Vingroup và ông Phạm Nhật Vượng rót thêm tiền vào VinFast
Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) và chủ tịch Phạm Nhật Vượng vừa công bố kế hoạch hỗ trợ tài chính lớn dành cho VinFast. Cụ thể, từ nay đến hết năm 2026, Vingroup cam kết cho VinFast vay tối đa 35.000 tỷ đồng để đảm bảo nguồn lực hoạt động. Riêng ông Phạm Nhật Vượng sẽ tài trợ không hoàn lại 50.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ công ty này phát triển.
Ngoài ra, Vingroup sẽ đầu tư thêm vào VinFast Việt Nam thông qua việc chuyển đổi toàn bộ khoản vay hiện hữu khoảng 80.000 tỷ đồng thành cổ phần ưu đãi được hưởng cổ tức. Đây là bước đi giúp công ty đảm bảo đủ vốn để tài trợ các hoạt động kinh doanh, đầu tư thiết yếu và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính. Mục tiêu đến hết năm 2026, VinFast đạt điểm hòa vốn và tự cân đối được dòng tiền.
VinFast hiện đã hoàn thành giai đoạn đầu tư cơ bản. Nhà máy sản xuất ô tô tại Cát Hải (Hải Phòng) với công suất tối đa 300.000 xe/năm đã đi vào vận hành. Công ty cũng hoàn thiện dải sản phẩm và chuyển đổi mô hình phân phối từ trực tiếp đến người tiêu dùng sang hệ thống đại lý. Trong giai đoạn tới, VinFast đặt mục tiêu đẩy mạnh doanh số tại các thị trường quốc tế và tối ưu cơ cấu chi phí.
Tael Two Partners Ltd rút lui hoàn toàn khỏi Vinasun
Cổ đông lớn Tael Two Partners Ltd đăng ký thoái toàn bộ 6.441.110 cổ phiếu sở hữu tại Công ty CP Ánh Dương Việt Nam - Vinasun (HoSE: VNS), giảm tỷ lệ sở hữu từ 9,49% xuống 0%. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 15/11 đến ngày 13/12.
Trước đó, từ ngày 30/10 đến ngày 8/11, Tael Two Partners Ltd đã bán 1 triệu cổ phiếu, hạ tỷ lệ sở hữu từ 10,97% xuống 9,49%. Trong nửa đầu năm 2024, Tael Two Partners Ltd cũng đã giảm tỷ lệ sở hữu từ 18,3% xuống 12,34% qua các đợt bán cổ phiếu liên tiếp. Điều này cho thấy quỹ quyết tâm rút toàn bộ vốn khỏi Vinasun trong năm nay.
Tael Two Partners Ltd rót vốn vào Vinasun năm 2013 khi mua 3 triệu cổ phiếu trong đợt phát hành riêng lẻ với giá 45.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng 135 tỷ đồng. Sau đó, Tael tăng sở hữu lên 12,4 triệu cổ phiếu (18,3%), với tổng vốn đầu tư ước tính 383 tỷ đồng.
Trong quý III/2024, Vinasun ghi nhận doanh thu 246,22 tỷ đồng, giảm 21,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 20,98 tỷ đồng, giảm 36,1%.
Vinasun đặt mục tiêu doanh thu năm 2024 đạt 1.010,6 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 80,5 tỷ đồng. Công ty dự kiến đầu tư 700 xe Hybrid Toyota, thanh lý và bán trả chậm 500 xe, với mục tiêu sở hữu 2.790 xe vào cuối năm 2024.
Thiên Nam bị hủy niêm yết cổ phiếu
Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc gần 49,6 triệu cổ phiếu TNA của Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Thiên Nam (HoSE: TNA). Theo quyết định, cổ phiếu này sẽ chính thức bị hủy niêm yết từ ngày 19/11/2024, với ngày giao dịch cuối cùng là 13/9/2024 (do cổ phiếu này đang bị đình chỉ giao dịch).
Nguyên nhân đến từ việc Thiên Nam vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin trong thời gian dài, thuộc diện đình chỉ giao dịch, bị kiểm soát và cảnh báo. Theo HoSE, các vi phạm này chưa được khắc phục, có khả năng tái diễn và ảnh hưởng lớn đến quyền lợi cổ đông. Điều này dẫn đến quyết định hủy niêm yết theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP.
Nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực
Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (UpCOM: VRG) có lợi nhuận ròng quý III/2024 tăng 127% so với cùng kỳ, đạt 1.120 tỷ đồng, nhờ giá mủ cao su tăng mạnh. Doanh thu hợp nhất 9 tháng đạt 16.953,7 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 2.705 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 17% và 38,4%. VRG dự kiến doanh thu năm 2024 đạt 26.307 tỷ đồng, vượt 5,23% kế hoạch, với lợi nhuận sau thuế hợp nhất 3.746 tỷ đồng.
Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam có doanh thu 9 tháng đầu năm đạt 12.360 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng tăng 76,3%, đạt 2.242 tỷ đồng. Các yếu tố tích cực như giá cước vận tải biển và nhu cầu tăng từ Mỹ, châu Âu đã hỗ trợ kết quả kinh doanh. Tuy nhiên, giá cước trung bình có dấu hiệu giảm từ tháng 7/2024.
Petrovietnam có doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm tăng 12%, đạt 736.500 tỷ đồng. Một số chỉ tiêu như nộp ngân sách nhà nước tăng từ 9% đến 31%.
Các hãng hàng không tăng cường phục vụ Tết Nguyên đán 2025
Với nhu cầu di chuyển tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán 2025, Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đã công bố các kế hoạch mở rộng đội tàu bay, tăng tần suất chuyến và bổ sung các đường bay mới để phục vụ hành khách.
Thông tin từ Vietnam Airlines (HoSE: HVN) cho thấy, DN này sẽ thuê thêm 4 máy bay Airbus A320/A321, trong đó có 2 chiếc theo hình thức thuê ướt (kèm tổ bay), nhằm đáp ứng nhu cầu dịp Tết. Các máy bay này sẽ cung ứng tổng cộng 129.600 chỗ ngồi với khoảng 180 chuyến mỗi chiếc trong giai đoạn cao điểm. Đến nay, hãng đã bán 1,5 triệu vé, bằng 2/3 số lượng vé năm ngoái, và dự kiến cung ứng 2,5 triệu vé. Ngoài các tuyến chính, hãng cũng tăng tần suất trên các tuyến nội địa như TP.HCM – Chu Lai, Quy Nhơn, Buôn Ma Thuột và Gia Lai.
Vietjet Air (HoSE: VJC) sẽ mở bán 2,6 triệu vé từ đầu tháng 11 và khôi phục đường bay nhiều tuyến nội địa và quốc tế sau dịch COVID-19. Các đường bay nổi bật bao gồm Đà Lạt – Cần Thơ, Đà Lạt – Đà Nẵng và Đà Nẵng – Phú Quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và thúc đẩy du lịch địa phương.
Bamboo Airways cũng lên kế hoạch mở rộng đội tàu và tái khai thác tuyến bay. Theo đó, Bamboo Airways nhận thêm một máy bay Airbus A320 và dự kiến bổ sung thêm tàu bay trước Tết. Hãng tái khai thác các tuyến TP.HCM – Bangkok (từ 26/11) và TP.HCM – Phú Quốc (từ 24/12), đồng thời tăng cường tần suất chuyến bay đến Quy Nhơn và nghiên cứu các chuyến bay quốc tế thuê chuyến đến Bình Định.
Các doanh nghiệp trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đạt 84,3% kế hoạch năm Trong 9 tháng, tổng doanh thu các tập đoàn, tổng công ty trong Đảng ủy Khối doanh nghiệp (DN) Trung ương đạt 84,3% kế hoạch ... |
Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways lên kế hoạch cho dịp cao điểm Tết Ất Tỵ Các hãng hàng không lớn tại Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways tăng cường khai thác dịp Tết Nguyên đán 2025, ... |
Bùi Quý