Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á của ADB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,5%

(Banker.vn) Theo dự báo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 có thể đạt 6,5% và năm 2023 là 6,7%.
Ngân hàng Phát triển châu Á lạc quan với tăng trưởng GDP của Việt Nam

Kinh tế Việt Nam phục hồi vững chắc

Sáng 21/9, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã ra mắt báo cáo triển vọng kinh tế châu Á cập nhật năm 2022. Phát biểu tại buổi công bố báo cáo, ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế ADB tại Việt Nam cho biết, ADB giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 6,5% trong năm 2022 và dự kiến tăng 6,7% trong năm 2023.

“Trong đó, nền tảng kinh tế vĩ mô vững mạnh chính là yếu tố then chốt để Việt Nam phục hồi nhanh chóng” - ông Nguyễn Minh Cường khẳng định.

Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á của ADB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,5%
ADB giữ nguyên triển vọng kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ với GDP tăng 6,5% trong năm 2022 và dự kiến tăng 6,7% trong năm 2023

Đánh giá về tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng đầu năm và cả năm 2022, ông Andrew Jeffies - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng: Nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi nhanh hơn dự kiến trong nửa đầu năm 2022 và tiếp tục tăng trưởng trong bối cảnh môi trường toàn cầu có nhiều thách thức.

“Kinh tế phục hồi ổn định nhờ các cân đối kinh tế mạnh, được hỗ trợ bởi sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của ngành sản xuất chế biến chế tạo và dịch vụ” - ông Andrew Jeffies thông tin thêm.

Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á (ADO) cập nhật 2022 nhận định, kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn. Chuỗi cung ứng lương thực thực phẩm toàn cầu được khôi phục, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong năm 2022, tuy nhiên, chi phí đầu vào cao vẫn sẽ kìm hãm sự phục hồi của ngành nông nghiệp.

Nhu cầu thị trường thế giới giảm làm chậm đà tăng trưởng ngành chế biến, chế tạo. Trong tháng 8, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) giảm nhẹ xuống còn 52,7% từ mức 5,4% của tháng 6. Tuy nhiên, triển vọng ngành chế biến chế tạo vẫn khả quan do đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ vào lĩnh vực này.

Di chuyển trong nước hoàn toàn bình thường trở lại và việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại do đại dịch Covid-19 đối với khách hàng nước ngoài sẽ thúc đẩy du lịch phục hồi mạnh mẽ trong nửa cuối năm 2022, là động lực tăng trưởng cho ngành dịch vụ.

Lạm phát ở Mỹ và Liên minh châu Âu làm gia tăng áp lực lạm phát trong nước. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ thận trọng của Việt Nam và việc kiểm soát hiệu quả, đặc biệt đối với các mặt hàng xăng dầu giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát 3,8% năm 2022 và 4,0% năm 2023. Dự báo này không thay đổi so với dự báo đã đưa ra trong báo cáo Triển vọng phát triển châu Á vào tháng 4/2022.

Phân tích kỹ hơn về nguyên nhân Việt Nam giữ ổn định lạm phát trong bối cảnh lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới tăng mạnh, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng: Biện pháp chủ động của Việt Nam trong hạ nhiệt giá xăng dầu, cùng với thời điểm đó, giá xăng dầu trên thế giới “hạ nhiệt” đã khiến giá xăng dầu trong nước giảm, là nguyên nhân chính giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát trong năm 2022. Bên cạnh đó, việc Việt Nam có thể tự cung tự cấp được lương thực, thực phẩm trong bối cảnh giá lương thực, thực phẩm tăng cao cũng khiến Việt Nam kiểm soát tốt lạm phát những tháng đầu năm.

Báo cáo triển vọng kinh tế châu Á của ADB: Tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 6,5%
Với độ mở lớn, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với rủi ro xuất khẩu những tháng cuối năm

Rủi ro đối với tăng trưởng xuất khẩu

Mặc dù đánh giá tích cực, nhưng báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á cũng cho rằng, những tháng cuối năm 2022, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những rủi ro ngày càng tăng, bởi suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Minh Cường phân tích, các đơn đặt hàng xuất khẩu tại châu Á đã giảm trong tháng 8 và điều này cũng đúng với Việt Nam. Điều này không có gì ngạc nhiên khi với chính sách tăng lãi suất của nhiều quốc gia sẽ kéo theo suy giảm kinh tế toàn cầu và làm giảm xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, độ mở nền kinh tế của Việt Nam lại lớn, nên suy giảm kinh tế toàn cầu sẽ kéo theo suy giảm xuất khẩu.

Để hoá giải thách thức đối với tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, ở góc độ vi mô, vai trò của doanh nghiệp vẫn vô cùng quan trọng trong việc duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua chất lượng hàng hoá, dịch vụ và sự nhạy bén của mình.

Còn ở góc độ vĩ mô, các cơ quan chức năng cần đưa ra những chính sách cụ thể để mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là những thị trường tiềm năng đang tăng mạnh như ASEAN và những thị trường truyền thống của Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu, Việt Nam lại là một quốc gia có thế mạnh về lương thực, thực phẩm và các sản phẩm liên quan đến nông nghiệp. Để tăng trưởng xuất khẩu, Việt Nam cũng cần tận dụng lợi thế xuất khẩu của các sản phẩm này trong bối cảnh nhu cầu trên thế giới tăng cao.

Bên cạnh dự báo suy giảm xuất khẩu, báo cáo của ADB cũng cho biết, sự thiếu hụt lao động dự kiến sẽ tác động đến sự phục hồi nhanh chóng của ngành dịch vụ và sản xuất hàng xuất khẩu sử dụng nhiều lao động trong năm 2022.

Ngoài ra, việc chậm giải ngân đầu tư công và các khoản chi xã hội so với kế hoạch, đặc biệt là chậm thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng năm nay và năm sau. Theo đó, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công vẫn là giải pháp Việt Nam cần được thúc đẩy trong thời gian tới.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương