Báo Công Thương từng cảnh báo gì về Bất động sản Nhật Nam?

(Banker.vn) Từ việc TGĐ Bất động sản Nhật Nam vừa bị tạm giữ, trước đó, rất nhiều báo, trong đó có Báo Công Thương từng nhiều lần cảnh báo về "bong bóng" từ mô hình này.
Vì sao loạt cảnh báo về Bất động sản Nhật Nam bị phớt lờ khiến vạn người nhận cái kết đắng? 'Miếng pho mát trên bẫy chuột' bất động sản Nhật Nam và 'tiếng quạ réo vong hồn' cho trò làm ăn gian trá Công an Hà Nội tạm giữ CEO Bất động sản Nhật Nam Vũ Thị Thuý Địa phương nào phát văn bản đầu tiên cảnh báo về "bánh vẽ" Bất động sản Nhật Nam?

Từng cảnh báo về nguy cơ tiềm ẩn rủi ro cho nhà đầu tư

Cách đây từ 2 - 3 năm, nhiều cơ quan báo chí trong đó có Báo Công Thương và các cơ quan chức năng từng cảnh báo rất nhiều về "bong bóng" từ mô hình hoạt động của Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam (Công ty Bất động sản Nhật Nam). Theo đó, Báo Công Thương từng đưa tin: “Bộ Công an cảnh báo “chiêu trò” huy động vốn của Công ty Cổ phần đầu tư thương mại Bất động sản Nhật Nam”.

Nội dung bài báo nêu rõ, từ những bất thường từ mô hình hoạt động của Công ty Bất động sản Nhật Nam, Công an huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã có văn bản thông báo về việc hoạt động của công ty này. Trong văn bản nêu, theo thông báo của Bộ Công an, Công ty Nhật Nam, trụ sở chính tại 54 Ngô Thị Thu Minh, phường 2, quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh; người đại diện theo pháp luật là Vũ Thị Thúy (hộ khẩu thường trú khu 4, xã Thạch Tân, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa).

Báo Công Thương từng cảnh báo gì về Bất động sản Nhật Nam?
Bộ Công an và nhiều địa phương từng cảnh báo về “chiêu trò” huy động vốn của Công ty Bất động sản Nhật Nam

Ngoài Vũ Thị Thúy - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, các cổ đông góp vốn gồm: Vũ Thị Thúy, Mai Thanh Tùng (chồng Vũ Thị Thúy), Vũ Đức Tại có hành vi huy động vốn thông qua "Hợp đồng hợp tác kinh doanh” tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, đưa ra yêu cầu bảo mật thông tin và cam kết không hình sự hóa các tranh chấp, chỉ hòa giải dân sự tại tòa án kinh tế, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Để bảo vệ tài sản của cán bộ, công nhân viên chức và người dân, kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân và Công ty Bất động sản Nhật Nam, Công an huyện Bảo Yên đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, cảnh báo đến nhà đầu tư và cán bộ, công nhân viên chức và người dân nâng cao ý thức cảnh giác, tự bảo vệ tài sản, không tham gia đầu tư.

Tiếp ngay sau đó, nhiều địa phương khác cũng tiếp tục có công văn cảnh báo về Bất động sản Nhật Nam. Cụ thể, ngày 8/9, Báo Công Thương đưa tin “Công văn "khẩn" cảnh báo về rủi ro trong hoạt động huy động vốn của Công ty Nhật Nam” theo nội dung công văn cảnh báo của Văn phòng UBND tỉnh Hòa Bình về xử lý nội dung liên quan đến hành vi, hoạt động huy động vốn có nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự của Công ty Bất động sản Nhật Nam.

Có thể thấy, nội dung công văn từ các tỉnh Lào Cai, Hòa Bình đều đề cập đến các vấn đề liên quan đến Công ty Bất động sản Nhật Nam. Cụ thể, hành vi huy động vốn thông qua "Hợp đồng hợp tác kinh doanh” của Công ty Bất động sản Nhật Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư, nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Đáng nói, Công ty này thành lập nhiều chi nhánh và các văn phòng giao dịch bất động sản tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày với tỷ suất lợi nhuận cao (từ 5 - 7%/tháng, tương đương 60 - 84%/năm, kèm theo nhiều ưu đãi bất động sản).

Sau khi ký hợp đồng và nộp tiền, các nhà đầu tư sẽ được chi trả lợi nhuận hàng ngày vào tài khoản. Nhưng khi chia lợi nhuận cho nhà đầu tư, Công ty Nhật Nam không sử dụng tài khoản doanh nghiệp mà sử dụng tài khoản cá nhân của Vũ Thị Thúy để chuyển tiền, hành vi này có dấu hiệu che giấu thu nhập đã chia cho các nhà đầu tư, qua đó trốn tránh nghĩa vụ kê khai thuế thu nhập cá nhân thay cho các nhà đầu tư, vi phạm Luật Quản lý thuế.

Mục đích sử dụng vốn huy động của Công ty Nhật Nam có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình "Ponzi” (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến một thời điểm nào đó, Công ty Nhật Nam không còn khả năng chi trả cho nhà đầu tư sẽ nảy sinh tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn nguy cơ phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Báo Công Thương từng cảnh báo gì về Bất động sản Nhật Nam?
Công ty Bất động sản Nhật Nam lôi kéo nhiều nhà đầu tư tham gia góp vốn với cam kết trả lợi nhuận hàng ngày, tỷ suất lợi nhuận từ 5 - 7%/tháng, tương đương 60 - 84%/năm kèm theo ưu đãi mua bất động sản

Theo đó, các địa phương đã ra thông báo đề nghị các cơ quan báo chí, Cổng thông tin điện tử tỉnh; Phòng Văn hóa - Thông tin; Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố thực hiện tuyên truyền, cảnh báo đến người dân, doanh nghiệp thông tin liên quan đến hành vi hoạt động có dấu hiệu phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự của Công ty Nhật Nam.

Lợi nhuận tới 70 - 80%/năm là "không tưởng"

Điều đáng nói, dù Báo Công Thương cũng như nhiều cơ quan báo chí truyền thông đã có loạt cảnh báo từ nhiều năm trước, tuy nhiên, nhiều người vẫn “dính bẫy”. Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư mới đây, vì tin vào những hợp đồng hợp tác kinh doanh lãi cao 46%/năm, trả lãi theo ngày của Công ty Nhật Nam, khiến nhiều người phải “ngậm trái đắng”, nợ nần chồng chất. Nhiều nhà đầu tư rơi vào tình thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” nên đành tiếp tục tin vào lời hứa của bà Vũ Thị Thúy với những lời cam kết đường mật.

Theo nhiều nhà đầu tư, bà Vũ Thị Thúy - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc của công ty hứa rằng: "Ai mất tiền thì bà sẽ đền", nên họ đã dồn hết tiền của bỏ vào Công ty Nhật Nam, với mong muốn có cơ hội "đổi đời" cùng Nhật Nam.

Báo Công Thương cũng đã chỉ ra, chiêu thức "hút" nhà đầu tư mà Công ty Nhật Nam áp dụng là trả lợi nhuận cao (trung bình khoảng 46%, thậm chí tới 70% hay 80% một năm), nhà đầu tư chỉ cần ký hợp đồng và lĩnh tiền, không cần quan tâm đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Tuy nhiên, qua trao đổi của Báo Công Thương với các luật sư về vấn đề này và được các luật sư phân tích, khó có thể có hoạt động sản xuất kinh doanh nào hiện nay có được lợi nhuận cao, để có thể chi trả cho các nhà đầu tư như của Công ty Nhật Nam. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, mức lãi suất này là không tưởng.

Nếu có làm ăn thật, có dự án thật, có hoạt động tốt, thuận lợi thì không thể nào có được lãi suất cao như vậy. Còn trả lãi cao như thế này chỉ có cách là huy động đa cấp, nhận của người sau trả cho người trước.

Báo Công Thương từng cảnh báo gì về Bất động sản Nhật Nam?
Vì tin vào những hợp đồng hợp tác kinh doanh lãi cao 46%/năm, trả lãi theo ngày của Công ty Nhật Nam, khiến nhiều người phải “ngậm trái đắng”, nợ nần chồng chất

Như Báo Công Thương đã phản ánh, nói tới Công ty Nhật Nam, từ khi mới thành lập, bắt đầu huy động vốn, người ta đã liên tưởng tới mô hình “Ponzi” – mô hình lấy tiền của người sau trả cho người trước gắn liền với tên tuổi của “ông tổ” lừa đảo người Ý Charles Ponzi. Mô hình này khi du nhập vào Việt Nam đã biến tướng tinh vi dưới nhiều hình thức, lừa đảo hàng vạn người, với số tiền đặc biệt lớn.

Điển hình như vụ Liên Kết Việt với gần 6.000 bị hại, số tiền lừa đảo chiếm đoạt là hơn 1.000 tỷ đồng; vụ Alibaba do anh em Nguyễn Thái Luyện cầm đầu, đã lừa đảo hơn 4.500 khách hàng, chiếm đoạt số tiền gần 2.500 tỷ đồng.

Ở vụ việc này, những rủi ro tiềm ẩn khi đầu tư vào Công ty Nhật Nam dưới vỏ bọc “Hợp đồng hợp tác kinh doanh” cũng đã được Cục An ninh kinh tế, Bộ Công an và nhiều địa phương liên tục cảnh báo với nhiều hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo đó, việc bà Vũ Thị Thúy - Tổng giám đốc Công ty Bất động sản Nhật Nam bị tạm giữ đã cho thấy phần nào kết cục được báo trước của công ty này. Song, việc phân rõ đúng sai cần chờ từ kết luận điều tra, xác minh của cơ quan công an. Và có lẽ, đây cũng là điều mà hàng vạn nhà đầu tư đang mòn mỏi, chờ đợi.

Ngọc Linh

Theo: Báo Công Thương