bồi thường toàn bộ bằng giá trị thị trường của xe trước khi xảy ra tai nạn; mức khấu trừ là số tiền mà chủ xe tự chi trả để chia sẻ với công ty bảo hiểm, nhằm giảm phí mua bảo hiểm. Trong mọi trường hợp, tổng số tiền bồi thường không vượt quá số tiền bảo hiểm ghi trên hợp đồng (theo ngày hoặc theo vụ).

Tuy nhiên, một số công ty bảo hiểm khác cũng lưu ý rằng trong trường hợp chủ sở hữu đỗ xe vào những cung đường có quy định cấm đỗ, công ty bảo hiểm sẽ từ chối bồi thường nếu xảy ra sự cố.

Trong trường hợp xe ô tô bị tai nạn, hư hỏng do cây đè trúng, cần được bồi thường, chủ xe hoặc người được ủy quyền cần chuẩn bị các hồ sơ bao gồm các giấy tờ xác minh chủ quyền xe: căn cước công dân hoặc hộ chiếu của chủ xe, giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe; giấy chứng nhận/ hợp đồng bảo hiểm; giấy tờ liên quan đến thiệt hại về người: giấy ra viện, chứng nhận phẫu thuật, giấy chứng thương hoặc chứng tử; hóa đơn, chứng từ sửa chữa, thay mới các bộ phận xe ô tô, hoặc các chi phí hợp lý khác mà chủ xe đã chi ra để giảm thiểu thiệt hại, theo hướng dẫn của công ty bảo hiểm.

Đồng thời, chia sẻ với Báo Công Thương, một số bảo vệ tại các bãi gửi xe ô tô tại khu vực phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai cho biết: ''Đối với những ô tô đỗ trong bãi, bị mái tôn, cây xanh đè bẹp, chúng tôi cũng sẽ có một khoản bồi thường nhất định bởi đây là do chưa thể đảm bảo cơ sở vật chất khi thiên tai tới. Nhưng lưu ý rằng, điều này sẽ tùy theo hợp đồng gửi xe ban đầu, và khoản bồi thường sẽ được thỏa thuận trực tiếp với chủ xe''.

Trần Đình

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục